Le Mont được miễn giấy phép xây dựng: Lời nói ngược

Bộ Xây dựng khẳng định dự án Le Mont Ba Vì Resort thuộc diện miễn giấy phép xây dựng trong khi các chuyên gia bày tỏ nhiều nghi ngại.

Dự án được miễn giấy phép xây dựng

Bộ Xây dựng vừa có văn bản số 2404/BXD-HĐXD nêu ý kiến về một số công trình phục vụ du lịch sinh thái xây dựng tại khu vực cốt 600, cốt 700 Vườn Quốc gia (VQG) Ba Vì, Hà Nội.

Cụ thể, Bộ Xây dựng thống nhất với đề nghị của Bộ NN-PTNT, tiếp tục dừng các hoạt động tôn tạo, xây dựng các công trình và các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái tại cốt 600 và cốt 700 VQG Ba Vì để rà soát và hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư xây dựng.

Bộ Xây dựng khẳng định dự án Le Mont Ba Vì Resort thuộc diện miễn giấy phép xây dựng trong khi các chuyên gia bày tỏ nhiều nghi ngại về việc này.

Bộ Xây dựng khẳng định, các công trình thuộc dự án này được miễn giấy phép xây dựng theo quy định Điểm b Khoản 2 Điều 69 Luật Xây dựng năm 2014.

Đặc biệt, theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/06/2012 của Thủ tướng Chính Phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020, dự án khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ I thuộc VQG Ba Vì là dự án được Nhà nước khuyến khích đầu tư.

Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ NN-PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ các thủ tục đầu tư dự án theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng; căn cứ Luật Xây dựng năm 2014, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và căn cứ Quy hoạch chi tiết xây dựng phân khi hành chính dịch vụ I do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ NN-PTNT khẩn trương thực hiện phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ I, làm cơ sở để tiếp tục triển khai thi công, đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Resort giữa VQG Ba Vì: Hãy trả lời 5 điều nghi vấn!

Xây dựng Resort là xem thường pháp luật

Trái với kết luận của Bộ Xây dựng, từng trao đổi với báo chí xung quanh việc xây dựng Resort Le Mont tại VQG Ba Vì, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT đã khẳng định đây là việc xem thường pháp luật.

Viện dẫn pháp luật hiện hành, GS Võ nhấn mạnh, tại thời điểm hiện tại thì việc trình, phê duyệt và thực hiện các dự án đầu tư thuộc VQG lại được điều chỉnh theo Luật Đầu tư công (từ Điều 7 tới Điều 10). Vườn quốc gia là tài sản công, nếu đầu tư bằng nguồn vốn tư thì phải lập dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).

“Theo Điều 7 của Luật Đầu tư công, dự án sử dụng từ 50ha đất VQG trở lên thuộc nhóm “dự án quan trọng quốc gia”; và theo Điều 17, nhóm dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Như vậy, lúc này thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư cũng như dự án đầu tư không còn thuộc Bộ NN-PTNT nữa, mà Bộ này phải trình lên Quốc hội xem xét”, GS Võ khẳng định.

Theo GS Võ, hợp đồng liên kết kinh doanh 112 và việc xây dựng Resort Le Mont có thể liệt vào hàng xem thường pháp luật, kể cả pháp luật lúc xảy ra hành vi lẫn pháp luật hiện hành.

“Câu hỏi được nhiều người đặt ra lúc này là xử lý như thế nào? Tất nhiên, chỉ có 3 cách xử lý”, ông Võ khẳng định.

Biện pháp đầu tiên, đó là xử lý theo hành chính với mức xử phạt vi phạm hành chính phù hợp và phải khôi phục lại hiện trạng như trước khi xảy ra hành vi phạm pháp luật.

Thứ hai, xử lý theo cách chuyển sang điều tra trách nhiệm hình sự vì đây là vi phạm pháp luật đất đai trên phạm vi lớn, gây hậu quả nghiêm trọng về thu cho Nhà nước và có biểu hiện tham nhũng.

Cuối cùng, ngừng lại việc khai thác resort để làm thủ tục đầu tư từ đầu.

“Lúc này, dự án mới phải được Chính phủ trình lên Quốc hội xin chủ trương đầu tư và dự án phải lập theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ưu điểm là không lãng phí giá trị đã đầu tư nhưng vi phạm pháp luật. Nhược điểm là làm cho nhân dân cảm thấy như “chìm xuồng”, kỷ cương còn ở khá xa”, GS Võ nêu quan điểm.

Hoàng Hà (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/le-mont-duoc-mien-giay-phep-xay-dung-loi-noi-nguoc-3323769/