'Lễ hội chọi trâu, nơi thì tôn vinh là di sản, nơi lại cấm, rất vô lý'

“Lễ hội chọi trâu, bản chất là hai con trâu chọi nhau nhưng nơi thì vinh danh di sản, chỗ lại cấm”, ông Nguyễn Vũ Phan chia sẻ.

Sáng 24/2, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (Bộ VH-TT&DL) tổ chức Hội nghị Sơ kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội xuân Đinh Dậu năm 2017. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần quán triệt và quyết liệt với công tác quản lý văn hóa, lễ hội một cách tốt nhất để không xảy ra tình trạng “vỡ trận” lễ hội.

Hội nghị đã ghi nhận những báo cáo của các địa phương có nhiều lễ hội nổi bật như Hà Nội, Nam Định, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nghệ An, Tuyên Quang, Yên Bái ....

Phát biểu tại hội nghị, ý kiến của ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang đã gây sự chú ý với nhiều người. Theo ông Phan, “Lễ hội chọi trâu, bản chất là hai con trâu chọi nhau nhưng chỗ thì vinh danh thành di sản, chỗ lại cấm”.

Quan điểm “thương mại hóa” lễ hội cũng được ông Nguyễn Vũ Phan, Giám đốc sở VH-TT&DL Tuyên Quang đề cập. Theo ông Phan, bây giờ để tổ chức lễ hội theo kiểu truyền thống tinh khiết rất khó. Thương mại hóa là điều cần thiết để mang lại lợi ích kinh tế.

Vấn đề tâm lý đám đông cũng được đại diện Sở VH-TT&DL Tuyên Quang đặt ra. “Một lễ hội đang diễn ra với sự tham gia của hàng nghìn người mà nhà quản lý nói cấm ngay thì sẽ mang đến những phản ứng tiêu cực từ đám đông. Thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng”.

Ảnh minh họa: Khắc Kiên

Liên quan đến sự việc Tuyên Quang mới đây có lễ hội chọi trâu tự phát, do người dân đứng ra tổ chức, ông Phan cho biết: “Các lễ hội đều bình đằng với nhau. Lễ hội chọi trâu, bản chất là hai con trâu chọi nhau nhưng nơi thì tôn vinh là di sản, nơi lại cấm, thì rất vô lý”. Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Tuyên Quang, các cơ quan chức năng cần xem xét và cân nhắc lại vấn đề này.

“Nếu đã cấm thì cần áp dụng với tất cả các địa phương. Ngày xưa cha ông mình xem con trâu là đầu cơ nghiệp, nhưng bây giờ nó đã trở thành một thứ hàng hóa. Du khách đến lễ hội chọi trâu, muốn có một kg thịt trâu tươi ngon để ăn thì việc phải bỏ ra một số tiền xứng đáng để mua là điều bình thường. Không thể nói đây là việc lạm dụng hay biến tướng lễ hội được”, ông Phan cho biết.

Tại hội nghị, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội, mùa lễ hội 2017, Hà Nội có 1.200 lễ hội. “Bản thân tôi cũng không thể nhớ và biết hết tất cả các lễ hội do mình quản lý”, ông Động cho biết.

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội nhấn mạnh: “Năm nào chúng ta cũng đặt ra các vấn đề về chấn chỉnh, thanh tra, kiểm tra hoạt động ở các lễ hội nhưng những thực trạng tổn tại vẫn diễn ra. Vì vậy, vấn đề là cần phải chỉ ra cụ thể nguyên nhân, lý do để có giải pháp rõ ràng”.

Lý giải về hiện tượng lượng du khách tăng nhiều ở mỗi mùa lễ hội, ông Tô Văn Động cho rằng: “Có hai lý do, một là, bây giờ người ta mất lòng tin vào nhiều thứ nên lựa chọn cách đi lễ hội. Hai là, cũng có thể phú quý sinh lễ nghĩa”.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội đặt vấn đề: “Đầu tư cho lễ hội như thế nào cho hợp lý? Mỗi lễ hội chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày mà yêu cầu phải có bến xe đàng hoàng là rất khó, không có doanh nghiệp nào dám nhận để đầu tư. Hội thảo về lễ hội không quyết định được hình thức hay phương pháp quản lý lễ hội. Trong khi, Nhà nước đang chủ trương giao lễ hội cho chủ thể, mà chủ thể ở đây là người dân. Và họ cho rằng, lễ hội phải có cướp lộc, cướp phết thì mới tổ chức được”.

Báo cáo tại hội nghị, ông Hồ Chí Đức, phó Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh cũng cho biết, năm nay địa phương này đã tổ chức tốt công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Mặc dù số lượng du khách đổ về các lễ hội ở Quảng Ninh rất nhiều nhưng không có tình trạng ùn tắc, chen lấn xảy ra.

Tình trạng người dân tự phát mở các điểm trông giữ xe để hét giá du khách như năm ngoái cũng đã được chấm dứt. Theo đó, địa phương này đã mở ra các bến xe mới tại mỗi điểm lễ hội. “Có thể hơi xa một chút, vì vậy địa phương đã huy động hệ thống xe điện để giúp người dân thuận tiện hơn trong việc di chuyển”.

Liên quan đến sự việc, chiếc ấn dùng trong lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu ở Quảng Ninh viết sai chính tả, theo ông Hồ Chí Đức, hội khai bút, khai ấn của Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh bị hiểu nhầm là lễ hội. “Thực tế sự kiện này không được cấp phép và không được xem là lễ hội. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và xử phạt. Năm sau, nếu không xin được giấy cấp phép, sự kiện này sẽ bị dừng lại”, lãnh đạo này cho biết.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Những hoạt động trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội cần được thắt chặt hơn nữa. Chúng ta không né tránh những tồn tại và hạn chế trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội. Tinh thần là cởi mở và chấn chỉnh ngay những bất cập, hướng đến một chiến lược lâu dài, bền vững về công tác quản lý văn hóa”.

“Điều này không thể thực hiện qua một hội nghị sơ kết nhưng từ những hội nghị này chúng ta sẽ rút ra được những bài học quan trọng và quý giá. Thế giới vẫn khát khao có được những lễ hội như chúng ta. Nhưng việc bảo vệ và phát huy làm sao để những lễ hội truyền thống của dân tộc phù hợp với xu thế, thời đại. Có những thứ hôm qua đúng nhưng hôm nay lại không”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho hay.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL bác bỏ quan điểm “tả tơi lễ hội”. Theo ông cần quán triệt và quyết liệt với công tác quản lý văn hóa, lễ hội một cách tốt nhất để không xảy ra tình trạng “vỡ trận” lễ hội, dẫn đến những xô xát, chen lấn như hiện nay.

Đào Bích/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/van-hoa-giai-tri/le-hoi-choi-trau-noi-thi-ton-vinh-la-di-san-noi-lai-cam-rat-vo-ly-597010.vov