Lầu ông Hoàng và mối tình đẹp như thơ của Hàn Mặc Tử

Mỗi nơi Hàn Mặc Tử đi qua, những người con gái xuất hiện trong thơ ông đều là một ẩn số. Trong đó, lầu Ông Hoàng trở thành một địa điểm quen thuộc với người yêu mến mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm.

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày thi nhân bất hạnh Hàn Mặc Tử qua đời ở tuổi 28 bởi căn bệnh phong quái ác tại Quy Nhơn, câu chuyện tình thực hay mơ của Hàn Mặc Tử với Mộng Cầm luôn được các nhà báo, nhà văn khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Mỗi nơi Hàn Mặc Tử đi qua, hay những người con gái xuất hiện trong thơ ông đều là một ẩn số. Trong đó, lầu Ông Hoàng đi vào thơ ca đã trở thành một địa điểm quen thuộc với nhiều người yêu mến mối tình Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Lầu ông Hoàng bao gồm một quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh nổi lên, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc.

Lịch sử lâu đời của một di tích

Lầu Ông Hoàng tuy chỉ còn là di tích nhưng vẫn thu hút rất nhiều khách tham quan

Năm 1911 một ông Hoàng người Pháp là công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch, săn bắn ở những ngọn đồi lân cận, thấy phong cảnh sơn thủy đẹp ở đây đã khiến ông nảy ra ý định mua đất và xây dựng biệt thự, cũng để có nơi nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Nguyện vọng của ông đã được nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận đồng ý bán quả đồi Bà Nài.

Lầu ông Hoàng gồm quần thể đồi núi, sông biển, chùa tháp tạo thành khu danh lam thắng cảnh, nổi lên với ngọn núi Cố tương đối cao và 4 ngọn đồi nhấp nhô sát biển, đẹp nhất là núi Cố, đồi Bà Nài, cửa sông Phú Hài và bờ biển cùng với những làng chài xưa cách Phan Thiết 7km về hướng Đông Bắc.

Về tên gọi Ông Hoàng chỉ những người giàu sang, quý tộc theo cách gọi nôm na, dân dã của người dân miệt này, ý chỉ những “ông Hoàng, bà Chúa” sang trọng, chứ hoàn toàn không phải tên chủ nhân của tòa biệt thự Lầu cao tên là Hoàng hay họ Hoàng. Kể cả khi được vua Bảo Đại mua lại sau này, thì tên Lầu Ông Hoàng cũng đã có từ trước. Rất nhiều người đã nhầm lẫn điều này, cũng như nhầm lẫn về tháp canh, bót đồn Tây còn trơ trọi ngày nay trên đồi mà cứ ngỡ đó là Lầu ông Hoàng.

Ngày 21 tháng 2 năm 1911 biệt thự được khởi công xây dựng và gần 1 năm sau đó hoàn chỉnh, với diện tích rộng 536m2 chia thành 13 phòng. Khu biệt thự được xây dựng cách nhóm đền tháp Chăm Pôshanư gần 100m về phía Nam. Trong quá trình vận chuyển vật liệu lên xây dựng khu biệt thự, người Pháp đã làm hỏng tường thành phía trước cửa chính của Tháp. Đây là biệt thự đẹp, đầy đủ tiện nghi, ban đêm có máy phát điện, dưới biệt thự có nhiều hầm ngầm chứa nước mưa đủ cho những người trong biệt thự dùng trong 1 năm, được coi là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ.

Tháng 7 năm 1917 công tước De Montpensier bán lại cho chủ khách sạn người Pháp Prasett. Sau khi có Lầu Ông Hoàng một người Pháp tên Bell đã xây dựng Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp. Vài chục năm sau thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu ông Hoàng càng có ý nghĩa. Trong kháng chiến chống Pháp biệt thự này đã bị tiêu hủy, ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng, hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết.

Cũng tại Lầu ông Hoàng quân Pháp xây dựng ở đây một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn để khống chế khu vực thị xã Phan Thiết. Ngày 14 tháng 6 năm 1947, nơi đây đã diễn ra trận đánh tuyệt vời của một tiểu đội thuộc đơn vị Hoàng Hoa Thám do đồng chí Nguyễn Minh Châu chỉ huy diệt nhiều địch, thu nhiều súng đạn các loại, trong đó có một khẩu đại liên Vitke, một súng trung liên Bren và nhiều chiến lợi phẩm khác từ đó nhân dân ta quen gọi là chiến thắng lầu Ông Hoàng.

Hiện nay Lầu Ông Hoàng là một quần thể du lịch hấp dẫn bao gồm: nhóm tháp Chàm cổ, bên cạnh tháp có chùa Bửu Sơn cổ kính, dưới chân đồi là bờ biển, cửa sông Phú Hài, núi Cố nơi có mộ của nhà thơ Nguyễn Thông. Tất cả hợp thành một quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh ở Phan Thiết.

Lầu ông Hoàng và bí mật về chuyện tình thi sĩ

Lầu ông Hoàng chỉ còn là phế tích hoang tàn trong những lời ca của Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, ông là một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975. Trong hàng trăm ca khúc trữ tình của ông, ca khúc "Hàn Mặc Tử" và "Hoa trinh nữ” là hai dấu ấn lớn trong sự nghiệp sáng tác.

Ca khúc "Hàn Mặc Tử” là một câu chuyện tình rất đẹp, rất bi thương của một nữ sĩ đồng hương Mộng Cầm với thi nhân Hàn Mặc Tử. Lẩn khuất trong từng giai điệu, từng ca từ dường như ông đã ký thác tâm sự lòng mình vào trong nỗi nhớ da diết, nổi đau vô bờ bến của thi nhân Hàn Mặc Tử.

Có lời đồn đại lưu truyền: năm xưa lên Lầu Ông Hoàng ngắm trăng, xung quanh là nghĩa địa, bãi tha ma nên khi trú mưa, do mả đất người mới chôn xuất hiệu ma trơi (lân tinh) như sao rơi khiến Hàn Mặc Tử bị nhiễm mà phát bệnh cùi...

Người xưa từng có câu nói nổi tiếng: Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận, chuyện ma ở đất Bình Thuận đến nay vẫn nhiều vô số kể. Hơn nữa, ngày nay khách du lịch lên đồi Bà Nài sẽ nhìn thấy khu nghĩa địa bên trái Tháp Chăm, chủ yếu bằng mả đất, sau này thời Mỹ và sau giải phóng mới có mả xây gạch đá, vôi vữa.

Trong nhận định của nhiều người, vô hình chung "người tình" nữ sĩ Mộng Cầm trở thành một nguyên nhân gây nên điều bất hạnh cho Hàn thi sĩ dù không hữu ý. Suốt một thời gian khá dài sau ngày giải phóng đất nước, căn cứ theo sách báo để lại mà người đời thêu dệt lên vô vàn chuyện thực hư về "nàng thơ" của Hàn Mặc Tử, mặc dù trong số những người viết, họ chưa bao giờ gặp bà Mộng Cầm. Nghi án trên văn đàn ngày trước không chỉ có một thi nhân ẩn danh tên T.T.K.H mà còn thêm một nghi án: Mộng Cầm có phải là người yêu của Hàn Mặc Tử hay không?

Mộng Cầm sinh sống ở Phan Thiết, hết ở Phan Thiết, bà vào sống với con ở Sài Gòn, bà rất ít tiếp xúc người bên ngoài nhất là những nhà báo, hay ai đó hỏi chuyện cũ, bà đều trả lời đại khái, chung chung. Có lẽ, ngay cả bà cũng không muốn nhắc nhiều đến chuyện tình bi thương ấy nữa. Dễ có mấy thế hệ yêu thơ Hàn Mặc Tử, yêu luôn cả nàng thơ Mộng Cầm với giai thoại rất đẹp vì sự hiện diện về Mộng Cầm, về Nghệ, về Lầu trăng, Lầu Ông Hoàng trong thơ ông để lại đời sau. Cuối cùng thì bà cũng đã mang theo bí mật qua thế giới bên kia vào 21h30 ngày 23/7/2007, thọ 91 tuổi.

Bảo Phương/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/lau-ong-hoang-va-moi-tinh-dep-nhu-tho-cua-han-mac-tu-p42599.html