Lấy ý kiến người dân TPHCM về việc hạn chế xe cá nhân

Đợt khảo sát này nhằm thu thập thông tin kinh tế, xã hội, thói quen đi lại và quan điểm của người dân về các chính sách, giải pháp trong quản lý giao thông tại TPHCM.

Ngày 27-6, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị một số quận, huyện tạo điều kiện và hỗ trợ cho đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, phỏng vấn một số hộ gia đình trên địa bàn về đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp với việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân.

Theo đó, đơn vị tư vấn sẽ ghi nhận thông tin của các hộ gia đình (tính những người trên 10 tuổi), mức thu nhập, số lượng phương tiện thuộc sở hữu của các hộ gia đình… Cạnh đó, các thông tin về thói quen đi lại bằng xe cá nhân, xe buýt, thời gian đi lại, chi phí có thể chi trả khi sử dụng xe buýt cùng các nhận xét, đánh giá đối với hoạt động của xe buýt và yêu cầu về xe buýt (chất lượng phục vụ, thời gian di chuyển, dịch vụ tiếp cận…) để người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn trong tương lai.

Xe buýt ở TPHCM bị bao vây bởi xe ô tô và xe gắn máy

Một nội dung quan trọng khác của việc khảo sát này là lấy ý kiến của người dân về quan điểm hạn chế xe cá nhân. Nếu đồng ý thì gợi ý về thời gian hạn chế hoạt động của xe ô tô con, xe máy.

Trong nội dung này, đơn vị tư vấn cũng đưa ra các khu vực quận 1, quận 3 hay một số tuyến đường chính, khu vực khác để tham khảo ý kiến người dân nhằm phục vụ việc đề xuất phạm vi hạn chế xe ô tô con, xe máy.

Tương tự, đơn vị tư vấn còn tham vấn một loạt các nội dung khác như việc đồng ý/không đồng ý (cùng điều kiện đi kèm khi đồng ý hoặc lý do khi không đồng ý) cho việc mở rộng phố đi bộ ở trung tâm; điều chỉnh, sắp xếp giờ học, làm việc lệch ca; cấm xe máy trên một số tuyến đường hay khu vực nhất định, cấm ô tô hoạt động theo biển số chẵn/lẽ hay theo tuyến đường/khu vực.

Đơn vị được Sở GTVT thuê làm tư vấn xây dựng đề án phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân là Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (ở Hà Nội).

Đại diện Sở GTVT cho biết, mục đích của đợt khảo sát này là thu thập thông tin kinh tế, xã hội, thói quen đi lại và quan điểm của người dân về các chính sách, giải pháp trong quản lý giao thông để xây dựng đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tại TPHCM.

Việc xây dựng đề án này là thực hiện quyết định của UBND TP về kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X về chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, tính đến giữa tháng 5-2017, TPHCM quản lý hơn 8.032.000 phương tiện, gồm gần 646.400 xe ô tô và hơn 7.386.000 xe gắn máy, tăng 5,8% so với cùng kỳ.

Số phương tiện giao thông không ngừng tăng lên và các tuyến đường đã trở nên quá tải nên chỉ cần một sự cố nhỏ mà không kịp thời xử lý sẽ gây ùn ứ cho khu vực.

Trong khi đó, hoạt động xe buýt đã có các tín hiệu tốt khi trong sáu tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ nhưng xe buýt vẫn chiếm một tỷ trọng nhỏ trong việc giải quyết nhu cầu đi lại của người dân TPHCM.

Hà Nội dự kiến năm 2030 sẽ cấm xe cá nhân vào nội thành

Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải cũng tư vấn cho Hà Nội xây dựng đề án kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân. Hiện Hà Nội đã hoàn chỉnh dự thảo và dự kiến sẽ trình cho HĐND TP bàn thảo tạo kỳ họp diễn ra vào tháng 7-2017.

Theo dự thảo, Hà Nội sẽ đưa ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân, tiến tới dừng hoạt động xe cá nhân trong nội thành vào năm 2030.

Trước mắt, Hà Nội đề xuất lộ trình từ 1-7-2018 đến 31-12-2019, Hà Nội sẽ thu hồi, loại bỏ xe máy cũ nát, không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn khí thải nhằm đảm bảo an toàn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường.

Tin, ảnh: KIỀU PHONG

Nguồn SGGP: http://www.sggp.org.vn/lay-y-kien-nguoi-dan-tphcm-ve-viec-han-che-xe-ca-nhan-452386.html