Lấy cái đẹp dẹp cái xấu!

Cùng với tiến trình hội nhập, thanh niên có nhiều cơ hội phát triển, nhưng đồng thời hiện hữu nguy cơ xa rời truyền thống, phai nhạt lý tưởng. Hơn một năm qua, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030", tổ chức Đoàn đã có nhiều hoạt động thiết thực để "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu".

Thanh niên tham gia dọn vệ sinh đường phố, bảo vệ cảnh quan đô thị. Ảnh: Anh Tuấn

Chương trình hành động của Trung ương Đoàn triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ chú trọng xây dựng lý tưởng, niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển của đất nước cho thanh niên. Thông qua nhiều hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tạo môi trường lành mạnh để thế hệ trẻ rèn luyện và trưởng thành, góp phần hình thành lý tưởng cách mạng, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ pháp luật, từng bước hoàn thiện nhân cách.

Từ chỉ đạo của Trung ương Đoàn và thực tiễn của địa phương, đơn vị, các cấp đoàn cơ sở xây dựng được mô hình, phong trào mang lại hiệu quả. Tại Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Trần Anh Tuấn cho biết, toàn đoàn đã đẩy mạnh xây dựng hình mẫu thanh niên Thủ đô thời đại mới với 5 tiêu chí: “Bản lĩnh vững vàng, thanh lịch văn minh, tri thức phong phú, sức khỏe dồi dào, kỹ năng thành thạo”. Cùng với đó là tổ chức các chương trình, phong trào như: “Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Thủ đô”; “Sinh viên 5 tốt”; “Thiếu nhi Thủ đô thi đua thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy”. Đặc biệt, tổ chức Đoàn đã triển khai cho thanh niên đăng ký và thực hiện các công trình, phần việc: “Thanh niên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc của cộng đồng”; chiến dịch “Tôi yêu Hà Nội”, “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới”… Thời gian qua, đã có nhiều mô hình hay được nhân rộng trên địa bàn Thủ đô như: Tủ sách “Tuổi trẻ học tập và làm theo lời Bác”; “Sổ vàng nhật ký làm theo lời Bác”...

Sự đa dạng về cách làm, mô hình giáo dục, rèn luyện phù hợp mọi đối tượng đã giúp cho hoạt động đoàn và phong trào thanh niên Thủ đô chuyển biến rõ nét. Hàng chục nghìn thanh niên tham gia chiến dịch hè, hoạt động từ thiện, hiến máu tình nguyện mỗi năm. Hàng nghìn mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi và gương thanh niên tiên tiến trên mọi lĩnh vực… đã và đang trực tiếp đóng góp cho sự phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, trên thực tế giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều tổ chức, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục thanh niên chưa kịp thời và hiệu quả. Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thanh, thiếu nhi chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay...

Trước thực trạng này, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên Việt Nam Phan Thị Quỳnh Trang cho rằng, điều quan trọng trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là phải bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần cống hiến của thanh niên. Đi đôi với đó là hỗ trợ thanh niên lập thân lập nghiệp; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để vừa phát huy vai trò của lớp trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, vừa tăng cường khả năng đoàn kết, tập hợp thanh, thiếu nhi vào tổ chức.

Với quan điểm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", nhiều ý kiến cho rằng cần đẩy mạnh hình thức giáo dục truyền thống quê hương, đất nước; tăng cường tổ chức tọa đàm nhằm đấu tranh loại bỏ những tiêu cực, tác động xấu đến đạo đức, lối sống của thanh, thiếu niên. Điều quan trọng nữa, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TƯ, lãnh đạo cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền định kỳ gặp gỡ, đối thoại, nắm bắt tâm tư, tình cảm, định hướng tư tưởng, giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thế hệ trẻ. Giải pháp nữa theo Thành đoàn Hà Nội, cùng với tổ chức Đoàn cần huy động nhà trường, gia đình, đoàn thể và toàn xã hội cùng nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng và định hướng dư luận xã hội, giúp thanh, thiếu niên có nhận thức đúng và hành động đúng.

Thanh Bình

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Gioi-tre/854184/lay-cai-dep-dep-cai-xau