Lật tẩy chiêu biến bạch yến thành yến huyết nhờ phụ gia

Để cạnh tranh về giá cả và tăng lợi nhuận, các cơ sở gia công yến sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn thêm các chất độn, làm giả yến trăng thanh yên huyêt để thu lợi nhuận cao.

Yến huyết giả có giác bạc triệu

Từ lâu yến sào (tổ yến) được biết đến như một món ăn bổ dưỡng quý hiếm. Yến sào chia thành 3 loại chính: huyết yến, hồng yến và bạch yến. Trong đó, yến huyết là loại tổ yến có màu đỏ tươi, có giá thành cao nhất trong số các màu vì số lượng rất ít. Còn thông dụng nhất là bạch yến hay còn gọi là yến trắng có giá thấp nhất và phổ biến nhất trên thị trường hiện nay.

Biến yến trắng thành yến huyết từ…phân hữu cơ

Có lẽ chính sự chênh lệch lớn giữa giá thành của 2 loại tổ yến này cùng nhu cầu tìm mua của người tiêu dùng thường thích những thứ gì hiếm, giá cao sẽ tốt hơn nên đã tạo cơ hội cho các tư thương “đục nước béo cò”. Bởi, loại yến sào này vốn được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng như: Trung Quốc, HongKong, Malaysia,…

Tại Việt Nam, hiện có khá nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm từ yến sào. Riêng với yến huyết giá cho 100gr hiện được rao bán với giá khoảng trêm dưới 20 triệu đồng. Còn với bạch yến, sau khi chế biến thường có giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng mỗi hộp. Điều đáng nói là hầu hết các điểm kinh doanh yến sào hiện nay đều bán yến huyết không được kiểm định chất lượng. Hơn nữa, giá cả mỗi nơi một khác nhưng cứ cần là có, miễn người mua trả giá cao.

Điều đáng nói rất nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh yến hiện nay đang sử dụng một số chiêu trò nhằm lừa bịp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm “giả”, không đảm bảo chất lượng. Theo đó, có hai chiêu trò được nhiều tư thương dùng để móc túi người tiêu dùng với giá bán cao gấp chục lần so với giá trị thật của sản phẩm.

Lý giải cho điều này một tư thương tiết lộ: "Với cách thứ nhất, đầu tiên, mình phải xịt tổ yến cho ẩm, sau đó bỏ vào thùng xốp. Mình sẽ đào một cái hố để cho thùng xốp vào cái hố đó và ủ phân hữu cơ lên. Ủ khoảng hai tháng, tổ yến sẽ chuyển sang màu hồng do trong phân hữu cơ có chứa NH3 phản ứng với ôxy có trong không khí, tạo ra Nitrit. Nếu mình để thêm một tháng thì toàn tổ yến sẽ chuyển từ màu trắng sang màu đỏ.

Còn theo cách thứ 2, nếu không làm vệ sinh ở nơi chế biến, làm tổ thì trên thành tường sẽ có phân chim và NH3. NH3 phản ứng với ôxy sẽ tạo thành màu đỏ dưới chân tổ. Lâu ngày, tổ yến sẽ đỏ từ dưới chân tổ lên trên, dần dần sẽ đỏ toàn tổ".

Được biết, theo cách này, nếu lỡ có bị pháp luật sờ gáy, tư thương sẽ lấp liếm rằng, sự hình thành yến huyết tại nhà yến của họ hoàn toàn tự nhiên chứ họ không nhuộm màu hay tác động gì. Và như vậy, người tiêu dùng bỏ hàng trăm triệu đồng vẫn mua phải yến huyết giả. Thậm chí, theo các chuyên gia thì những chất này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dùng, đặc biệt có thể gây ung thư.

Ngoài ra, các tư thương còn dùng thủ đoạn hết sức tinh vi để “độ” yến. Cụ thể để tăng trọng lượng yến, một số cơ sở đã dùng yến vụn ngâm nước rồi ngâm vào đường giúp trọng lượng yến tăng ít nhất 25%, sau đó đến công đoạn vô khuôn tạo hình. Những sợi yến dài nhất được để ở mặt ngoài, những sợi yến vụn sẽ được nhét vào bên trong, sau đó đóng khuôn rồi mang đi sấy.

Đặc biệt, để yến có màu trắng bắt mắt, những cơ sở gia công yến sẵn sàng dùng các dung dịch công nghiệp chuyên dùng để tẩy uế bồn cầu như nước ôxy già hay nước Javen, điều này gây nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Ngoài ngâm đường, các cơ sở gia công yến sào còn độn thêm nhiều “phụ gia” khác như rau câu, mủ trôm, thậm chí là bún tàu với tỷ lệ phụ gia thậm chí lên tới 60%.

Công dụng thật sự của yến huyết

Yến sào rất tốt cho sức khỏe thì đã rõ. Nhưng để mua được yến có chất lượng thì không phải ai cũng biết, và thực tế trên thị trường yến giả, yến kém chất lượng tràn lan, rất khó phân biệt. Đặc biệt trong khi yến huyết được bày bán tràn lan trên thị trường thì dường như cho đến nay nguồn gốc, khái niệm của loại yến này vẫn còn rất mập mờ và đặt ra nhiều dấu hỏi.

Có ý kiến cho rằng, trong quá trình làm tổ những con chim yến già hoặc chim yến trong mùa thức ăn hiếm hoi vẫn miệt mài làm tổ trong lúc kiệt sức, máu từ mép rỉ ra quyện vào nước dãi để xây tổ khiến cho tổ có màu sắc đỏ hồng. Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, thức ăn của chim yến làm nên màu của yến huyết tuy nhiên, yến sào chỉ ăn các loại côn trùng côn trùng nhỏ bé bay trong không trung, chứ không phải là tảo biển, nên việc hình thành màu đỏ của yến huyết không phải do nguồn gốc thức ăn.

Trong khi đó, theo những người dân trong nghề cho rằng, do điều kiện môi trường đặc trưng hình hành tổ yến huyết. Yến huyết chỉ được tìm thấy tại các vách đá cao và sâu trong các hang yến, ở những vị trí này có một lượng khoáng chất sắt, kết hợp với điều kiện độ ẩm, không khí đặc trưng nên khi chim yến làm tổ một thời gian sau sẽ xảy ra các phản ứng tự nhiên, làm tổ yến chuyển màu từ trắng sang màu đỏ và bắt đầu từ chân tổ cho tới rìa tổ yến.

Tại Việt Nam, yến huyết được thu hoạch tại vách đá, hang yến trên một số đảo: Hòn Nội (Khánh Hòa), Đảo Yến (Phú Yên), Mũi Yến (Bình Định), Đảo Nồm hay còn gọi Vũng Chùa (Quảng Bình)... Nghiên cứu chi tiết hơn thành phần chất đạm, cho thấy yến sào không chứa các protein và axít alginic của rong tảo. Điều này chứng minh yến sào làm bằng nước miếng chim yến chứ không phải rong tảo.

Yến sào cũng không chứa hồng cầu và các phức chất hem của huyết mà chứa rất nhiều sắt. Yến huyết vì vậy không phải do máu chim yến mà do thành phần sắt trong đá có màu đỏ của sườn núi tạo nên. Như vậy, việc giá cả của huyết yến đắt hơn nhiều lần so với yến trắng phải chăng chỉ là do nó quá hiếm nên thành quý vậy thôi. Mặc dù chưa thực sự chứng minh được giá trị vượt trội của huyết yến so với bạch yến nhưng vì sự đắt đỏ của nó, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại huyết yến bị làm giả để trục lợi, đánh lừa người tiêu dùng.

Tuy nhiên, mặt hàng tổ yến thô hiện nay vẫn được xem như mặt hàng nông sản thô, nên chưa có những quy định ràng buộc. Chỉ có hàng tháng theo định kỳ, cơ quan thú y địa phương đến lấy mẫu tổ yến, mẫu lông, trứng, phân yến để xét nghiệm kiểm tra dịch cúm H5N1.

Với tổ yến đã sơ chế (làm sạch) thì yêu cầu của cơ sở chế biến phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và cơ quan quản lý địa phương cũng kiểm tra, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, việc thanh kiểm tra mặt hàng này gần như bị bỏ ngỏ. Và rõ ràng, nếu còn bị bỏ ngỏ như vậy thì không chỉ người tiêu dùng bị thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp yến sào làm ăn chân chính.

Trước đây, cơ quan Giám sát kỹ thuật và Chất lượng tỉnh Triết Giang, Trung Quốc đã phát hiện lượng Nitrit quá mức cho phép trong những tổ yến huyết tại ít nhất 491 đại lý tổ yến. Cụ thể, mức Nitrit trung bình là 4.400 mg/kg, vượt hơn 6.000% ngưỡng an toàn. Lập tức, nhà chức trách đã triển khai một đợt kiếm tra độc hại của yến huyết tại nhiều tỉnh thành trên toàn Trung Quốc.

Lượng yến huyết nhiễm độc Nitrit cao ở Trung Quốc được nhập từ Malaysia. Đây cũng là thị trường cung cấp yến nhập chính cho Việt Nam. Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2014 đến nay, có hơn 11 tấn yến được nhập chính thức vào Việt Nam. Trên thực tế, theo nhiều người kinh doanh mặt hàng này, lượng yến nhập lậu gấp ít nhất 5 lần lượng yến được nhập theo đường chính ngạch, trong đó có nhiều yến huyết.

Mai Thương

Nguồn SKCĐ: http://suckhoe.com.vn/suc-khoe/lat-tay-chieu-bien-bach-yen-thanh-yen-huyet-nho-phu-gia-68327