“Lật ngửa” ván bài cuộc đời Nguyễn Chánh Tín

“Lật ngửa” ván bài cuộc đời người đàn ông hào hoa nhất nhì màn bạc một thời, hóa ra câu nói “chỉ một mối tình” dành cho Nguyễn Chánh Tín lại hoàn toàn không đúng khi đối diện với người trong cuộc.

Cuộc sống những năm 80 khó khăn. Nguyễn Chánh Tín khi đó gầy. Cái vẻ gầy ấy tôn chiếc mũi thẳng tự nhiên, vầng trán vuông thông minh và đôi mắt với ánh nhìn sâu, từng trải. Tất cả làm nên một Nguyễn Thành Luân tuyệt vời trong bộ phim nổi tiếng Ván bài lật ngửa. Nguyễn Chánh Tín của hôm nay không còn hào hoa và ở tuổi này vẫn còn cực nhọc, vẫn phải lao ra đường kiếm tiền, đối diện với biết bao lo toan thường ngày. Và theo anh, một Nguyễn Chánh Tín từng chinh phục đỉnh cao từ âm nhạc đến điện ảnh mấy chục năm nay hóa ra chỉ là “hữu danh vô thực”. Cuộc đời anh như những lá bài, khi úp xuống người ta thường nghĩ đến con số cao và may mắn, nhưng khi lật ngửa lên lại… chẳng có gì nhiều, ngoài một hạnh phúc đẹp đã được thử thách trong những tháng năm gian khó. Và trong bài viết này, xin được lật tiếp những lá bài khác, trong cuộc đời và trong tình trường của anh. Cậu học sinh sau một đêm vụt sáng thành sao Được biết trước khi gây tiếng vang với Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa, anh từng làm chao đảo báo giới Sài Gòn về một hiện tượng âm nhạc có một không hai? Năm đó tôi 18 tuổi, đang học ở Trường Trung học Mạc Đĩnh Chi, một trường ở ngoại ô Sài Gòn. Trong một hội thi văn nghệ liên trường, tôi lãnh xướng giọng nam trường ca Hòn vọng phu, đằng sau là 40 bạn với 4 bè khác nhau và 2 bài đơn ca là Tìm nhau, Nghìn trùng xa cách của nhạc sĩ Phạm Duy. Thật ra, bài Nghìn trùng xa cách lúc đó nằm ngoài kế hoạch vì chương trình thừa 5 phút. Đạo diễn bảo: “Cậu lãnh xướng hồi nãy… nhào ra hát bài nào đó cho đủ giờ đi”. Cuối cùng tôi phải ra sân khấu hát. Toàn bộ chương trình, bài nào cũng được dàn dựng cảnh hoành tráng. Trong khi đó, bài này nằm ngoài dự kiến, không được chuẩn bị trước nên sân khấu rất trống. Cuối cùng phải chọn cách tắt hết đèn, chỉ để một vệt sáng rọi xuống gốc cây và tôi ngồi hát như độc thoại. Nhưng tôi bị hẫng, thấy mình không bình tĩnh nên xin một điếu thuốc lá. Tôi vừa hút thuốc, vừa hát, như một người đàn ông từng trải đối diện với mất mát. Anh thư sinh áo trắng ngồi bên gốc cây, dưới vệt sáng ánh đèn, tạo hình như người thất tình. Trong một khoảnh khắc tâm trạng, tay chống cằm, hát xong còn dụi dụi điếu thuốc dưới giày, trầm tư một lúc rồi sân khấu chìm vào bóng tối. Và sau một đêm, khoảng 40 tờ báo của Sài Gòn đồng loạt đăng tin về “hiện tượng” người thể hiện bài hát Nghìn trùng xa cách của đêm hôm đó. Ánh hào quang đến sớm và bất ngờ, cảm giác của cậu học trò 18 tuổi hôm ấy thế nào? Cuộc sống sau đó có còn bình thường như trước không? Dù hàng loạt báo đưa tin nhưng lúc đó chẳng ai biết tôi. Người ta cứ tưởng người hát hôm đó là thầy giáo của trường chứ không nghĩ là một cậu học trò. Sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy, Dương Thiệu Tước vào tận trường của tôi để tìm “ông thầy” hát hôm trước và tôi được mời ra để tiếp xúc với hai nhạc sĩ. Từ đó, nhạc sĩ Phạm Duy mời tôi tham gia chương trình nhạc chủ đề trên radio và tôi mới hát lại Nghìn trùng xa cách, Tìm nhau… Từ cách diễn xuất lạ của cậu học trò trên sân khấu, các nhà làm phim đã săn lùng tôi và hình ảnh Nguyễn Chánh Tín không rời điếu thuốc mặc nhiên đi vào điện ảnh. Trong năm đó, tôi được mời đóng nhiều phim, đi hát ở các nhà hàng, phòng trà lớn. Nhưng ngay sau ánh hào quang, ca hát, phim ảnh cuốn tôi đi nên chuyện học cũng bị ảnh hưởng. Từng ra chợ bán rau muống Trở thành một người nổi tiếng, lại đẹp trai, hào hoa, hẳn anh được nhiều fan nữ hâm mộ, theo đuổi? Chuyện đó dĩ nhiên và cũng nằm ngoài ý muốn của mình. Khán giả nữ rất yêu thích tôi. Thấy tình hình đó, mẹ đốc thúc tôi lấy vợ. Bà sợ con trai sa đà vào những cuộc chơi không điểm dừng. Hơn nữa, lúc đó mẹ lớn tuổi rồi, muốn thấy con dâu út. Còn ba tôi đã mất được 5 năm. May mắn là khi đó tôi đã “có sẵn” tình yêu từ thuở mười tám đôi mươi với Bích Trâm. Cô ấy rất giỏi, là con gái của một gia đình giàu có, đi đâu cũng được xe hơi đưa rước. Còn tôi dù đã có chút tiếng tăm nhưng vẫn ở thế không môn đăng hộ đối. Tôi và Trâm quen nhau trong Trường Luật khi cùng tham gia ban văn nghệ. Tại sao hai người lại chọn trường Luật? Về phần tôi, vì đóng phim, đi hát nhiều nên không có trường nào phù hợp với tôi bằng Trường Luật. Trường này chỉ cần ghi danh và học thôi, rồi cuối năm ai giỏi thì tốt nghiệp. Còn các trường khác đều phải thi đầu vào. Trường Luật ban đầu đăng ký đến cả chục ngàn người, nhưng cuối năm sinh viên thi đỗ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và tôi cũng phải thi đến 3-4 năm mới được (cười). Bích Trâm trước đây học trường của Pháp, đã tốt nghiệp trung học nhưng lại chọn Luật, bởi một lẽ đơn giản là cô ấy không giỏi tiếng Việt và cũng thi rướt suốt mấy năm trời như tôi. Nhiều lúc thầy giảng bài, có những từ không hiểu, cô ấy thường xuyên phải tra từ điển Tiếng Việt. Bích Trâm cũng hát hay và chúng tôi cùng trong ban văn nghệ của trường. Vì vậy, hai đứa thường hát chung, nam là tôi, nữ là Bích Trâm, như hai hạt nhân chính của các phong trào văn nghệ. Lâu ngày, chúng tôi nảy sinh tình cảm. Năm 1973, hai đứa tổ chức đám hỏi rồi năm sau cưới. Chị Bích Trâm từng có cơ hội định cư ở Mỹ cùng gia đình. Nhưng vì sao vợ anh chọn ở lại? Do tình yêu với tôi quá lớn nên cô ấy không đi. Bích Trâm từng được đi nước ngoài học nhưng cô ấy từ chối vì tình cảm dành cho tôi. Và cả hai xác định với nhau, đã đi thì hai đứa cùng đi, đã ở thì cùng ở. Ở lại là một hành trình đầy khó khăn, cơ cực. Lúc ấy chỉ có hai đoàn kịch được thành lập là Kim Cương (của nghệ sĩ Kim Cương) và Bông Hồng (của nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng). Vợ chồng tôi rất mừng khi được vào làm ở Đoàn kịch bông Hồng. Nhưng hai đoàn mà có đến mấy trăm nghệ sĩ, lương lại quá thấp, chỉ 3 đồng một tháng (lúc ấy bát phở giá 2 đồng). Quen sống trong nhung lụa, anh chị đã chịu đựng và vượt qua những cực khổ ngày đó thế nào? Được cái là cả hai chúng tôi, tình yêu mới toanh, mới cưới chưa được bao lâu nên cực khổ thì cùng nhau “hưởng”, vui sướng thì cùng nhau “chia”. Chúng tôi lúc đó có tài, lại có sức trẻ, nhưng bị lãng phí những điều đó. Ở đâu, làm gì cũng không được. Nhất là vợ tôi, học như thế, nhưng đem bằng cấp ra lại không được sử dụng, lần nào đi xin việc cũng xôi hỏng bỏng không. Chúng tôi rất khủng hoảng tinh thần. Khổ về vật chất là một chuyện, nhưng khổ nhất không biết ngày mai của mình như thế nào. Từ năm 1975 – 1976 coi như ăn ở không, chẳng thể kiếm ra tiền. Năm 1977, không còn tiền để dành nữa, chúng tôi phải đi bán thơm, bán rau muống, cả hai vợ chồng cùng làm. Nhìn vợ mang bụng bầu ngồi ngoài chợ suốt, tôi đứng chào hàng mà không khỏi thương cô ấy. Anh ra chợ đứng bán rau muống? Đâu có sao. Tôi hùn hạp với mấy người bạn ở Phú Lâm mua thơm và rau muống về bán. Nhưng bán gì lỗ đó, lỗ… chỏng gọng vì tôi đâu biết gì về kinh doanh. Đổ vốn ra bao nhiêu cũng mất hết, giờ nghĩ lại nếu không làm, có khi chúng tôi còn tiền chi dùng lâu hơn là đi buôn bán. Tuy nhiên, vất vả ngoài chợ cũng có cái may, khi buôn bán rau muống lỗ trắng tay, một người chị của bạn tôi bán ở Chợ Lớn có sạp kim chỉ, lưỡi lam. Những mặt hàng này vô cùng hiếm, thế là chị bảo chúng tôi đi lùng mua. Lúc đó, người bạn có chiếc xe máy, còn tôi, xe cộ bán sạch rồi, chỉ còn cọc cạch chiếc xe đạp. Hai anh em chở nhau đi quần quật khắp các tỉnh mua kim chỉ, lưỡi lam về bỏ mối cho chị ấy. Chúng tôi chạy lên tận Đà Lạt, ra Nha Trang, ở đâu có hàng là gom mua hết về chất đống trong nhà. Sau 2 tháng ngược xuôi, chúng tôi lấy lại được phần nào số tiền lỗ vì buôn bán ngày trước. Được mấy đồng tiền lời, khổ quá, hai đứa kéo nhau ra một nhà hàng Hoa ăn cho bõ những ngày đói kém. Gọi nồi lẩu, kêu chai rượu Tây, coi như 2 tháng vất vả đi lùng sục bay vèo. Bữa ăn lúc đó hết gần 50 đồng, trong khi lúc làm ở Đoàn kịch Bông Hồng, lương chỉ có 3 đồng một tháng. Về nhà, vợ cũng cằn nhằn nhưng cô ấy hiểu chồng cực quá nên thông cảm. Và những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ Nhưng từ ngày khốn khó, anh đã “gặp” Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa? Nguyễn Thành Luân đem lại cho tôi những gì? Đó là vinh dự lớn cho một đời nghệ sĩ. Vinh dự đó một khoảng thời gian đi kèm với kinh tế. Cũng chính nhờ bộ phim đó, từ năm 1982 – 1988, cuộc sống của vợ chồng tôi đỡ cực hơn. Đỡ cực hơn ở đây là tuy được biết đến nhiều hơn, nhưng tôi vẫn phải “tự bơi” chứ chẳng ai cho tiền bạc gì. Một điều tôi có được là sau khi đóng xong bộ phim đó, tôi được phép xây nhà trước rồi hợp thức hóa giấy tờ sau. Chứ đúng ra khu tôi ở, không ai được phép xây nhà cả. Để có nhà cũng là một chuyện đáng nhớ. Lúc đó, anh em, bạn bè thấy có miếng đất nào rẻ thường giới thiệu cho tôi. Mua đi bán lại, có chút tiền lời, tôi mới xây được nhà chứ thực sự nếu nói bằng tiền “lao động chính thức” của nghệ sĩ, chẳng biết đến bao giờ mới có nhà. Có phải cũng sau thành công của Nguyễn Thành Luân, tính hòa hoa phong nhã trong anh lại có dịp trỗi dậy khi bao nhiêu trái tim phụ nữ hâm mộ anh cuồng nhiệt? Không có nghệ sĩ nào không có tình cảm bên ngoài, vấn đề là làm thế nào để giữ cho nhau thôi. Hơn nữa, mọi người đến với tôi cũng đều biết tôi có gia đình, vì đi đâu tôi cũng có vợ đi cùng, cho nên chuyện đó cũng không rắc rối lắm. Ai quen tôi lúc đó đều chấp nhận một điều, họ chỉ là những tình cảm “lề trái”. Bích Trâm cũng không thể nói tôi được vì tôi không phải thầy tu, nhiều khi cũng có vui chơi bên ngoài, nhưng quan trọng là tôi luôn trân trọng gia đình. Thêm vào đó, con gái lúc này cũng lớn rồi nên tôi phải giữ gìn. Nghe nói thời điểm đó, anh có tình cảm đặc biệt với ca sĩ Thanh Lan, bạn diễn trong Ván bài lật ngửa? Đối với Thanh Lan thì không, vì ngày xưa đáng lý ra cô ấy lấy anh trai của Bích Trâm. Chúng tôi quen biết nhau, Thanh Lan hay đến nhà tôi chơi với Bích Trâm và hai người coi nhau như chị em. Cô ấy có nhiều người theo đuổi nhưng trong đó không có tôi và về phía tôi cũng vậy. Dứt khoát không. Đã là chị em với nhau, chuyện phim giả tình thật rất khó. Cũng có thể Thanh Lan có nhiều đối tượng rồi, cần gì tôi nữa và cũng có thể toi đâu thua gì cô ấy. Chuyện “đâu thua Thanh Lan”, vợ anh biết chứ? Và anh có đặt mình vào cảm giác của vợ để hiểu chị ấy phải chịu đựng như thế nào không? Chịu đựng sự hào hoa của chồng, tôi có cảm giác đôi lúc vợ tôi thấy đó là chuyện bình thường. Cô ấy hiểu, có một người chồng nổi tiếng sẽ có biết bao người phụ nữ hâm mộ, phụ nữ thì yêu mến, đàn ông thì thích nhậu cùng. Nếu cô ấy suốt ngày khổ sở vì ghen, làm sao sống cùng tôi cho đến bây giờ được. Tôi luôn đối xử tốt với vợ, sáng đi chiều về, chẳng bao giờ vắng nhà quá lâu cả. Cũng có những cuộc tình làm tôi đau và hiện giờ vẫn còn đâu đó những điều để tôi nhớ, nhưng đây là vấn đề tế nhị. Vợ tôi hi sinh cho chồng rất nhiều. Có những điều trong tận đáy lòng, nếu giữ mãi cho riêng mình có lẽ đẹp hơn và nó sẽ càng đẹp hơn khi không làm đau người khác. Giờ đây, mọi chuyện đã thành quá khứ, nhưng không có nghĩa không nhói lên mỗi lần nhắc lại, vì suy cho cùng, quá khứ đó cũng là một phần cuộc sống của mình. Vậy những phút giây ngoài chồng ngoài vợ, anh nghĩ về chị hay người tình nhiều hơn? Điều đó cũng khó nói lắm, vì tình cảm mà, có những chuyện vợ tôi không biết. Tình cảm gia đình có những điều thiêng liêng, nhưng ngược lại, tình yêu cũng có lý lẽ riêng của nó. Dù là tình cảm bên ngoài nhưng tôi không phủ nhận những mối quan hệ đó. Tuy là một phần rất nhỏ, nhưng tôi vẫn dành cho mình những rung động của trái tim mình. Tôi yêu chớp nhoáng cũng có, những mối tình để đời cũng có. Bây giờ, nếu nói ra đây sẽ mất cái đẹp của những tình cảm đó. Những lần “gây án” như thế có để lại điều gì không? Tôi không hề có con bên ngoài. Không, ý tôi là anh không đem đến hạnh phúc mà lại làm đau người khác, những người đã yêu anh thật lòng đó! Nói công bằng nhé, tôi cũng thương nhớ người ta đến chết đi được. Tôi không phải gỗ đá. Vấn đề chính là mình đặt hạnh phúc ở chỗ nào. Tôi đã có gia đình và hạnh phúc của tôi là ở đó. Còn những mối tình, những người tình nằm sâu trong một góc nào đó của tâm hồn mình thôi. Tôi luôn tỉnh táo trong những việc đó, bởi khi con tim của mình đi quá giới hạn, lý trí buộc phải lên tiếng. Và lúc đó, con tim và lý trí phải thỏa thuận một “bản hợp đồng”. Dĩ nhiên, nói là nói vậy thôi chứ có những bản hợp đồng cũng đi quá lố đấy. Anh vẫn còn say mê điện ảnh và thẳng thắn thừa nhận những cuộc tình bên ngoài. Vợ anh lại quá bao dung, thấu hiểu chồng, bấy lâu nay thầm lặng làm người phụ nữ của gia đình. Anh có nghĩ anh nên dừng lại để bù đắp cho vợ? Cuộc sống của chúng tôi là những bù đắp lặng lẽ. Sự hi sinh của vợ tôi, chính là cách níu kéo hạnh phúc bình yên đến tận bây giờ. Chúng tôi đã có tuổi và trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, điều cuối cùng cũng là sự bình yên mà thôi. Ngày qua ngày, nhìn thấy những gì của mình vẫn còn ở đó, nguyên vẹn như vậy, lòng cũng thấy nhẹ nhàng lắm rồi. Tôi đã tự hài lòng như vậy và ví cuộc đời mình như một cuốn lịch, mỗi ngày lật một trang và sống với những điều mới mẻ trong cuộc sống vợ chồng. Từ năm 1996, tôi mở quán hát cho nhau nghe tại nhà. Vợ tôi nấu ăn rất ngon, nên mở quán ra để nghe ra để bán thức ăn là chính. Một phần vì lúc đó phim ảnh “đóng băng”, tôi cũng có chút tiếng tăm nên kinh doanh để lo cho gia đình. Mở hàng kinh doanh để lo cho gia đình. Mở nhà hàng có lời chút đỉnh, đến năm 2000 thì đóng cửa. Khi tôi xông xáo ở hãng phim, vợ tôi lui về làm một người nội trợ, cùng chồng nuôi dạy con cái. Là một nghệ sĩ, cuộc đời lăn lóc quá nhiều, các con thấy đều hiểu nên lớn lên chúng không muốn làm nghệ sĩ. Con tôi đứa nào hát cũng hay nhưng không thích đi hát, có lẽ vì hai đứa thấm được sự hữu danh vô thực của cha mình. Nhưng với điện ảnh, hiện tại tôi chưa muốn dừng lại. Cảm ơn anh đã chia sẻ. Theo Mốt và Cuộc Sống

Nguồn TTOL: http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/vanhoa/461473/index.html