Lễ hội Đền Trần - tinh thần hào khí Đông A

(LĐO) – Hội đền Trần Nam Định và đền Trần Thái Bình là hai trong số những lễ hội được xếp vào danh sách những lễ hội lớn nhất nước ta. Cùng Laodong.com.vn điểm qua những chi tiết thú vị trong lịch sử của hai ngôi đền nổi tiếng này.

Đền Trần - Nam Định Đền Trần là tên gọi chung một quần thể kiến trúc bao gồm 3 di tích xây vào những triều đại khác nhau ở Tức Mạc, nay thuộc phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, cách Hà Nội khoảng 94 km. Khu này rộng tới hàng chục hécta, được xây dựng trên nền Thái miếu cũ của nhà Trần đã bị quân Minh phá hủy vào thế kỷ 15, với đền Thiên Trường (hay đền Thượng) thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch (hay đền Hạ) thờ Trần Hưng Đạo và đền Trùng Hoa... Trước khi vào đền, phải qua hệ thống cổng ngũ môn. Trên cổng ghi các chữ Hán “Chính nam môn” ( cổng chính phía nam) và Trần Miếu (Miếu thờ nhà Trần). Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ nước là khu đền Thiên Trường. Phía Tây đền Thiên Trường là đền Trùng Hoa, phía Đông là đền Cố Trạch. Cả 3 đền đều có kiến trúc chung và quy mô ngang nhau. Mỗi đền gồm tòa tiền đường 5 gian, tòa trung đường 5 gian và tòa chính tẩm 3 gian. Nối tiền đường và trung đường là kinh đàn (thiêu hương) và 2 gian tả hữu vu. Đền Thiên Trường được xây trên nền Thái miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ họ của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Đền Trần hiện nay được dân địa phương xây bằng gỗ từ năm Chính Hòa thứ 15 (tức năm 1695). Đền Cố Trạch được xây vào năm 1894, đặt bài vị của Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng. Tiền đường của đền Cố Trạch là nơi đặt bài vị của 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Đền Trùng Hoa mới được chính quyền tỉnh Nam Định với sự hỗ trợ về kinh phí của chính phủ xây dựng từ năm 2000. Đền được xây trên nền cung Trùng Hoa xưa - nơi các đương kim hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương là nơi đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ. Lễ hội đền Trần diễn ra vào ngày 15 tháng Giêng. Lễ hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Thời gian gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin/mua được tờ ấn với mong ước sẽ được thăng tiến trong nghề nghiệp. Lễ rước ấn sẽ được bắt đầu từ nội cung đền Cố Trạch sang sân đền Thiên Trường theo nghi lễ truyền thống. Sau nghi thức này, nhà đền sẽ phát ấn miễn phí cho khách thập phương tại ba điểm: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, nhà trưng bày và dãy nhà phía trước đền Trùng Hoa. Đền Trần - Thái Bình Đền thờ các vua Trần trên đất phát tích Thái Bình (còn gọi là Thái Đường Lăng) thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức huyện Hưng Hà. Lịch sử Việt Nam ghi nhận vương triều nhà Trần có nhiều vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Thị Dung; Trần Hưng Đạo... Thái Bình là vùng đất phát tích của vương triều Trần, vì cách đây hơn 700 năm, tại đây các vị vua khai nghiệp nhà Trần được sinh ra, gia tộc nhà Trần dựa vào đây dấy nghiệp. Các vua Trần đã cho xây dựng một hành cung Long Hưng để tổ chức những đại lễ mừng chiến thắng và Tam đường là nơi lưu giữ hài cốt của các tổ tiên triều Trần như: Thủy tổ Trần Kinh, Thái tổ Trần Hấp, Nguyên tổ Trần Lý, Thái thượng hoàng Trần Thừa... Khi các vị vua và hoàng hậu băng hà thì có tới trên một nửa được an táng tại quê nhà và đều được xây lăng miếu phụng thờ, trong đó Thái Đường Lăng là nơi an nghỉ vĩnh hằng của các vị vua đầu triều Trần như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông. Các hoàng hậu sau khi qua đời đều được quy về hợp tác tại các lăng mộ như Thọ lăng, Chiêu lăng, Dự lăng, Quy đức lăng. Năm tháng qua đi, lăng mộ ba vị vua đầu triều Trần và dòng sông Thái Sư vẫn còn đó. Hơn 7 thế kỷ, những di vật nằm sâu trong lòng đất Tam Đường đã được khai quật, giúp hậu thế tìm lại một quần thể kiến trúc lăng mộ, kiến trúc hành cung Long Hưng uy nghi, hoành tráng. Trên diện tích 5175m2, đền thờ các vua Trần và Đức thánh Trần Hưng Đạo đã được xây dựng công phu, uy nghi bề thế tọa lạc trên nền phế tích nằm giữa trung tâm xã Tiến Đức với các hạng mục đã hoàn thành là tòa hậu cung, tòa bái đường, tả vu, hữu vu, nghi môn, đài hóa vàng, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan. Đây là một tổng thể kiến trúc rộng lớn, là nơi thờ tự các vua Trần. Các công trình kiến trúc được bố trí theo trục chính, chia thành các không gian, như: không gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh, là một công trình kiến trúc kế thừa và phát huy truyền thống kiến trúc dân tộc - kiến trúc đình làng. Riêng Tòa hậu cung đền Trần là một phần trong tổng thể kiến trúc có kết cấu chữ đinh, gồm hai tòa tám gian, trên diện tích 359m2, được khởi dựng bởi sự tài hoa của những người thợ; sự góp mặt của đá trong hợp thể kiến trúc tôn vinh vẻ uy linh của hậu cung với hệ thống rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động. Năm nay, tỉnh Thái Bình cũng tổ chức lễ hội đền Trần từ ngày 15 đến 17-2 (13 đến 15 tháng Giêng) với một số nội dung chủ yếu như: Lễ rước chân nhang từ đền ra bến sông, lễ rước nước cùng chương trình văn hóa, nghệ thuật dân gian hấp dẫn như: Thi hát chầu văn, thi ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, múa rồng, lân, sư tử, thi gói bánh chưng, cỗ cá, thả diều sáo… Chương trình khai mạc lễ hội diễn ra vào tối 15-2 (13 tháng Giêng) với màn sử thi mang chủ đề "Đất thiêng dựng nghiệp nhà Trần". Ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức dâng hương và ban phúc ấn sau khi lễ khai mạc kết thúc. Thu Hương (Tổng hợp)

Nguồn Lao Động: http://laodong.vn/tin-tuc/le-hoi-den-tran--tinh-than-hao-khi-dong-a/32538