Lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa làm giao thông?

UBND huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) đang có chủ trương cho các xã thu 400.000 đồng/ha đất lúa để lấy kinh phí xây dựng giao thông nông thôn (GTNT).

Tuy nhiên, một số xã đã “linh hoạt” họp dân thông báo sắp tới sẽ được Chính phủ hỗ trợ 500.000 đồng/ha (Nghị định 42/2012/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất lúa) nên ai có tiền thì đóng trước, còn ai chưa có điều kiện khi có tiền hỗ trợ sẽ đóng cho xã sau.

Nhiều người dân bức xúc cho biết, nông dân làm lúa đời sống rất khó khăn, bây giờ được Chính phủ quan tâm hỗ trợ cho ít vốn làm ăn lại bị địa phương “xẻo” hết. Trao đổi với NNVN về vấn đề này, ông Lê On, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú (Giồng Riềng) cho biết, việc thu 400.000 đồng/ha đất lúa là căn cứ vào Kế hoạch số 55 của Huyện ủy và Nghị quyết HĐND xã. Các ấp cũng đã tiến hành họp dân và đa phần đều thống nhất.

Thông báo và biên lai thu tiền theo diện tích đất lúa được UBND xã Vĩnh Phú
gửi cho người dân

Toàn xã Vĩnh Phú có 1.371 ha đất lúa, nhưng do trừ diện tích hộ nghèo, cận nghèo và đất mới khai hoang được miễn thu nên chỉ còn lại 1.192 ha, dự kiến số tiền thu được trong năm 2013 này là 477 triệu đồng để xây dựng GTNT. Khi có được số tiền này xã sẽ triển khai làm 3 công trình là cầu bắc qua kênh Trâm Bầu, tuyến đường Trâu Lớn (dài 950m) và đường ấp Danh Thợi (dài 1.100m).

Tuy nhiên, theo ông On, do Vĩnh Phú là xã nghèo, thuộc Chương trình 135 của Chính phủ nên đời sống người dân rất khó khăn, nhiều hộ chưa có tiền để đóng. Xã không chủ trương tận thu mà để người dân tự nguyện, hộ nào có thì đóng trước, chưa có thì từ từ đóng sau, còn khó khăn quá thì thôi. Hiện tại xã mới thu được khoảng 52 triệu đồng và đang gửi ở Kho bạc nhà nước.

Xã có thu tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa để làm GTNT không? – PV hỏi. Ông On khẳng định: “Hiện nguồn kinh phí hỗ trợ chưa thấy chuyển về tới địa phương. Nhưng khi nào có xã sẽ phát đủ 500.000 đồng/ha cho dân, chứ không trừ ngang. Hộ nào tự nguyện đóng lại 400.000 đồng/ha thì xã sẽ nhận”.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở xã Vĩnh Phú cho biết họ bị chính quyền “ép” phải đóng tiền khi đến giao dịch hành chính. Ông Danh Chanh Bốp Pha, ở ấp Huỳnh Tố cho biết, gia đình có gần 3 ha đất lúa, số tiền phải đóng cho xã là 1.196.000 đồng, nhưng do không có tiền nên chưa đóng.

“Mới đây, khi đi làm hồ sơ vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất lúa HT 2013, lãnh đạo xã yêu cầu phải đóng đủ số tiền mới ký duyệt hồ sơ. Đành lòng phải đi vay mượn bên ngoài đóng cho xã, chứ không vay được vốn lấy gì đầu tư sản xuất lúa. Xã làm kiểu này là bắt chẹt người dân vào đường cùng phải đóng”, ông Pha bức xúc.

“Đây là tiền Chính phủ hỗ trợ cho nông dân để bảo vệ, phát triển đất sản xuất lúa, tuyệt đối không được thu để đầu tư cho mục đích khác. Địa phương nào thu tiền này của dân để làm GTNT là sai phạm. Khi triển khai, chúng tôi sẽ cho kiểm tra để đảm bảo nguồn kinh phí được hỗ trợ đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích”, ông Nhịn khẳng định.

Tương tự, ông Dương Văn Bạc, ấp Danh Thợi có 4 ha đất lúa cũng phải đóng 1,6 triệu đồng. Ông Bạc than: “Nông dân làm lúa thiếu vốn sản xuất phải đi vay mượn. Nay nghe nói được Chính phủ hỗ trợ ai cũng mừng, nhưng tiền chưa thấy mà đã bị xã ép phải bỏ tiền ra đóng trước mới được yên”.

Nhiều người dân bức xúc, khi họp dân vận động đóng góp làm GTNT thì xã, ấp nói khi nào có tiền Chính phủ hỗ trợ mới thu. Bây giờ tiền hỗ trợ chưa thấy đâu mà đã bắt dân đóng. “Có lẽ mấy ổng (chính quyền xã) biết lấy tiền Chính phủ hỗ trợ đất lúa để làm GTNT là sai phạm nên bắt dân đóng trước, coi như là dân tự nguyện đóng. Sau đó cho dân lãnh đủ 500.000 đồng/ha tiền hỗ trợ để được an toàn”, một người dân bức xúc nói.

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, hiện nay tỉnh mới đang triển khai để chuẩn bị hỗ trợ cho nông dân theo Nghị định 42 của Chính phủ nên nguồn kinh phí chưa chuyển về tới xã.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/109201/lay-tien-chinh-phu-ho-tro-dat-lua-lam-giao-thong.aspx