Lấy gia giáo làm nền tảng xây dựng đạo đức

Ngày 19-8, Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM và Trường ĐH Văn hóa phối hợp tổ chức hội thảo “Giá trị văn hóa trong gia đình”.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng khuôn mẫu văn hóa gia đình chuyên chở các giá trị của một thời đại, một xã hội, khẳng định những giá trị văn hóa cội nguồn của dân tộc.

“Tuy nhiên, trong quá trình đô thị hóa, người dân phải đương đầu với hàng loạt vấn đề về môi trường sống, tệ nạn xã hội, sự vô cảm… nên gia đình cũng đối mặt những nguy cơ cá nhân hóa, tôn vinh cái tôi, không cần sự kết nối hay quan tâm tới các thành viên… Bố mẹ, con cái mỗi người đóng cửa khép kín trong phòng riêng, không có bữa cơm chung, không có sinh hoạt gia đình. Hội chứng con cưng dẫn đến xã hội tràn ngập những “đứa trẻ” lớn tuổi. Lối sống phóng túng cũng làm xuất hiện nhiều bà mẹ “trẻ con” - PGS-TS Nguyễn Xuân Hồng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP HCM, phân tích.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Hùng Khu, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Cục Công tác phía Nam (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), nhấn mạnh: “Những vấn đề của gia đình hiện đại càng trở nên căng thẳng hơn ở các vùng đô thị mới, khi người dân giàu lên nhanh chóng nhưng chưa có được nền móng tốt của cư dân đô thị. Tâm lý trọng tiền càng lúc càng phổ biến, một bộ phận lớn trong xã hội đánh giá con người không bằng trí tuệ, đạo đức, lối sống mà bằng việc đi xe gì, tiêu bao nhiêu tiền...”.

Ông Nguyễn Văn Minh phát biểu tại cuộc hội thảo. Ảnh: Hòa Bình

Ở một góc nhìn khác, PGS-TS Nguyễn Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP HCM, cho rằng đô thị hiện đại xuất hiện nhiều gia đình hạt nhân khác với xã hội cũ: gia đình của những người đồng tính, gia đình mẹ đơn thân, gia đình chỉ có bố mẹ mà không có con cái… Vấn đề đặt ra là phải xác định cái gì là chuẩn mực để giáo dục cho các thành viên?

Theo nhiều đại biểu, phải lấy gia lễ, gia giáo, giáo dục trong gia đình làm nền tảng xây dựng đạo đức con người. “Mọi sự truyền dạy, giáo dục tốt nhất đều từ gia đình. Cần nhận thức sâu sắc về vai trò của gia đình và chuẩn mực văn hóa truyền thống, kết hợp hiệu quả giữa giáo dục gia đình, dòng họ với giáo dục nhà trường” - PGS-TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phát triển, nhấn mạnh. Còn ThS Nguyễn Hùng Khu đề nghị: “Cần rất nhiều giải pháp thay đổi nhận thức của người dân về văn hóa gia đình. Quá trình xây dựng văn hóa gia đình ở đô thị là một phần quan trọng trong việc khẳng định đô thị là nơi đáng sống, nơi an toàn”.

TS Trần Văn Thận, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, còn lưu ý khi đánh giá và xét tặng gia đình văn hóa cần dẹp bỏ hình thức, chú trọng thực chất hơn. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, đề nghị để có được giải pháp toàn diện, rất cần xây dựng chiến lược gia đình từ nay đến năm 2020 và xa hơn nữa.

Hòa Bình

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/lay-gia-giao-lam-nen-tang-xay-dung-dao-duc-2016081923111608.htm