Lau mát cách nào để trẻ sốt không bị viêm phổi?

Sốt là triệu chứng hay gặp ở trẻ, nhất là trẻ nhỏ. Lau mát để hạ sốt là một trong những phương pháp thường được nhiều phụ huynh áp dụng khi trẻ có dấu hiệu sốt cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không biết cách làm mát thân nhiệt đúng cách, sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, tuyệt đối không được dùng nước đá, nước lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ. Ảnh minh họa

Không dùng nước lạnh để lau mát cho trẻ

Vừa qua, câu chuyện của một người mẹ trẻ chia sẻ trên mạng xã hội về việc suýt mất con khi dùng nước lạnh lau người hạ sốt cho con đã thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh, nhất là những bà mẹ đang nuôi con nhỏ. Theo chia sẻ, khi thấy cô con gái 3 tuổi có các triệu chứng hai vùng má tấy đỏ, mồ hôi tiết ra nhiều, cặp nhiệt độ lên đến 39,50C, người mẹ đã vội vàng dùng khăn nhúng nước ấm đặt lên vùng trán để hạ sốt cho con.

Trong lúc chờ chồng đi mua thuốc hạ sốt, người mẹ vì quá sốt ruột khi thấy con ngày càng sốt cao, đã quyết định lấy tấm vải mỏng bọc một vài viên đá nhỏ rồi chườm vào mặt, cổ và vùng bẹn của bé. Nào ngờ, ít phút sau, cô bé từ trạng thái người “nóng như lửa” chuyển sang tím tái, rét run và có dấu hiệu của co giật nhẹ. Lúc này, người mẹ mới tá hỏa thuê xe cho con đi cấp cứu. Sau khi tiếp nhận và thăm khám, các bác sĩ cho biết, cháu bé bị sốc nhiệt do thân nhiệt đang ở mức cao (hơn 390C) bị tiếp xúc đột ngột với nước đá (nhiệt độ rất thấp) nên gây ra phản ứng. Rất may, cháu bé được đưa đi cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm đến tính mạng. Theo lời bác sĩ, việc chườm lạnh khi đang bị sốt là một sai lầm, rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ nhỏ.

Sau khi chia sẻ câu chuyện với sự hối hận về việc làm thiếu hiểu biết suýt gây hại cho con, người mẹ này nhận được nhiều phản hồi từ phía những bậc phụ huynh khác. Trong đó, đa phần là quan điểm bày tỏ sự cảm thông với “khổ chủ” và lời cảnh báo nên thận trọng khi xử lý những tình huống tương tự.

Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: Thông thường, nhiệt độ của cơ thể con người dao động trong khoảng 36,5 - 37,50C. Khi nhiệt độ từ 37,5 - 38,50C là sốt nhẹ; từ 38,5 - 390C là sốt vừa; 39 - 400C là sốt cao; sốt rất cao khi nhiệt độ cơ thể đạt ngưỡng trên 400C. Theo BS Trần Thị Hoàng: Do sức đề kháng còn yếu và trung tâm điều hòa thân nhiệt trong cơ thể chưa phát triển toàn diện, nên trẻ nhỏ rất dễ bị sốt và có thể bị sốt rất cao.

BS Trần Thị Hoàng cho biết thêm, khi trẻ bị sốt nhẹ, phụ huynh không nên quá lo lắng, nên cho trẻ uống bổ sung nhiều nước và chú ý quan sát thân nhiệt của trẻ. Nếu trẻ bị sốt vừa, phụ huynh cho trẻ mặc quần áo rộng, đặt trẻ nằm ở nơi thoáng mát, đồng thời cho trẻ dùng thuốc hạ sốt theo đúng chỉ định. Bên cạnh đó, có thể dùng phương pháp lau mát hạ sốt. Tuy nhiên, bố mẹ nên lưu ý, nên lau mát hạ sốt cho trẻ bằng nước ấm, không dùng nước lạnh nhất là nước đá. Bởi lẽ, quá trình thay đổi nhiệt độ của cơ thể phải có sự thích ứng nhất định. Việc hạ nhiệt đột ngột sẽ xảy ra những tác hại bất ngờ như suy hô hấp, suy tim, viêm phổi nặng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe non yếu của trẻ. Trường hợp trẻ đã dùng thuốc hạ sốt, lau mát mà vẫn sốt cao, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ điều trị kịp thời.

Chăm sóc đúng cách khi trẻ bị sốt

Các chuyên gia khuyến cáo, nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt trên 38,50C. Thuốc được chọn lựa là Paracetamol, vì đây là thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hiệu quả hạ sốt nhanh, thường sẽ có tác dụng hạ sốt 30 phút sau khi sử dụng và kéo dài từ 4 - 6 giờ. Cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 - 15mg/kg/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/ngày.

Bên cạnh đó, việc quan trọng bố mẹ cần làm là bổ sung nhiều nước cho cơ thể của trẻ. Tăng cường nguồn năng lượng và các loại vitamin cần thiết cho trẻ. Chẳng hạn, với những trẻ còn bú mẹ, có thể cho trẻ bú thành nhiều bữa khác nhau. Với những trẻ lớn hơn, có thể bù dưỡng chất bằng cách cho trẻ uống các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng hay các loại thuốc bổ đa sinh tố giàu vitamin C và vitamin nhóm B. Nên có nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ thay đổi ở trẻ, từ đó có phương pháp xử lý kịp thời.

Với những trẻ bị sốt cao, BS Trần Thị Hoàng khuyến cáo, tuyệt đối không đắp chăn dày hoặc mặc quần áo kín mít cho trẻ. Điều này vừa làm thân nhiệt của trẻ tăng cao, khó hạ sốt, vừa khiến trẻ dễ bị đổ mồ hôi và nhiễm lạnh trở lại cơ thể. Bên cạnh đó, không dùng nước đá lạnh để lau mát hạ sốt cho trẻ, tránh nguy cơ trẻ bị sốc nhiệt, nặng hơn là bị bỏng lạnh và có thể gây co giật. Ngoài ra, không nên lau khăn lạnh vào vùng ngực cho trẻ vì có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi, đồng thời không cạo gió khi trẻ đang bị sốt cao vì dễ dẫn đến rối loạn tuần hoàn máu khiến thân nhiệt của trẻ có thể tăng lên, gây sốt cao hơn.

Lau mát hạ sốt cho trẻ đúng cách

Theo BS Nguyễn Thị Phương Thúy, Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, để tiến hành lau mát hạ sốt cho trẻ, phụ huynh cần chuẩn bị 5 chiếc khăn sạch và một chậu nước ấm (đã pha một nửa nước nóng và một nửa nước lạnh). Nhúng cả 5 cái khăn vào chậu nước và vắt hơi ráo. Dùng hai khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Cứ 2-3 phút thay khăn một lần. Cách 15 phút nên kiểm tra nhiệt độ của trẻ; ngưng lau mát khi nhiệt độ xuống dưới 38,50C. Sau đó, tiến hành lau khô và mặc quần áo mỏng cho trẻ.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/lau-mat-cach-nao-de-tre-sot-khong-bi-viem-phoi-2016110408263418.htm