Lê Hoàng - Chân dung người chưa gặp

Đã 15 năm An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng bước chân vào làng báo. Quá nhiều xê dịch, đổi thay. Những gương mặt cũ, mới. Đi rồi đến… Trong ít ỏi vài cái tên người làm báo gạo cội còn neo mãi đến giờ, có một cái tên đặc biệt. Của một người đặc biệt. Một người chưa từng bước chân đến tòa soạn báo, nhưng lại luôn hiện diện nơi đây.

Cái tên chàng vẫn đó, ngạo nghễ ở trang cuối, canh một chuyên mục bất hủ - vẹn nguyên suốt 15 năm qua: “Mua vui cũng được một vài trống canh”. Cái tên ấy là Lê Thị Liên Hoan. Là đạo diễn Lê Hoàng.

1. Lê Hoàng từ lâu là cái tên đã quá hot và quá nhức. Nơi nào cứ có Lê Hoàng, nơi ấy không hot thì ắt phải nhức. Hót hòn họt từ những năm 90 với một loạt phim gắn nhãn “phim thị trường”, hot từ tên phim, hot từ cảnh nóng, hot từ doanh thu phòng vé, đến những phát ngôn làm rừng rực cả bầu không khí các đại hội hay liên hoan phim bấy giờ…

Nhưng Lê Hoàng không chỉ dừng ở phim. Lê Hoàng còn đá chéo nhiều sân khác. Lê Hoàng làm báo. Lê Hoàng viết tiểu thuyết. Lê Hoàng dẫn chương trình. Lê Hoàng là khách mời trong các cuộc bàn tròn “đấu khẩu” giữa nhiều chiến tuyến… Ở chiến tuyến nào Lê Hoàng cũng là chiến binh dũng mãnh, xông lên phía trước và bắn đi những mũi tên ngôn từ nhức nhối, chát chúa, thậm chí là “cay độc”.

Khi Lê Hoàng đang nổi như cồn và hút được thiên hạ bằng những chói lói từ điện ảnh, và bắt đầu giọng điệu khiêu khích trong làng báo, thì tầm đầu những năm 2000 ấy, hai thủ lĩnh của An ninh thế giới Cuối tháng “đời đầu” là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hồng Thanh Quang đã xuất sắc trong công cuộc “săn đầu người”, khi chọn người đứng trang cho một chuyên mục biếm được dự kiến đặt ở bìa 4.

Ý tưởng từ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi ông nảy ra ý đồ, sẽ làm một mục thể loại trào phúng với phong cách phỏng vấn giả tưởng, châm biếm, mượn các ẩn dụ để nói đến những câu chuyện đời thực. Bài dạng này cần một một đầu óc báo chí quan sát tinh tế, một kỹ năng dựng kịch bản lành nghề, một khả năng giễu nhại, một vốn sống, vốn tri thức và đặc biệt là vốn ngôn từ giàu có và sắc bén, tung hứng… Tóm lại, cần một sự pha trộn hoàn hảo của kỹ nghệ báo chí với kỹ nghệ sân khấu-điện ảnh. Vậy thì, cái đầu được chấm, không ai khác, hẳn là Lê Hoàng.

Kể từ đó, bút danh Lê Thị Liên Hoan (tên của vợ đạo diễn) có mặt trên bìa cuối của An ninh thế giới Cuối tháng (ban đầu, ấn phẩm chỉ mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 20 cuối tháng nên có tên như vậy). Hàng loạt những cuộc phỏng vấn giả tưởng thú vị giữa con vật với con vật, giữa đồ vật với đồ vật, hay đồ vật/con vật với người,… Chính xác là những câu chuyện đời sống xã hội, đời sống văn hóa,… đầy màu sắc và sống động, đầy trăn trở và suy ngẫm. Cười đấy mà đau đấy, tưng tửng đấy mà thấm đấy. Bạn đọc ngay lập tức háo hức với mục này.

Đọc riết. Rồi nghiền. Rồi lắm người nhất nhất phải chờ, phải đón mua từng số báo, chỉ vì không bỏ được món Lê Hoàng “mua vui”! Có bạn đọc còn thú nhận thói quen đáng yêu, là cứ cầm tờ báo mới, sẽ lật ngay bìa cuối và đọc bài đầu tiên bài của Lê Hoàng. Rồi đâu sẽ tính!

Lê Hoàng đã xuất hiện, và xác định ngay được quyền uy của một “ông Hoàng” trong địa hạt chữ của mình như thế. Và dĩ nhiên, chữ của chàng cũng phải được tôn vinh. Ngay những bài đầu tiên, nhuận bút cho cái tên Lê Thị Liên Hoan đã luôn ở mức… không ai dám sánh.

Nhà văn Hữu Ước, Tổng Biên tập khi ấy là người nổi tiếng về chiêu hiền đãi sĩ. Mười lăm năm trước, khi mà giá vàng có hơn 5 trăm ngàn một chỉ, thì nhuận bút tiền triệu to lắm. Cũng là một ứng xử trân trọng với chàng. Chỉ ngậm ngùi, thời buổi nay báo in sa sút, ngân sách tòa soạn eo hẹp hơn,.. giá cả chi phí sinh hoạt đời sống gấp lên bao lần, thế mà nhuận bút cho chàng... vẫn y nguyên! Tòa soạn thì lăn tăn ghê lắm, áy náy ghê lắm và thấy không phải thế nào…

Nhưng mà may, chàng cũng… “nguyễn y vân” vậy! Nghĩa là vẫn đều đặn, đến hẹn là bài lên. Miệt mài. 15 năm bền bỉ giữ mục. 15 năm bất kể mưa nắng. 15 năm bất kể ốm đau, mệt mỏi, buồn vui, công việc ngập đầu… Mà lại ở một người đắt show như Lê Hoàng, mà lại cũng chỉ là người bằng xương bằng thịt như mọi người thôi.

Thế mới thấy, nếu không phải vì yêu thì không thể. Yêu từ lúc nhận lời làm với Nguyễn Quang Thiều, với Hồng Thanh Quang,.. rồi khi chỉ còn Quang. Sau nữa, Quang cũng dời đi. Từ khi ấy, Tổng Biên tập Phạm Văn Miên trực tiếp chỉ đạo nội dung. Và Lê Hoàng vẫn một mực. Vẫn yêu. Hình như, cũng chỉ với một cái bắt tay với Tổng Biên tập Miên, mà chàng vẫn thủy chung đến tận giờ…

2. Tuần này làm báo. Như thường lệ, sáng thứ hai, nghĩa là trước hạn chót chừng 1 tuần, mình nhắn một tin: “... nhớ cho em bài…. Chậm nhất là chiều thứ Năm, anh nhé”. Không một hồi âm.

Mình chả ngạc nhiên. Đó là thường lệ. Đó là Lê Hoàng. Giờ mà nhìn cái mục Message tên Lê Hoàng trên máy mình, chắc muốn ngất. Tất cả chỉ có tin gửi đi. Hoàn toàn không có hồi đáp. Thiên hạ nhìn thế sẽ thương mình lắm, tội mình lắm. Ai đời bị đối xử “trịch thượng” đến thế sao?

Nhưng mà oan! Thật oan cho chàng. Quả hồi đầu mình cũng có sốc thật. Từ lúc giúp việc cho nhà thơ Hồng Thanh Quang (khi ấy là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung tờ báo này), mình nhận nhiệm vụ lên lịch đặt và nhắc bài các cộng tác viên. Thấy cái tin nhắn bay veo đi mà im lìm không hồi âm, lo ghê lắm, sợ không nhận được. Mà nhận được có chắc hứa trả bài như hẹn không?

Hỏi thì sếp Quang bảo, không sao. Ổn đấy. Nhưng lòng tổn thương ghê gớm. Rồi hậm hực, hay bởi hắn đắt show quá nên chảnh vậy! Ghét. Sau rồi nghe giang hồ đồn đại mới rõ, té ra là mình đang hân hạnh được làm việc với một quí ông “âm lịch” nhất hành tinh. Điện thoại là gì? Chỉ là cái cục nhựa có thể nghe và gọi. Đọc được tin nhắn đã là quá lắm rồi, chứ đòi gì chàng có thể bấm nhắn tin. Vậy là tin cứ đi, lặng lẽ một chiều.

Nhưng đều đặn, đúng giờ chót (nhân tiện, Lê Hoàng là người luôn trả bài vào giờ chót), cái hộp mail của mình lại hiện chấm xanh lè sáng với dòng chữ “bài gửi của đạo diễn Lê Hoàng”. Dĩ nhiên, luôn từ hộp thư tên abcxyz. Lần nữa lại chả cần thắc mắc, vì đấy là tên hộp mail của thư ký chàng. Còn cái kẻ tẩy chay mọi thứ công nghệ trên đời kia, làm sao biết gì đến máy tính, nữa là thư điện tử!

Trong cái làng báo này chả ai làm báo bất hủ như Lê Hoàng, chắc chắn vậy. Nói chàng sợ hãi máy tính, hiển nhiên chàng sẽ phản đối. Nhưng rõ là chàng thấy, chả việc gì mà phải là nô lệ cho cái khối sắt mang tiếng thông minh nhưng khô khan thô lỗ ấy. Vậy nên hiển nhiên, chàng không biết (hay không thèm) gõ bài trên computer! Có điều, viết tay ra giấy mà đưa người khác gõ, mãi rồi cũng oải. Chàng sắm một cô thư ký. Chuyên để chàng viết báo… bằng mồm, cô ấy ngồi tốc ký (tức là tốc gõ) và gửi các nơi.

Bi kịch nhất là một ngày giở giời nào nào, cô ấy ốm, cô ấy bận… Và cái ngày hoảng hốt nhất với chàng, có lẽ là ngày cô ấy sinh con! Chàng không biết phải làm sao. Tìm người khác thay cô ấy ngay đâu có dễ. Vậy là một chiều hạn chót, điện thoại mình lại rung bật lên: “Em nói ai ngồi máy tính nghe điện thoại anh được không?”.

Thế là, chàng đọc qua phone, bên kia từng câu, bên này lách cách gõ. Rành rọt từng chữ, chừng 20 phút sau cũng xong xuôi. Một lượt đọc lại từ bên này, và bên kia ok rồi em ạ. Vậy là hoàn tất. Cứ thế, suốt những tháng ngày nàng thư ký nghỉ phép sinh con, chàng gửi bài cho mình bằng miệng. Chuẩn mực. Đúng hẹn. Và hình như chưa bao giờ sai hay sót một chữ nào.

Nhưng âm thầm độc thoại tin nhắn cũng có ngày thót dạ. Một bữa, tin bay từ đầu tuần, gần hết giờ chiều ngày hạn chót thấy vẫn im ắng. Cuối chiều, không còn kiên nhẫn được, mình thẽ thọt nhắn: “Anh ơi, anh có quên hôm nay hạn chót với em không? Hay anh mắc bận gì???”. Send một phát xong chưa kịp bỏ máy xuống bàn thì tay rung bần bật và chuông réo rắt. Dán máy vào tai, chưa thấy chào đã thấy chát chúa: “Anh không bao giờ quên! Chỉ có thể quên em… không quên bài!”. Bên này huhuuu… bên kia hahaaa... ác đến thế là cùng!

Đanh đá đến thế, cay nghiệt với phụ nữ cũng thế là cùng! Chạnh lòng lại nhớ ngay đến cú mời chàng dự Gặp mặt cuối năm thường niên năm trước. Thư mời gửi đi rồi, nhưng mình alo để mời chàng cho đúng mực. Hỏi, ngày ấy anh có Sài Gòn không, anh đến nhé... bla bla... Chàng ngắt luôn. Anh chắc là anh không đến đâu. Thứ nhất hôm ấy anh 3 cuộc. Thứ hai là bên em, đã nhà báo còn Công an, chả hy vọng có cô nào xinh. Thôi anh đến chỗ kia, ít nhất bên ấy các cô trẻ hơn, xinh hơn. Chứ sang em thú vị gì…

Ôi! Chết đứng. Hắn khoái chí hahaaa.., không quên quàng thêm câu, thôi chúng mình cứ yêu nhau trên điện thoại thế này thôi. Nhé. Ừa, đã vậy thì thôi. Chấp nhận cách chàng đặt luật chơi. Thôi thì yêu theo cách yêu bất hủ của chàng…

3. Viết đến dòng này thì điện thoại mình boong một tiếng, một chấm xanh sáng và dòng chữ “Phỏng vấn một đoạn dây” – từ hộp thư tên: …daodienlehoang@... Dạo này, chàng đã có hộp thư đúng tên của mình, chắc cô thư ký mới lập cho. Phải chuyên nghiệp thế chứ! Mình tủm tỉm.

Quả là đúng hẹn. Vừa hai hôm trước, điện hoại run bắn cầu thang, Lê Hoàng! 2 giây ngạc nhiên. Bài gửi hay sao? Giờ này đến hạn chót trả bài đâu nhỉ? Rồi giọng thanh và chua thương hiệu của chàng vang bên tai: Em! Anh hỏi việc này thôi. Anh nghe… chuyện là sao?... Chúa ơi, lại mất 2 giây nữa ngạc nhiên. Ủa, cái chuyện thời sự, cái chuyện cả làng báo, cả cái thần dân trên xứ này rành rẽ tin trên mạng đến 2 ngày nay, mà sao có người bập bõm thế này?...

Lại vụt lóe sáng... Hahaaa. Bên tai mình không phải người trên hành tinh. Chàng khước từ tin nhắn, khước từ máy tính... thế thì phây búc phây biếc đoái hoài gì. Một chập rồi chàng bye bye, quàng câu đúng hẹn sẽ có bài. Và giờ, bài chàng đã đến như chưa từng sai hẹn.

“Phỏng vấn sợi dây” đang được lên trang. Cái tên Lê Thị Liên Hoan vẫn chung thủy ở đây, giữa những ngày này kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Báo. Sẽ là những cuộc hội ngộ, là những cái bắt tay... Mình lại lấy bút khoanh một vòng tròn cái tên “Lê Hoàng” trong danh sách mời gặp mặt. Nhưng hy vọng chưa le lói tia nào. Bởi kẻ mời thì vẫn công an kiêm nhà báo, đã thế còn già thêm một tuổi. Còn kẻ được mời, chắc chắn vẫn ngoan cố giữ luật chơi ngạo nghễ của mình…

Không lẽ, mình sẽ lại bị buộc phải yêu như cách cũ?

Ngọc Mai

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/le-hoang-chan-dung-nguoi-chua-gap-414975/