“Lắt léo” - tên gọi khác của siêu bão Haiyan

(PL&XH) - Theo lý giải của các chuyên gia khí tượng thủy văn, không phải là do công tác dự báo thiếu chính xác mà hướng di chuyển của cơn siêu bão này quá phức tạp, khó lường…

Siêu bão Haiyan đã chính thức kết thúc vào trưa hôm qua. Tiết trời hanh, hửng nắng, gió thổi nhẹ khiến người dân Hà Nội thở phào.

Trong bản tin dự báo phát đi hồi 13g ngày 11-11 cho biết, vị trí tâm bão ở vào khoảng 22,9 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 14, nên cuối chiều hôm qua, ở khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ còn có gió giật mạnh cấp 6 – 7, sau đó giảm nhanh.

Công tác chuẩn bị đối phó siêu bão của chúng ta đã làm rất tốt. Ảnh: TL

Như vậy, cơn siêu bão có đường đi cơ bản khác so với dự báo. Nhận định ban đầu khiến cả khúc ruột miền Trung phải “căng mình”, đó là “bão Haiyan sẽ đổ bộ trực tiếp vào các tỉnh miền Trung”, thế nhưng tới đêm 10-11 bão đã đột ngột chuyển hướng ra Bắc. Nhận định tiếp theo của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn rằng, bão sẽ đi vào các tỉnh ven biển Bắc Bộ, rồi đổ bộ vào đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội nằm trong tâm bão, gió giật có thể trên cấp 10,… cuối cùng thì Thủ đô chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, siêu bão chỉ lướt qua tỉnh Quảng Ninh rồi sang phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Lý giải về đường đi bất thường của siêu bão, ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho PV báo PL&XH biết: Việc dự báo bão rất khó khăn, đặc biệt là cơn siêu bão phức tạp như thế này rất hiếm xảy ra, trong lịch sử nhân loại.

Ông Tăng cũng cho biết, không chỉ dự báo của Việt Nam mà các nước khác cũng có những dự báo tương tự. Tất cả các đài dự báo đều tập trung ban đầu ở Trung Trung Bộ rồi dịch dần ra Bắc Trung Bộ rồi ra Bắc Bộ, có thời điểm khác biệt nhưng nhìn chung không khác biệt nhau quá nhiều. Đài khí tượng của Mỹ ngày 8-11 cho rằng bão vào Quảng Bình, rồi sáng 9-11 lại nhận định rằng bão xuống tỉnh Quảng Ngãi. Dự báo của Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 10-11 cho rằng, bão sẽ vòng qua vùng biển Bắc Bộ, có thể vào bờ Bắc Bộ, rồi mới sang Trung Quốc…

Theo ông Bùi Minh Tăng, rất khó tìm nguyên nhân vì sao bão số 14 lại thay đổi đường đi liên tục như vậy, cũng không hẳn là do biến đổi khí hậu. “Các hiện tượng thiên nhiên thường biến đổi muôn hình vạn trạng, khó nắm bắt. Theo quy luật thì về cuối năm, bão thường đổ bộ vào phía Nam, song không hẳn tất cả đều như vậy. Như cơn bão Sơn Tinh đổ bộ vào phía Bắc tháng 10-2012, và năm nay là bão Haiyan”, ông Tăng nói.

Thực tế, công tác chuẩn bị đối phó siêu bão của chúng ta đã làm rất tốt, được các nước đánh giá cao. Bão không vào miền Trung, rồi sau đó là Bắc Bộ với cường độ như dự báo là sự may mắn. Do sự chuẩn bị chu đáo, với sự tập trung cao của các cơ quan chức năng và người dân nên hậu quả của cơn bão đem lại cũng được giảm thiểu.

Hải Đăng - Hoàng Vượng

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2013111209442013p1001c1015/lat-leo-ten-goi-khac-cua-sieu-bao-haiyan.htm