Lệ Thủy, Quảng Bình: Huy động tổng lực để cứu dân

Như tin chúng tôi đã đưa, mưa lớn trong những ngày qua đã gây ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tại huyện Lệ Thủy.

Đến sáng 15-10, trên địa bàn huyện đã ngớt mưa nhưng nước sông Kiến Giang vẫn tiếp tục lên nhanh do lượng nước khổng lồ đổ về từ thượng nguồn.

Tổng lượng mưa đo được là 767,2mm; mực nước sông Kiến Giang đo được tại Trạm Phan Xá lúc 7 giờ sáng 15-10 là 3,45m, trên báo động III 0,75m. Đỉnh lũ đo được lúc 3 giờ sáng cùng ngày là 3,53m và chỉ cách đỉnh lũ năm 2010 là 0,46m.

Đến sáng 15-10, huyện Lệ Thủy đã hoàn toàn bị mất điện, nhiều xã đã trở thành các ốc đảo, thông tin liên lạc ở hầu hết các xã ngập sâu bị cắt đứt. Huyện đã thành lập Ban cứu trợ khẩn cấp, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhiều cơ số thuốc chữa bệnh, phối hợp với chính quyền các xã thực hiện cấp phát cho dân, đặc biệt ưu tiên những vùng bị nước lũ ngập sâu, vùng bị chia cắt. Trung tâm Y tế dự phòng, Bệnh viện đa khoa và Phòng Y tế huyện chủ động nhân lực, phương tiện, thường xuyên túc trực để sẵn sàng cứu dân khi có tình huống ốm đau bất ngờ, cần cấp cứu.

Lãnh đạo huyện đã tổ chức thành nhiều đoàn công tác, sử dụng phương tiện duy nhất là bo-bo đến các địa phương trực tiếp thăm hỏi, động viên và cấp phát lương thực, nước uống, đồng thời tiếp tục di dời khẩn cấp người dân bị mắc kẹt tại các vùng thấp trũng đến nơi an toàn. Tinh thần chỉ đạo của huyện là huy động tổng lực để cứu dân, tuyệt đối không để một người dân nào bị thiếu đói. Đến 10 giờ sáng nay (15-10), mưa đã tạnh nhưng mực nước sông Kiến Giang vẫn ở trên mức báo động III gần 1m.

Hầu hết các xã vùng giữa và vùng Quốc lộ 1 của huyện Lệ Thủy đều bị chìm sâu trong nước lũ màu vàng đục cuồn cuộn chảy. “Nước dâng lên nhanh lắm chú ơi! Sau hai ngày mưa, qua một đêm là nước đã tràn vô nhà. Sáng ra, nước đã ngập cả làng rồi. Không kịp trở tay. Tui chỉ lo cứu mấy đứa trẻ và mang theo lương thực dự trữ để đề phòng thôi. Thiệt khổ!, ông Hoàng Tấn Chóng ở thôn Thượng Giang, thị trấn Kiến Giang than thở.

Có mặt tại nhiều địa phương trên toàn huyện Lệ Thủy, hình ảnh mà chúng tôi chứng kiến là nhiều xóm làng, nhiều cụm dân cư chỉ còn hiển hiện những ngọn cây trồi lên trên mặt nước. Ở các xã bị ngập nặng, việc tiếp cận cứu hộ dân gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là cứu trợ tại chỗ do nước lũ chảy quá mạnh và mưa rất to. Cầu Kiến Giang và cầu Phong Xuân trở thành địa điểm thuận lợi nhất để người dân và các cơ quan hành chính Nhà nước vùng trung tâm huyện cất giữ phương tiện xe ô tô bởi các tuyến đường đã bị nước lũ nhấn chìm sâu cả mét.

Ở Bình Minh, một thôn có địa hình thấp nhất của xã Dương Thủy đã trở thành ốc đảo từ thời điểm 23 giờ đêm qua (14-10). Ông Phạm Quang Tình, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, Dương Thủy là xã có địa hình thấp nhất huyện, Bình Minh là thôn thấp nhất xã. Bởi thế, người dân vô cùng khó khăn khi phải đối phó với mưa lũ, nhất là lũ tràn vào nhà lúc nửa đêm. Đã có 400 nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ. Riêng thôn Bình Minh là 300 nhà ngập sâu từ 1m-1,5m và bị cô lập hoàn toàn. Mọi thông tin liên lạc bị cắt đứt, hầu hết gia súc, gia cầm của người dân đã trôi theo dòng nước.

Ở các xã cụm đường 15 dù có địa hình rất cao so với vùng trung tâm huyện nhưng vẫn phải chịu chung cảnh ngập lụt. Ông Nguyễn Viết Ưng năm nay đã ngoài 70 tuổi ở thôn Mỹ Đức phải giật mình bởi giấc ngủ say bị… nước lũ thức tỉnh. Vẻ mặt vẫn chưa hết bàng hoàng, ông cho biết: “Đã mấy chục năm nay tôi gần như quên việc nhà mình bị ngập lụt. Tôi nhớ như in lần gần đây nhất nước lũ tràn vào nhà là năm 1979; tính ra cũng gần 40 năm rồi chứ chẳng ít. Rứa mà đêm qua…”. Bỏ lửng câu chuyện với chúng tôi, lão nông tri điền ấy quay sang hối thúc bà vợ già tát nước vệ sinh căn phòng bếp đã bê bết bùn đất do nước lũ để lại.

Thông tin mà chúng tôi nhận được đến 10 giờ ngày 15-10, toàn huyện Lệ Thủy đã có gần 20.000 ngôi nhà của dân bị nước lũ nhấn chìm sâu từ 1m-1,5m, 19 ngôi nhà bị tốc mái, 30 trường học và 10 trạm y tế bị ngập lụt, hơn 30.000m3 đê bao bị sạt lở, cuốn trôi, 150km đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Mưa lũ cũng đã làm chết 1 người dân ở xã Xuân Thủy (do bị sét đánh) và 4 người khác bị thương ở xã Sen Thủy.

“Đây là trận lụt lớn trên diện rộng. Bởi vậy, dù người dân Lệ Thủy đã quen việc sống chung với lũ, tuy nhiên vẫn không thể chủ quan. Chính quyền địa phương đang bằng mọi cách có thể để cứu dân, tuyệt đối không để người dân nào bị thiếu đói", Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Năm nói.

Theo báo Quảng Bình

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/le-thuy-quang-binh-huy-dong-tong-luc-de-cuu-dan-post211543.info