“Lập công lớn” và “hợp tác tích cực” đến đâu thì được miễn án tử?

“Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” sẽ không bị thi hành án tử hình là qui định của Bộ luật Hình sự vừa thông qua đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Vậy cùng với hoàn lại 3/4 tiền tham ô, hối lộ, người phạm tội “lập công lớn” và “hợp tác tích cực” đến đâu thì được miễn án tử?

Không tử hình nếu nộp lại 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ

Hồi tố các qui định có lợi cho người phạm tội

Theo Nghị quyết thi hành Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2015 thì tất cả các điều khoản của Bộ luật này được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ ngày 1-7-2016.

Về nguyên tắc, luật không có hồi tố, nhưng để thể hiện tính nhân đạo, các qui định có lợi cho người phạm tội (như xóa bỏ tội phạm, hình phạt, tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội) thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra từ trước ngày 1-7-2016 nhưng sau thời điểm này mới bị phát hiện; hoặc đang bị điều tra, truy tố, xét xử; hoặc đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Đồng thời, những qui định về tội phạm mới, hình phạt mới, hình phạt nặng hơn, tình tiết tăng nặng mới; hạn chế phạm vi miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác không có lợi cho người phạm tội, thì không áp dụng đối với những hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1-7-2016 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.

Đặc biệt, với người đã bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành án mà có đủ các điều kiện quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 (sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ (ba phần tư) tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn), thì không bị thi hành và Chánh án TAND TC chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân.

Hai bị án Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc có thể thoát án tử hình nhờ qui định mới của Bộ luật Hình sự. Ảnh minh họa

Thoát tội chết nhưng không nhiều cơ hội trở về cộng đồng!

Điều khiến dư luận đang quan tâm là liệu có bao nhiêu “quan tham” sẽ thoát án tử? Khi được tha tội chết, họ còn phải chấp hành bao nhiêu năm tù và phần trách nhiệm bồi thường được tính như thế nào, liệu ngân sách có thu được 3/4 số tiền thiệt hại trong những vụ đại án tham nhũng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng?

Theo luật, với những người bị phạt tù có thời hạn thì thời gian để họ được xét giảm án lần đầu là chấp hành được 1/3 hình phạt, với người bị kết án chung thân là chấp hành được 12 năm. Đây cũng là điều khá nhiều người đang nhầm lẫn, cho rằng khi được giảm án xuống chung thân, người phạm tội cũng chỉ cần chấp hành 12 năm tù là được xét giảm án, nếu cộng thêm việc lập được thành tích và ý thức cải tạo tốt thì họ cũng khá “rộng” đường về. Nhưng không phải vậy, với những người khi bị kết án tử hình vì tham ô, hối lộ mà đã trên 40 tuổi, thì dù khắc phục được 3/4 thiệt hại, có lập công lớn, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng đi chăng nữa cũng không nhiều cơ hội trở lại cộng đồng.

Bởi, không như người bị tuyên án chung thân, người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp Điều 40 khi giảm án xuống chung thân phải chấp hành được 25 năm tù mới bắt đầu được xét giảm án lần đầu. Chưa kể, dù họ có thành tích gì trong cải tạo đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 30 năm. Như vậy, với những trường hợp như của bị án Dương Chí Dũng, nếu khắc phục được 3/4 số tiền thiệt hại gây ra và đủ điều kiện giảm án xuống chung thân thì cũng phải 30 năm sau mới được trả tự do…

Có thu được 3/4 tài sản thiệt hại trong các “đại án”?

Trước khi kỳ họp thứ 10 diễn ra, thông tin thiệt hại nghìn tỷ đồng trong vụ án Vinashin không thu được đồng nào đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội và dư luận thêm bức xúc về tình trạng thu hồi tài sản tham nhũng hiện nay. Bởi vậy, nhiều người băn khoăn liệu qui định tha tội chết cho người phạm tội tham ô có là giải pháp hữu hiệu để thu hồi tài sản tham nhũng?

Đơn cử như vụ Vinashin, hai bị án Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (cùng bị tuyên án tử hình về tội Tham ô tài sản) sẽ khắc phục được bao nhiêu phần trăm giá trị thiệt hại của hàng nghìn tỷ đồng mà họ “góp phần” gây ra để đổi lấy cơ hội thoát tội chết? Theo bản án phúc thẩm, hai người này mỗi người phải bồi thường 110 tỷ đồng cho cả hai tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái. Tuy nhiên, thiệt hại lớn thuộc về tội Cố ý làm trái chứ không phải Tham ô tài sản. Theo Bộ luật Hình sự hiện hành, tham ô đến 500 triệu đồng đã có thể bị tội chết, nên cũng tương tự, trong nhiều vụ đại án, tuy số thiệt hại lớn, nhưng chủ yếu do các hành vi Thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Cố ý làm trái… gây ra, nên số tiền mà các bị cáo bị tuyên án tử hình phải nộp để có thể được thoát tội chết không nhiều.

Tại hội thảo “Hoàn thiện cơ chế xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng – Kinh nghiệm quốc tế và một số kiến nghị cho Việt Nam” do Ban Nội chính Trung ương phối hợp tổ chức mới đây, ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: “Thu hồi tài sản là một trong các mục tiêu lớn trong xử lý hành vi tham nhũng thì lại đạt mức rất thấp, trước 2013 đạt dưới 20%, năm 2014 đạt 23%”. Còn bà Sarah Dix, cố vấn chính sách của UNDP lại cung cấp một thông tin đáng quan tâm là “trong 20 quốc gia ít tham nhũng nhất, không quốc gia nào áp dụng án tử hình cho tội tham nhũng”! Như vậy, việc cho phép người phạm tội tham ô, nhận hối lộ tích cực khắc phục hậu quả sẽ được miễn tội chết sẽ khuyến khích họ và gia đình tích cực khắc phục hậu quả hơn, tuy nhiên, nếu buộc khắc phục trước khi tuyên án thì có thể số tài sản thu hồi được sẽ nhiều hơn vì càng kéo dài, càng dễ gây thất thoát!

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/phap-luat/lap-cong-lon-va-hop-tac-tich-cuc-den-dau-thi-duoc-mien-an-tu-102461