Lấy đất hành lang giao thông giao cho dân canh tác

Bà Nguyễn Thị Minh Đức (xóm Ba Hàng Mai, thôn My Thượng, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội) có 8 thửa đất canh tác, với 3.570 m2, trong đó có 4 thửa là đất xen kẹt, diện tích 980 m2, và 2.590 m2 là diện tích của 4 thửa còn lại.

Bà Nguyễn Thị Minh Đức đang trình bày với PV

Cuối năm 2013 đầu năm 2014, UBND xã Thanh Mai thực hiện “dồn điền đổi thửa” (DĐĐT). Theo chủ trương của huyện, thì những thửa đất xen kẹt không phải dồn. Với 4 thửa đất còn lại, bà Đức có đơn xin nhận tại thửa đất Ao Cầu Nẩy cùng phía sau ao, và được Ban chỉ đạo DĐĐT xã chấp nhận.

Thế nhưng, khi giao đất, bà Đức thấy diện tích thửa đất trên không được trừ hành lang giao thông quốc lộ 21B, chỉ giới đường điện... nên không nhận. Qua 3 lần đối thoại giữa bà Đức và Ban chỉ đạo DĐĐT xã, bà Đức vẫn kiên quyết yêu cầu trừ hành lang quốc lộ 21B, chỉ giới đường điện... khỏi thửa đất trên, nhưng vẫn không được chấp nhận, khiến đối thoại không thành.

Bà khiếu nại lên UBND huyện Thanh Oai. Ngày 13/6/2016, UBND huyện có quyết định số 1786/QĐ-UBND. Điều kỳ lạ là trong quyết định này, UBND huyện Thanh Oai lại lý luận rang: “DĐĐT không có nghĩa là chia lại ruộng đất. Thôn My Thượng từ trước tới giờ giao ruộng không trừ chỉ giới giao thông, chỉ giới đường điện... cho hộ nào. Vì DĐĐT không phải là chia lại ruộng đất, nên năm 1992 ruộng cấy giao cho dân đến đâu thì dân cấy đến đó. Khi nào Nhà nước có chính sách mở đường vào diện tích của các hộ thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, đền bù theo luật định”.

Từ lập luận đó, UBND huyện Thanh Oai cho rằng thửa đất Ao Cầu Nẩy và phía sau ao có diện tích 2.540 m2 chưa trừ hành lang, do tổ xác minh của UBND huyện Thanh Oai đo. Ban chỉ đạo DĐĐT xã Thanh Mai giao diện tích đó cho bà Đức là đủ đất... và để bảo vệ cho cái “lý” đó của mình, UBND huyện Thanh Oai còn viện dẫn khoản 4, điều 43 Luật Giao thông Đường bộ năm 2008.

Luật quy định: Người đang sử dụng đất được pháp luật thừa nhận mà đất đó nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ thì được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích sử dụng đã được xác định và không được gây cản trở cho việc bảo vệ an toàn công trình đường bộ.

Hơn nữa điểm c, khoản 4, điều 56 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 “quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013” của Chính phủ cũng quy định: Đất trong hành lang an toàn công trình được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp có đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai, trừ trường hợp đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất.

Bằng cách viện dẫn các văn bản luật nói trên, UBND huyện Thanh Oai muốn “an ủi” bà Đức rằng hãy nhận thửa đất có cả hành lang an toàn giao thông, hành lang điện đi. Nhận rồi thì sẽ được cấp giấy chứng nhận QSDĐ, và nếu sau này Nhà nước thu hồi, thì sẽ được bồi thường, hỗ trợ.

Thế nhưng, bằng lập luận và viện dẫn đó, UBND huyện Thanh Oai đã chứng minh được rằng họ không hiểu gì về Luật Đất đai 2013 cũng như Nghị định 43/2014/NĐ-CP cả.

Bởi khoản 4, điều 56 nghị định 43/2014/NĐ-CP, ngay điểm a đã quy định rằng người có đất nằm trên hành lang an toàn công trình, chỉ được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, và khi bị Nhà nước thu hồi, được bồi thường, tái định cư nếu đất đó đã được giao, và tài sản gắn liền với đất đó đã được hình thành từ trước khi hành lang an toàn công trình được công bố.

Hành lang an toàn của quốc lộ 21B và hành lang điện đã được công bố từ năm 1982, trong khi đất có hành lang giao cho bà Đức năm 2014, thì làm sao đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, và được bồi thương khi bị nhà nước thu hồi được?

Bà Nguyễn Thị Minh Đức đã mời Công ty CP Đo đạc Bản đồ Hà Nội về đo đạc lại thửa đất, với yêu cầu thực hiện đúng thông tư 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 của Bộ TN- MT về đo đạc bản đồ địa chính. Tại bản vẽ trích đo hiện trạng sử dụng đất do công ty trên xác định, do Giám đốc Công ty Nguyễn Thế Long ký ngày 1/3/2017, thì diện tích thửa đất Ao Cầu Nẩy và phía sau ao, có diện tích 2.540 m2, nhưng sau khi trừ hành lang, chỉ còn 1.037 m2 là đủ điều kiện giao lâu dài cho dân canh tác.

Từ kết quả trên, bà Đức đề nghị UBND huyện Thanh Oai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho bà trên thửa đất có diện tích 1.037 m2, cộng thêm 127 m2 đất bên cạnh mà gia đình bà đã cải tạo lâu nay, thành 1.164 m2, diện tích còn thiếu thì cấp bù cho bà ở chỗ khác.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lay-dat-hanh-lang-giao-thong-giao-cho-dan-canh-tac-post189518.html