Lễ hội chọi trâu: Giữ hay bỏ?

Không chỉ còn húc nhau đến chảy máu, lễ hội chọi trâu là sàn giết động vật, cờ bạc trá hình, thịt rượu tưng bừng…

Mặt trái diễn ra đến cả chục năm, chưa tay cược sới chọi nào bị bắt; chưa chủ sạp thịt nào bị ngành công thương sờ gáy vì nâng giá. Nhưng sau sự cố chết người tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2017, không chỉ có lễ hội chọi trâu mới mà cả lễ hội chọi trâu truyền thống cũng không biết có cơ hội giữ lại hay bị bỏ đi.
Liên tục đứt đoạn
Theo sử sách ghi lại, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng có tuổi đời ngót nghét 1000 năm (từ đời Vua Lý Thánh Tông). Nét độc đáo của chọi trâu Đồ Sơn là sau khi kết thúc lễ hội, trâu thắng được mổ thịt để tế trời đất, cầu mùa màng bội thu. Còn với những người dự lễ hội, người ta tin rằng, được ăn thịt trâu chọi sẽ gặp được nhiều may mắn. Trong văn hóa cộng đồng người dân Hải Phòng, còn lưu truyền câu ca cổ: “Dù ai buôn đâu bán đâu/ Mùng chín tháng tám chọi trâu thì về/ Dù ai buôn bán trăm nghề/ Mùng chín tháng tám nhớ về chọi trâu”.

Đưa trâu chọi vào sới. Ảnh: Phan Thái

Đưa trâu chọi vào sới. Ảnh: Phan Thái

Theo trí nhớ của những nghệ nhân lễ hội chọi trâu Đinh Đình Phú (76 tuổi) thì trước năm 1960 lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không có được thực hành. Mãi đến năm 1960 chọi trâu mới 1 lần được khôi phục vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán. “Sới chọi là mấy thửa ruộng khô trong làng, vì không tổ chức đúng ngày 9/8 Âm lịch nên chỉ gọi là hội; các phần lễ theo truyền thống như rước kiệu, phường bát âm... không được tổ chức” – ông Đinh Đình Phú gợi nhớ. Lần khôi phục đầu tiên này cũng khiến dân Đồ Sơn xôn xao. Nhiều ý kiến phản đối bạo lực, máu me. Nên mãi đến 13 năm sau (1973), Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn mới được tái diễn vào ngày truyền thống (9/8 Âm lịch). Vì chuẩn bị cho lễ hội, nhiều trâu phải nghỉ cày, sản xuất, bị bỏ bê nên lãnh đạo Hải Phòng một lần nữa buộc thị xã Đồ Sơn hoãn tổ chức lễ hội chọi trâu. “Hải Phòng sau đó đã chính thức cấm lễ hội chọi trâu Đồ Sơn cho tới tận năm 1989” - ông Đinh Đình Phú nói. Năm 1990, Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn chính thức được khôi phục với 12 trâu chọi. Lễ hội được diễn ra thường xuyên từ đó cho đến nay.
Sau 17 năm tổ chức liên tục, lễ hội chọi trâu đã để xảy ra sự kiện hy hữu khi, ngày 1/7/2017 trâu số 18 đã húc chủ dẫn đến tử vong ngay trong sới 14 của vòng đấu loại. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 bị tạm dừng tổ chức, một lần nữa lại bị cân nhắc có nên tổ chức tiếp vào các năm sau. Cho dù di sản đã được gắn danh hiệu văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013 nhưng vẫn có thể cấm tổ chức nếu vi phạm. Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn lại thêm một lần đứng trước nguy cơ đứt đoạn.
Hội thi trâu và cuộc thịt rượu
Trên cả nước, có 4 lễ hội chọi trâu truyền thống đó là ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Hải Lựu (Vĩnh Phúc), Hàm Yên (Tuyên Quang), Phù Ninh (Phú Thọ). Thế nhưng, đến năm 2015 và 2016 một loạt các sân diễn bạo lực núp dưới 2 từ lễ hội chọi trâu đã được tổ chức ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), Phú Sơn (Bắc Ninh) và Bảo Thắng (Lào Cai). Bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL từng nhấn mạnh, những lễ hội mới ở Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai không phải là lễ hội truyền thống nhưng do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương nên vẫn được chấp thuận tổ chức. Cao điểm của bạo lực lễ hội khiến Bộ VHTT&DL phải ra văn bản cấm tổ chức các lễ hội chọi trâu mới. Ban tổ chức lách luật bằng cách chuyển từ lễ hội chọi trâu thành thi trâu khỏe. Để giải thích cho sự khác biệt, 1 thành viên Ban tổ chức Hội thi trâu khỏe Phúc Thọ (Hà Nội) 2016 cho biết: “2 con trâu chỉ đấu đầu vào nhau chứ không chọi”. Bên lề lễ hội vẫn là thịt trâu bày bán la liệt, giá vé vào cửa xem hội thi cao ngất ngưởng, cá cược, cờ bạc công khai nhưng không bị nhắc nhở, xử lý… Nếu theo truyền thống, chỉ có trâu thắng bị xẻ thịt để tấn thần mời du khách thì hội thi trâu khỏe Phúc Thọ xẻ thịt, tấn thần đến hơn 30 con. Trong con mắt của nhiều người, hội thi trâu khỏe Phúc Thọ trở thành “hội thịt trâu”, một “cuộc thịt rượu” không hơn không kém.
Không chỉ có lễ hội chọi trâu mới mà ngay cả lễ hội chọi trâu truyền thống, theo quan điểm của GS Trần Lâm Biền “Đừng gọi chọi trâu ngày nay là lễ hội, càng không đáng là lễ hội truyền thống vì quá xa dời với bản chất đẹp đẽ mà ông cha ta đã tạo ra. Đó chỉ là trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người”. Các lễ hội này không gắn với việc tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc hay mang tính nhân văn, ngược lại còn có tính thương mại, mang lại lợi ích cho nhà tổ chức khi tổ chức bán vé, trâu chọi xong thường bị thịt bán với giá đắt. Các hoạt động cá cược, cờ bạc... cũng trá hình tồn tại.
Sau sự cố trâu húc chết chủ, Bộ VHTT&DL không chỉ lên tiếng cấm lễ hội chọi trâu mới phát sinh, mà còn xem xét có nên tiếp tục tổ chức, tước danh hiệu văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khi công tác tổ chức lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không đảm bảo. Cho dù rất nhiều nhà chuyên môn không ủng hộ việc cấm tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống, vì đó là cách làm không văn hóa, nhưng khi một lễ hội đã là bạo lực lại tiếp tục biến tướng thì cũng cần có những giải pháp mạnh tay để chấn chỉnh.

Bà Trịnh Thị Thủy (Thứ trưởng Bộ VHTT&DL): Đã đến lúc loại bỏ tập tục không phù hợp
Hồ sơ công nhận di sản đã nêu rất rõ giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội, chọi trâu chỉ là một phần của lễ hội này. Việc tổ chức nếu có biểu hiện lợi dụng để trục lợi, làm sai lệch, biến tướng giá trị của di sản văn hóa, không đảm bảo an toàn nhất là tính mạng của con người, dứt khoát cần phải thay đổi.
Đằng sau lễ hội là những hiện tượng thương mại hóa, ví dụ trâu chọi hay không chọi, xung quanh sân chọi trâu là la liệt các cửa hàng bán thịt trâu chọi với giá rất cao. Đằng sau đó là có những biểu hiện lén lút của cá cược... Trong mấy năm vừa rồi, Bộ VHTT&DL đã rất quyết liệt trong việc xử lý đối với loại hình lễ hội như vậy, cũng như những nghi thức phản cảm, bạo lực như lễ hội chém lớn ở Bắc Ninh, đập đầu trâu ở Phú Thọ, treo cổ trâu ở Yên Bái chẳng hạn. Đến nay, đầu năm 2017, nhiều lễ hội đã bỏ những tập tục không còn phù hợp nữa.

Linh Anh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/le-hoi-choi-trau-giu-hay-bo-292960.html