LĐLĐ tỉnh An Giang: Xây mái ấm tập thể cho giáo viên

Với phương châm phải “an cư” mới “lạc nghiệp”, trong thời gian qua, việc chăm lo chỗ ở cho công đoàn viên, CNLĐ luôn được các cấp công đoàn (CĐ) tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm. Đến nay, mô hình “mái ấm tập thể” dành cho giáo viên - được xem là chưa từng có trong tiền lệ đã không ngừng phát huy hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng cực lớn trong cộng đồng xã hội...

Lễ bàn giao nhà mái ấm công đoàn tập thể huyện Tịnh Biên (An Giang).

Hiệu quả từ mô hình “mái ấm CĐ tập thể”

Tại An Giang, Quỹ MÂCĐ được triển khai vận động từ năm 2007, qua đó giúp xây mới, sửa chữa hàng ngàn căn MÂCĐ, giúp cho CBCNVCLĐ ổn định chỗ ở.

Vào năm 2012, trong một lần đánh giá lại hoạt động của Quỹ MÂCĐ, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh An Giang nhận thấy: Hơn một nửa số tiền của nguồn quỹ là do các đoàn viên thuộc CĐ ngành giáo dục đóng góp. Tuy nhiên, sự “thụ hưởng” của nhóm đối tượng này lại chưa tương xứng với những gì họ đã đóng góp. Thêm vào đó, An Giang có địa hình núi rừng trắc trở, nhiều giáo viên được điều động về công tác tại các huyện biên giới (giáp ranh với Campuchia), nên việc đi lại của họ rất khó khăn, nhu cầu về nhà ở lại càng bức thiết. Từ cơ sở đó, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh đã quyết định bổ sung vào quy chế hoạt động của Quỹ MÂCĐ với nội dung: Xây dựng MÂCĐ cho tập thể giáo viên.

Theo thiết kế, mỗi căn MÂCĐ tập thể có diện tích khoảng 96m2, gồm 3 phòng, mỗi phòng bố trí 4 người vào ở. Ngoài ra còn có khu nhà bếp, nhà vệ sinh, sân sinh hoạt chung… được thiết kế khang trang, đầy đủ tiện nghi. Ngay trong năm 2012, ngôi nhà thí điểm đầu tiên được hoàn thành, đưa vào sử dụng tại xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trong cả nước cho đến thời điểm này.

Ông Nguyễn Thiện Phú - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - cho biết: Để xây dựng một căn MÂCĐ tập thể, các địa phương sẽ hỗ trợ mặt bằng và đối ứng 50% kinh phí bằng ngân sách hoặc những nguồn vận động khác, phần còn lại sẽ do công đoàn tỉnh phụ trách. Từ khi mô hình nhà ở này được triển khai đã nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt không chỉ của những người thụ hưởng mà trong toàn cộng đồng xã hội. Bởi nó đáp ứng được nhu cầu thực tế, bức thiết về nhà ở của giáo viên vùng sâu, xa của An Giang. Đến nay, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng được hơn 30 căn MÂCĐ tập thể với kinh phí xây dựng bình quân từ 600 - 800 triệu đồng/căn.

Thầy Nguyễn Chí Tâm - giáo viên Trường THCS Núi Cấm - cho biết, nhà tôi ở huyện Tri Tôn, cách nơi dạy học khoảng 20 cây số. 8 năm trước, tôi được điều động về Núi Cấm dạy học giữa hoàn cảnh thiếu thốn đủ bề, phải tạm trú trong căn nhà cũ kỹ, dột nát do bà con trong vùng góp vốn xây dựng. Đến cuối năm 2014, tôi được về ở trong MÂCĐ tập thể trong niềm vui khôn tả, bởi ngôi nhà rất hoành tráng, lại đầy đủ tiện nghi. “Từ nay, anh chị em chúng tôi đã có thể yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà” - thầy Tâm chia sẻ.

Sáng kiến và đột phá mới

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú, ngoài những hiệu quả trong thực tiễn, mô hình MÂCĐ tập thể đã tạo được sự công khai, minh bạch; đặc biệt thể hiện sự công bằng đối với những người đóng góp. Qua đó, tạo dựng được uy tín rất lớn cho nguồn quỹ MÂCĐ, mỗi năm, con số vận động được cho nguồn quỹ này lên đến khoảng 10 tỉ đồng. Trong đó, 70% được LĐLĐ tỉnh sử dụng xây mới và sửa chữa những MÂCĐ “truyền thống”; 10% để dự phòng quỹ và 20% dành cho xây dựng MÂCĐ tập thể, tương đương với 2 tỉ đồng.

Gần đây, trên cơ sở nguyện vọng của ngành giáo dục, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và các bên có liên quan đã thống nhất tạo thêm “bước đột phá mới” cho quỹ MÂCĐ. Theo đó, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ sử dụng quỹ MÂCĐ để cùng với các địa phương tham gia hỗ trợ sửa chữa lại những nhà công vụ dành cho giáo viên hiện đã xuống cấp, hư hỏng. Ông Phú chia sẻ: “Ở An Giang, nhiều nhà công vụ và các công trình giáo dục khác đã được đầu tư nhưng chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế, đặc biệt, hầu hết nhà công vụ đã xuống cấp nghiêm trọng. Thêm vào đó, những giáo viên sống trong các công trình này đều là CĐ viên, nên việc hỗ trợ, sửa chữa này cũng nhằm để chăm lo chỗ ở cho đối tượng CĐ. Xa hơn, nó tạo nên tính công bằng, tránh có sự so bì giữa các giáo viên khi người này được ở chỗ mới, tươm tất, còn người kia phải ở nhà cũ kỹ. Do đó, chúng tôi quyết định tham gia vào hoạt động này dù nó không thuộc trách nhiệm của ngành CĐ”.

Hiện tại, nội dung này đã được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã bổ sung vào quy chế hoạt động của quỹ MÂCĐ, và đang chờ UBND tỉnh An Giang có văn bản chính thức đồng ý cho các địa phương đối ứng kinh phí (50%) để cùng với LĐLĐ tỉnh sửa chữa nhà công vụ.

Để được hỗ trợ MÂCĐ, các đoàn viên bắt buộc phải có đất hoặc có nhà đã xuống cấp. Do vậy, Chủ tịch một CĐCS ở An Giang đã có sáng kiến, nếu đoàn viên không đất có nhưng muốn mua nhà ở xã hội sẽ được CĐ hỗ trợ kinh phí tương đương với một căn MÂCĐ. Hiện, LĐLĐ tỉnh đang tiến hành các bước theo trình tự để sớm đưa sáng kiến này vào thực tiễn.

TRẦN LƯU

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/ldld-tinh-an-giang-xay-mai-am-tap-the-cho-giao-vien-609319.bld