LĐLĐ tỉnh Đắk Lắc: Chú trọng nâng cao tay nghề cho công nhân

Các cấp Công đoàn (CĐ) Đắk Lắk đang tập trung nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp cho người lao động, nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Cùng với việc đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở (CĐCS) phải xem việc nâng cao trình độ cho CNLĐ là nội dung quan trọng của thỏa ước lao động tập thể.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk khảo sát sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại Cty càphê Trung Nguyên.

Chuyển động từ CĐCS

Những ngày đầu làm CN ở Nhà máy thủy điện thuộc Cty CP Công trình Việt Nguyên, anh Dư Anh Pháp rất lúng túng trong công việc, đụng đâu cũng thấy khó. Được cán bộ CĐCS giúp đỡ, anh Pháp nhanh chóng nắm vững kỹ năng, rồi trở thành lao động giỏi của Cty, được lãnh đạo Cty tin tưởng giao làm trưởng ca. Kết quả này đã khích lệ mạnh mẽ, thôi thúc anh có nhiều sáng kiến làm lợi cho DN, mới đây nhất là cải tiến hệ thống làm mát nhớt tuần hoàn của tổ máy phát điện, làm lợi cho DN khoảng 200 triệu đồng/năm. Từ một người lao động trung bình, những năm gần đây anh Pháp đã được tặng nhiều bằng khen trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo và xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh. Tương tự, anh Nguyễn Hữu Thuận - Cty TNHH Càphê Hà Lan Việt Nam - từ một chân bốc xếp đã trở thành CN vận hành máy móc hiện đại. Đó là thời điểm Cty đầu tư hệ thống tự động hóa, nhờ sự giúp đỡ của CĐCS, anh Thuận được đi học lái xe nâng. Sau đó, anh tham gia thêm các khóa đào tạo vận hành an toàn, lấy chứng chỉ rồi được chuyển sang vị trí điều khiển xe nâng. Anh Thuận chia sẻ: “Công việc mới nhẹ nhàng, mức lương cao, đặc biệt giúp mình tự tin hơn để tiếp tục phấn đấu”.

Ông Nguyễn Văn Khanh - Chủ tịch CĐ Cty Cổ phần Công trình Việt Nguyên - cho biết, CĐ thường xuyên phối hợp với Cty tổ chức ôn tập lý thuyết và thi tay nghề, huấn luyện an toàn lao động cho CN, xem đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Cty cũng đầu tư kinh phí rất thỏa đáng để đào tạo, đào tạo lại cho CBCNV nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường”.

Người lao động là trung tâm

Xác định hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội việc làm hơn, nhưng phần lớn người lao động ở Đắk Lắk ít tiếp cận được do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ… còn hạn chế. Do vậy, để CNLĐ hội nhập quốc tế mà không bị thua thiệt, các cấp CĐ trong tỉnh đã phát động, tổ chức nhiều phong trào thi đua như lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giỏi việc nước, đảm việc nhà... với tinh thần mới, mục tiêu mới. Nhờ vậy trong 5 năm qua, đội ngũ CNVCLĐ toàn tỉnh đã có 335 đề tài khoa học, hơn 35.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phương pháp quản lý được áp dụng vào sản xuất. Các cấp CĐ còn tích cực phối hợp với các cơ quan, DN tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Trần Tuấn Anh nhận định, bản thân mỗi CNLĐ cần phát huy nội lực, chủ động học tập, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp để không trở thành người tụt hậu, đứng ngoài “sân chơi” lớn. Với quan điểm lấy người lao động làm trung tâm, các cấp CĐ cần giám sát tốt hơn nữa việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động tại các DN. CĐ phải từng bước tạo điều kiện để CNLĐ ổn định về nhà ở, thu nhập, thời gian làm việc, nghỉ ngơi... Đặc biệt, khi xây dựng thỏa ước lao động tập thể, các CĐCS cần đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/ldld-tinh-dak-lac-chu-trong-nang-cao-tay-nghe-cho-cong-nhan-609317.bld