Lễ hội Gióng 2017 sắp diễn ra tại huyện Gia Lâm có gì độc đáo?

Lễ hội Gióng 2017 diễn ra từ ngày1/5 đến ngày 4/5/2017 (tức từ mùng 6 9/4 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Phù Đổng, Gia Lâm. Đây là Lễ hội truyền thống diễn ra hàng năm nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Thánh Gióng.

Để tổ chức lễ hội một cách chu đáo, năm nay UBND huyện Gia Lâm đã lên kế hoạch, phân công công việc chi tiết cho từng đơn vị, phòng ban và UBND xã Phù Đổng. Theo ông Lý Duy Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, thời gian tổ chức lễ hội Gióng năm 2017 diễn ra từ ngày 1/5 đến ngày 4/5/2017 (tức từ mùng 6 đến mùng 9/4 Âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Phù Đổng với lịch trình như sau:

Ngày 6/4 tổ chức lễ rước nước với sự tham gia của toàn bộ các tướng, quân lính, phường nhạc – múa cùng đông đảo dân làng.

Ngày 7/4 rước miều (bao đựng cờ lệnh và một số vật dụng khác) đến đền Mẫu và rước cỗ chay (có cơm và cà) từ đền Hạ sang đền Thượng để dâng lên Đức Thánh. Buổi trưa có rước khám đường với ý nghĩa nhằm thăm dò đường đi đến trận địa.

Ngày 8/4: những người đứng đầu giáp và có uy tín của 4 làng tổ chức duyệt lần cuối những hoạt động diễn ra trong lễ hội.

- Ngày 9/4 (chính hội) rước cờ từ đền Hạ lên đền Thượng, múa “thờ thần”, múa “bắt hổ” và diễn hội trận.

Cảnh bao quát của lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm)

Hội Gióng ở đền Phù Đổng là “một kịch trường dân gian” rộng lớn với hàng trăm vai diễn theo lối diễn xướng dân gian: “ông Hiệu“ là các tướng lĩnh của Thánh Gióng; “Phù Giá” là đội quân chính quy của Thánh Gióng; các “Cô Tướng“ tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược; “Ông Hổ“ là đội quân tổng hợp; “Làng áo đỏ“ là đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng áo đen“ là đội dân binh… . Vào chính hội, trước tiên dân làng tổ chức các nghi thức tế Thánh, sau đó là lễ rước nước lau rửa tự khí từ giếng đền Mẫu (đền Hạ) với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa, lễ rước cờ “lệnh” từ đền Mẫu lên đền Thượng, tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng …

Ngày chính hội mùng 9 tháng 4 diễn ra hai trận đánh. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm (khu đất ven hồ sen đầu làng Đổng Viên, cách đền Thượng chừng 2 km) và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, mỗi chiếu có 1 chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên 1 tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc (biểu tượng cho yếu tố âm).

Sau nghi lễ tế Thánh, ông Hiệu cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo trong tiếng chiêng, tiếng trống thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Ông Hiệu múa cờ tránh cho lá cờ bị cuốn vào cán, bởi cờ bị cuốn có thể là điềm rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu lấy may. Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong điệu múa lời ca của phường Ải Lao. Các chiếu chèo và các trò chơi dân gian diễn ra ngay tại đây. Tướng và quân bên giặc cũng được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng - thể hiện tinh thần khoan dung, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.

Diễn xướng dân gian cảnh Thánh Gióng đánh trận

Trần Thanh (t/h)

Trần Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/le-hoi-giong-2017-sap-dien-ra-tai-huyen-gia-lam-co-gi-doc-dao-d119947.html