Lễ hội Kinh Dương Vương: Hội tụ văn hóa

TP - Từ ngày 14 đến ngày 19 tháng Giêng (tức ngày 21 đến 26/2), tại khu vực lăng và đền thờ Kinh Dương Vương thuộc xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh diễn ra lễ hội Kinh Dương Vương - lễ hội thể hiện sự trân trọng, biết ơn Thủy tổ nước Việt.

Lễ rước kiệu vua Thủy tổ về lăng.

Sáng 23/2, tỉnh Bắc Ninh long trọng tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương. Tại lễ hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 4, Cục Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) trao tặng phiên bản Mộc bản triều Nguyễn về Vua Thủy tổ Kinh Dương Vương cho đại diện Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh và UBND huyện Thuận Thành để gìn giữ, trưng bày nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu di tích Đền thờ và Lăng Thủy tổ Kinh Dương Vương. Theo thư tịch này, Kinh Dương Vương (tức Lộc Tục) là người lập nên nhà nước Xích Quỷ - nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta. Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra các Vua Hùng. Như vậy, Kinh Dương Vương là ông nội của vua Hùng, đồng thời là người đầu tiên xây dựng nhà nước sơ khai của người Việt cổ.

Tại lễ hội, du khách được chứng kiến nghi lễ rước nước từ đền xuống lăng Kinh Dương Vương. Đây là những giọt nước được lấy từ giữa dòng sông Thiên Đức (tức sông Đuống) mát lành để về thờ làm nghi lễ nhập tịch, tế theo nghi thức truyền thống, thể hiện sự tri ân đối với Thủy tổ người Việt. Sau lễ khai mạc, Bắc Ninh tổ chức lễ dâng hương, rước kiệu vua Thủy tổ Kinh Dương Vương, Đại đế Lạc Long Quân, Hoàng hậu Âu Cơ từ đền xuống lăng. Đại diện thôn Phú Mỹ thực hiện nghi lễ rước bài vị thành hoàng về đền, lăng làm lễ bái yết vua Thủy tổ. Ngày 24/2 diễn ra nghi lễ rước bài vị thành hoàng Tam công Đại vương đình làng Đồng Đoài về bái yết vua Thủy tổ. Tiếp đó là các nghi lễ tế cầu nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Ngày 25/2 sẽ lễ tống ruộc (rước trả nước), tưới cho cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Ngoài ra, phần hội sôi động với các hoạt động giao lưu đánh đu, vật dân tộc, biểu diễn rối nước, hát quan họ, ca trù, trống quân, tuồng…

Hiện nay, trong lăng và đền thờ các bậc đế vương đầu tiên của nước Việt vẫn còn nhiều bảo vật như 3 ngai thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ, 15 sắc phong, thần phả, văn tế, hoành phi, câu đối cổ nói về Kinh Dương Vương như Nam tổ miếu, Bách Việt Tổ, Nam Bang Thủy tổ… Đặc biệt nơi đây vẫn còn một tấm bia đề chữ Kinh Dương Vương lăng và hai chữ “Bất vong” (Không bao giờ mất). Với mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử, năm 2012, UBND tỉnh Bắc Ninh lập dự án quy hoạch, xây dựng bổ sung khu quần thể di tích lăng và đền thờ Kinh Dương Vương với tổng diện tích gần 350.000 m 2 , tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng. Đến nay, một số hạng mục đã được triển khai và theo kế hoạch, đến năm 2019, dự án sẽ hoàn thành.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/le-hoi-kinh-duong-vuong-hoi-tu-van-hoa-973283.tpo