Lễ hội đền A Sào trở thành 'Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia'

Tối 20/9, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Đền A Sào (xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ). Nhân dịp này, lễ hội truyền thống đền A Sào đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận 'Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia'.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng một số lãnh đạo các Ban Đảng,
bộ ngành Trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội, tỉnh Thái Bình tham dự buổi lễ.

Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình…

Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu đã cắt băng khánh thành khu Phủ Đệ, thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các đại biểu cắt băng khánh thành
khu Phủ Đệ, thuộc khu di tích lịch sử, văn hóa Đình, Đền, Bến Tượng A Sào.

Trong khuôn khổ lễ khai mạc lễ hội, đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã trao Bằng công nhận Lễ hội đền A Sào là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia” cho đại diện chính quyền, nhân dân địa phương

Khu di tích đền A Sào gắn liền với câu chuyện “Con voi của Trần Hưng Đạo”.

Sử sách kể rằng, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ 3, trên đường tiến quân, voi của Trần Hưng Đạo bị sa lầy bên bờ con sông Hóa (Làng A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ ngày nay).

Đại diện Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch trao Bằng công nhận Lễ hội đền A Sào
là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia” cho đại diện chính quyền, nhân dân địa phương.

Khi đó, quân sĩ cùng nhân dân địa phương đã tìm đủ mọi cách để cứu voi nhưng vô hiệu. Bùn lầy nhão, voi to nặng mỗi lúc một lún thêm mà nước triều lại đang lên nhanh. Vì việc quân cấp bách, Trần Hưng Đạo đành để voi ở lại. Voi chảy nước mắt nhìn chủ tướng ra đi.

Có lẽ vì thương tiếc con vật khôn ngoan, có nghĩa với người, có công với nước nên khi hô hào quân sĩ, Trần Hưng Đạo đã trỏ xuống dòng sông Hóa thề rằng: “Chuyến này không phá xong giặc Nguyên, thề không về đến bến sông này nữa”.

Chương trình nghệ thuật “A Sào linh ứng” được tổ chức trong buổi khai mạc lễ hội.

Cũng theo sử sách, con voi trung hiếu sau khi chết đã được nhân dân địa phương đắp mộ, lập đền thờ. Bến sông nơi voi trận sa lầy được nhân dân gọi là bến Tượng. Cũng tại đây, sau này người dân làng A Sào đã lập sinh từ thờ Đức Thánh Trần, thường gọi là A Sào linh miếu.

Hằng năm, vào ngày giỗ Đức Thánh Trần (20/8 Âm lịch) dân làng mở hội với nhiều nghi thức tâm linh tưởng nhớ cùng nhiều trò chơi dân gian như thi pháo đất, đấu vật, giã bánh dày…

Năm 2014, Quần thể di tích đền A Sào được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch cấp Bằng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Năm nay (2016), Lễ hội đền A Sào tiếp tục được Bộ công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”

Những năm gần đây, quần thể di tích đền A Sào được chính quyền, nhân dân địa phương huy động nhiều nguồn lực để đầu tư tôn tạo. Qui hoạch chi tiết xây dựng Khu di tích lịch sử nhà Trần tại thôn A Sào rộng 31,7 ha cũng đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt

Được biết, lễ hội đền A Sào năm nay sẽ kéo dài đến hết ngày 22/9.

Duy Hưng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/le-hoi-den-a-sao-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/122841