Lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn

Sáng 19/9/2017, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu và Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày mất của danh nhân văn hóa Đào Tấn. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên tham dự buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, GS Hoàng Chương - Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc cho biết, Đào Tấn sinh năm 1845 tại làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, Bình Định, nơi đây nay đã được xây đền thờ Đào Tấn và khánh thành nhân kỷ niệm 170 năm ngày sinh của ông (1845-2015).

Thứ trưởng Vương Duy Biên phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: Gia Linh

Đào Tấn là nhà nho yêu nước, 30 năm làm quan, ba lần làm Tổng đốc, bốn lần làm Thượng thư, dốc lòng chăm lo dân và bảo vệ nền văn hóa dân tộc, là một tài năng lớn về nghệ thuật được người đời tôn vinh là hậu Tổ nghệ thuật Hát Bội (Tuồng). Đào Tấn đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ, một khối lượng kịch bản Tuồng, vở diễn Tuồng và văn, thơ cũng như lý luận về sân khấu khó ai bì kịp.

Ngày nay, nhiều vở tuồng của Đào Tấn như Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các, Quan Công hồi cổ thành, Khuê các anh hùng... đã được khai thác biểu diễn và quay thành phim nhựa, phim video, vừa để phục vụ cho công chúng rộng rãi, vừa phục vụ cho các nhà nghiên cứu và giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu trong cả nước.

Toàn cảnh buổi lễ. Ảnh: Gia Linh

Trong bài tham luận của mình, NSND Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, Đào Tấn đã để lại cho đời hơn 1000 bài thơ - từ, khoảng 40 vở Tuồng kinh điển và những bài viết đúc kết thành lý luận sân khấu cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật khác. Đào Tấn là một trí thức uyên bác, làu thông thi khúc, giỏi âm nhạc, hiểu biết sâu sắc cuộc sống và dám phản ánh hiện thực cuộc sống bằng trí dũng, nghị lực của mình. “Đào Tấn xứng đáng được tôn vinh là danh nhân văn hóa thế giới trong tương lai”, NSND Lê Tiến Thọ phát biểu.

Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định, Đào Tấn là một nhà hoạt động văn hóa toàn tài với một sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ, ít người sánh kịp, không những trong lịch sử văn hóa nước ta mà còn trên thế giới. Được coi là hậu Tổ của nghệ thuật Tuồng, Đào Tấn đã sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hàng trăm vở Tuồng; đưa nghệ thuật Tuồng lên những đỉnh cao chói lọi với những kiệt tác sân khấu như “Trầm hương các”, “Hộ sanh đàn”, “Diễn võ đình”...

Hình ảnh trong vở "Hộ sanh đàn". Ảnh: Gia Linh

Từ hơn một thế kỷ qua, tên tuổi và sự nghiệp của Đào Tấn đã là niềm tự hào của những người hoạt động văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị nghệ thuật Tuồng cũng như các đơn vị sân khấu, các kịch chủng trên cả nước nên có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới phục vụ người xem hôm nay. Ông mong muốn tỉnh Bình Định có kế hoạch phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc để phát huy tốt khu nhà thờ Đào Tấn ở quê hương Tuy Phước, Bình Định./.

Gia Linh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/le-ky-niem-110-nam-ngay-mat-cua-danh-nhan-van-hoa-dao-tan-254810.html