Lập đội cấp cứu đột quỵ 24/24: Cần bước đột phá của ngành y tế

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi đọc các bài viết Lập đội cấp cứu đột quỵ 24/24 và bài “Báo động đỏ” cứu bệnh nhân nguy kịch đăng trên Thanh Niên ngày 25.2.

Cấp cứu bệnh nhân đột quỵ não tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Mở rộng quy trình “báo động đỏ”

Quy trình “báo động đỏ” mà một số bệnh viện đang áp dụng và tiếp tục cải tiến đã mang lại sức khỏe, cứu được mạng sống cho bao người. Mong sao quy trình báo động đỏ cũng được thiết lập ở nhiều tuyến bệnh viện khác nhau trong cả nước. Nếu không có quy trình này, một người bệnh nguy kịch được chuyển từ quê lên tỉnh với tuyến đường quá dài, mất thời gian thì khó lòng cấp cứu kịp thời.

Đào Thanh Phương (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Quá tuyệt vời!

Đọc các thông tin về việc lập đội cấp cứu đột quỵ 24/24 cũng như áp dụng quy trình “báo động đỏ” để cứu bệnh nhân bị đột quỵ, nguy kịch, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho bệnh nhân mà thấy vui quá! Y học ngày càng tiến bộ, ngành y tế trong nước ngày càng phát triển thì sức khỏe của người dân cũng được chăm lo tốt hơn. Với việc cấp cứu khẩn cấp người bệnh như vậy thì người dân sẽ rất yên tâm. Mong sao quy định của Bộ Y tế sớm được triển khai rộng khắp các tuyến bệnh viện trên địa bàn cả nước bởi đột quỵ, bệnh nguy kịch không hề chừa một ai.

Nguyễn Văn Thìn (H.Cần Giờ, TP.HCM)

Bớt di chứng, tàn tật

Cấp cứu kịp thời không chỉ đem lại cơ hội sống còn cho người bệnh mà còn giảm bớt di chứng, tàn tật. Thực tế cho thấy hiện có rất nhiều gia đình phải mang gánh nặng rất lớn vì có người thân bị bệnh này. Vì vậy, ý nghĩa của việc lập đội cấp cứu đột quỵ còn ở chỗ giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Căn bệnh này xảy đến rất đột ngột, do vậy việc cấp cứu kịp thời sẽ đem lại hy vọng sống cho nhiều người. Con số 100.000 người chết mỗi năm do loại bệnh này đưa ra trong bài báo cho thấy việc làm này rất cần thiết và có ý nghĩa.

Nguyễn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM)

Phản ứng nhanh rất cần thiết

Ý thức về bệnh tật sẽ giúp người bệnh chủ động có phản ứng nhanh. Tuy nhiên, nếu có đội cấp cứu đột quỵ sẵn sàng cứu chữa kịp thời sẽ giảm được sự mất mát. Mô hình đội y tế phản ứng nhanh kiểu này ở các nước đã áp dụng từ lâu, nay được tổ chức ở các tuyến y tế từ cơ sở sẽ giúp người dân được rất nhiều. Quy định bắt buộc của Bộ Y tế đối với các cơ sở y tế như vậy là rất đúng.

Ngọc Huy (H.Bình Chánh, TP.HCM)

Thành lập đội cấp cứu đột quỵ 24/24 là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là phải duy trì được hoạt động của đội này. Tuy số người đột quỵ ngày càng tăng nhưng không phải tập trung, rải rác nơi này nơi kia. Ngoài duy trì đội cấp cứu đột quỵ cũng cần nâng cao tay nghề cho những bác sĩ, điều dưỡng để có thể áp dụng các biện pháp y học tiến bộ, hiện đại trong cấp cứu bệnh nhân. Bùi Vũ Minh Trị (H.Dĩ An, Bình Dương)

Thành lập đội cấp cứu đột quỵ hay áp dụng quy trình “báo động đỏ” và các giải pháp khác để cấp cứu người bệnh là điều nên làm và làm thật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, người bệnh cũng đừng quá ỷ lại vào lực lượng này. Mỗi người phải biết phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cấp cứu là việc chẳng đặng đừng, nếu có ý thức tốt về rèn luyện, gìn giữ sức khỏe thì sẽ tránh được cảnh bệnh tật. Nguyễn Minh Sang (Q.5,TP.HCM)

An Phong - Duy Khang (thực hiện)

Ban CTBĐ (tổng hợp)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/doi-song/lap-doi-cap-cuu-dot-quy-2424-can-buoc-dot-pha-cua-nganh-y-te-795160.html