Lễ hội năm mới ở Cố đô Luông Pha Bang

NDĐT- Lễ hội năm mới (Bun Pi-may) của Lào năm nay diễn ra từ 14 đến 16-4 trong bối cảnh cả nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng cũng như đối ngoại.

Diễu hành voi trên đường phố Luông Pha bang.

Trong năm Phật lịch Lào 2555 (từ giữa tháng 4-2012 đến giữa tháng 4-2013): Tình hình chính trị được ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững, tăng trưởng kinh tế hơn 8%, công tác giảm đói nghèo có nhiều tiến bộ, tổ chức thành công tốt đẹp các hội nghị cấp cao khu vực và quốc tế làm gia tăng vị thế và vai trò của CHDCND Lào trên trường quốc tế.

Nhộn nhịp trước thềm năm mới, không khí Tết đã tràn ngập khắp xứ sở gắn liền với hoa Chăm-pa này. Tại Thủ đô Viêng Chăn, áo quần bằng vải thô in hoa lá sặc sỡ được bày bán khắp nơi. Các công sở tổ chức lễ buộc chỉ tay và liên hoan mừng năm mới. Mọi người buộc chỉ tay cho nhau và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất sẽ đến trong năm mới trong bầu không khí trang nghiêm mà ấm cúng, vui vẻ.

Mấy ngày Tết chính của Lào, chúng tôi lại có mặt ở Cố đô Luông Pha Bang, vì một trong những người bạn Lào thân quen nói rằng, nếu công tác ở Lào mà chưa một lần trải nghiệm Tết Lào ở Cố đô là thiếu sót lớn.

Tuy bận rộn trong công tác tổ chức lễ hội năm mới, nhưng đồng chí Xổm-lít Bu-pha-pa-nha, Phó Giám đốc Sở Thông tin, Văn hóa và Du lịch tỉnh Luông Pha Bang cũng dành cho chúng tôi một ít thời gian.

Đồng chí cho biế t: Các cấp chính quyền tỉnh Luông Pha Bang đã chuẩn bị chu đáo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và cả thực hiện để làm sao cho lễ hội năm mới lần này được tốt hơn, từ vệ sinh đường phố, trang hoàng, sơn phết mới các chùa chiền, các điểm tham quan đến tổ chức hội chợ thương mại truyền thống, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, lễ đắp tháp cát và nhất là cuộc thi cùng với lễ rước Nang Xang-khan, lễ rước tượng Phật. Mong sao lễ hội năm mới ở Luông Pha Bang lần này đem đến sự vui tươi, thoải mái cho người dân, ngày càng thu hút, hấp dẫn đông đảo khách du lịch gần xa.

Cố đô Luông Pha Bang là một trong những địa danh hấp dẫn du khách bậc nhất của Lào, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 1995, thu hút khách du lịch bởi kiến trúc độc đáo, cảnh đẹp thiên nhiên, di tích lịch sử, tôn giáo, ẩm thực cùng với sự thân thiện và mến khách của người dân nơi đây.

Ngay ngày đầu tiên của lễ hội năm mới Lào, theo tập quán người Lào là ngày cuối năm cũ, cả Cố đô Luông Pha Bang đã tràn ngập trong không khí té nước, một hoạt động quan trọng bậc nhất trong lễ hội năm mới (Bun Pi-may) của người Lào. Người Lào quan niệm rằng nước sẽ làm trôi đi điều xấu, bệnh tật và đem lại sự tươi mát, mạnh khỏe, hạnh phúc, ấm no cho mọi loài; té nước cho nhau, càng nhiều càng tốt, là cầu mong hạnh phúc cho nhau.

Khắp các đường phố của Cố đô như tràn ngập trong nước và trong tiếng cười giao lưu giữa người Lào với người Lào, giữa người Lào với du khách quốc tế và cả giữa người nước ngoài với nhau. Té nước bằng tất cả các dụng cụ có thể được, từ súng phun, vòi xịt và cả bình, lon nhựa… Tất cả cùng vui, bất kể giới tính, bất kể quốc tịch, đều té nước, đều mong hạnh phúc cho nhau. Nên có thể nói tục lệ té nước trong lễ hội năm mới của Lào thấm đẫm tính nhân văn và mang tính cộng đồng sâu sắc.

Cùng với phong tục té nước, xây tháp cát là một trong những phong tục quan trọng vào dịp mừng năm mới của người Lào. Ở Cố đô Luông Pha Bang, người ta thường xây tháp cát dọc triền doi Xay-muôn-khuôn nằm giữa dòng Mê Công gần ngã ba sông Mê Công và sông Nam Khan trong ngày đầu tiên của lễ hội năm mới. Từ tả ngạn sông Mê Công ra doi cát bằng thuyền máy mất chừng năm phút. Bất kể giữa trưa nắng nóng có lẽ không dưới 36 độ C, đông đảo người dân Lào và khách du lịch quốc tế, phần lớn là thanh niên, đổ ra đây để đắp tháp cát, té nước và bôi… bột mì vào nhau.

Theo phong tục, người Lào xây tháp cát, tượng trưng cho núi Phou-cao-cay-lát nơi bảy người con gái của thần Ca-bi-la-phom thờ đầu cha mình, dâng lên thần linh để cầu mong sức khỏe và hạnh phúc. Tháp được xây bằng cát ướt và làm hoàn toàn bằng tay. Tháp càng lớn, người xây càng hưởng được nhiều sức khỏe và hạnh phúc, nhưng khó xây lớn, thường chỉ cao tầm trên dưới một mét và đường kính chân tháp cũng chừng đó. Sau khi hoàn thành, tháp có thể được trang trí bằng cờ, hoa, vẩy nước thơm và được thắp hương, đèn để dâng cúng. Theo nhiều chuyên gia nghiên cứu văn hóa Lào, xây tháp cát trong lễ hội năm mới là nét độc đáo riêng có của người Lào.

Và, có lẽ đặc sắc nhất trong lễ hội năm mới ở Cố đô Luông Pha Bang là đám rước Nang Xang-khan rước đầu thần Ca-bi-la-phom từ chùa Thát Noi về chùa Xiêng Thong. Nang Xang-khan là tên gọi chung của bảy cô gái con thần Ca-bi-la-phom. Một cuộc thi được tổ chức trong tỉnh Luông Pha Bang để tuyển chọn bảy cô gái xinh đẹp và nết na nhất đóng vai bảy cô gái của thần Ca-bi-la-phom trong lễ rước và trong số đó, cô gái xinh đẹp và nết na nhất xuất hiện như là nhân vật chính trong lễ diễu hành.

Năm nay, chính quyền tỉnh Luông Pha Bang tổ chức cuộc thi và lễ rước Nang Xang-khan rước đầu thần Ca-bi-la-phom chu đáo và hoành tráng. Đông đảo đại diện các chùa, các ngành, các cấp, các huyện và các bản trong huyện Luông Pha Bang, các hội truyền thống, các làng nghề tham gia nhiệt thành, diễu hành qua các đường phố Cố đô dài cũng vài cây số. Người xem đứng hai bên đường cũng đông đảo không kém, vừa xem vừa té nước vào đoàn diễu hành.

Gặp Lê Đặng Quang Tùng làm việc trong ngành sách và thiết bị trường học ở Hà Nội sau lễ rước đầu thần Ca-bi-la-phom, Tùng hồ hởi cho biết: Em và các bạn sang “chơi Tết Lào” - theo cách nói của Tùng - vui quá. Té nước ướt cả người nhưng thích thú quá. Gặp ai chúng em cũng “chiến” (té nước), người Việt mình cũng có, khách du lịch châu Âu thì đông, nhưng toàn là thanh niên, họ “chiến” cũng ghê lắm. Tất cả đều vui vẻ và “cực kỳ” thân thiện.

Thật vậy, lễ hội năm mới (Bun Pi-may) ở Lào nói chung và ở Cố đô Luông Pha Bang nói riêng mang tính nhân văn sâu sắc và tính cộng đồng cao. Đến với lễ hội như đến với thiên nhiên, đến với hạnh phúc và niềm tin, đến với sự thân thiện và chan hòa.

Du khách cùng người dân bản địa té nước nhau trên đường phố ở Cố đô Luông Pha bang.

Xây tháp cát trên doi cát Xay-muôn-khuôn.

Giới trẻ Lào chơi hội năm mới; té nước và bôi mặt cho nhau.

Du khách quốc tế cùng hòa nhập vào lễ hội.

Các Nang Xang-khan rước đầu thần Ca-bi-la-phom.

Biểu diễn nghệ thuật cổ truyền trong lễ hội.

Bài và ảnh: TOÀN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/vanhoa/dong-chay/item/20127702-.html