Lập biên bản khi phát hiện có sai phạm

Là một trong những nội dung được quy định tại 4 quy trình thanh tra an toàn thực phẩm được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành tại Quyết định số 4988.

Khi tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có sai phạm đến mức phải xử lý ngay thì trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn phải lập biên bản về việc sai phạm để làm cơ sở cho việc xử lý. Việc xử lý sai phạm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan. Khi phát hiện sai phạm có dấu hiệu tội phạm thì trưởng đoàn báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Trong trường hợp người ra quyết định thanh tra quyết định chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra thì trưởng đoàn chỉ đạo tập hợp hồ sơ, tài liệu để chuyển cơ quan điều tra. Việc bàn giao hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra phải được lập thành biên bản.

Việc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm thực hiện theo quy định về quan hệ phối hợp giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan thanh tra kiến nghị khởi tố.

Trước khi kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, trưởng đoàn thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để thống nhất các nội dung công việc cần thực hiện cho đến ngày dự kiến kết thúc thanh tra trực tiếp. Trưởng đoàn thông báo bằng văn bản về thời gian kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra và gửi cho đối tượng thanh tra biết hoặc có thể thông báo trực tiếp tại buổi làm việc với đối tượng thanh tra trước kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra.

Văn bản thông báo kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra thực hiện theo Mẫu số 32/TTr-ATTP ban hành kèm theo quyết định này. Trường hợp thông báo trực tiếp tại buổi làm việc với đối tượng thanh tra trước kết thúc thanh tra tại nơi được thanh tra thì nội dung thông báo được ghi tại phần cuối của biên bản thanh tra, biên bản kiểm tra, xác minh.

Kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra thực hiện khi thời hạn thanh tra đã hết hoặc thời hạn thanh tra chưa hết nhưng đã hoàn thành toàn bộ nội dung thanh tra theo kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt.

Chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc tiến hành thanh tra tại nơi được thanh tra, thành viên đoàn có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với trưởng đoàn thanh tra về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, khách quan, trung thực về nội dung báo cáo đó.

Căn cứ báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên đoàn thanh tra và kết quả nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, trưởng đoàn chủ trì xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của đoàn.

Người ra quyết định thanh tra trực tiếp nghiên cứu hoặc giao cho cơ quan, đơn vị chuyên môn giúp việc nghiên cứu, xem xét các nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra.

Trường hợp cần phải làm rõ hoặc cần phải bổ sung thêm nội dung trong báo cáo kết quả thanh tra, người ra quyết định thanh tra tổ chức họp đoàn thanh tra để nghe báo cáo trực tiếp hoặc có ý kiến chỉ đạo bằng văn bản, yêu cầu trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn thanh tra báo cáo.

Sau khi nhận được báo cáo kết quả thanh tra và báo cáo bổ sung (nếu có) của đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra chỉ đạo trưởng đoàn chủ trì xây dựng dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra. Nội dung dự thảo kết luận thanh tra chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 27 Nghị định số 07/2012.

Người ra quyết định thanh tra xem xét, xử lý báo cáo của trưởng đoàn, chỉ đạo trưởng đoàn thanh tra tiếp tục hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra trình người ra quyết định thanh tra ký ban hành. Kết luận thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được gửi cho đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Nghị định số 07/2012 và quy định khác có liên quan.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 39 Luật Thanh tra và Điều 46 Nghị định số 86/2011.

Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm giúp người ra quyết định thanh tra chuẩn bị nội dung để thực hiện việc công khai kết luận thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức họp đoàn thanh tra để tổng kết, rút kinh nghiệm về hoạt động của đoàn thanh tra. Nội dung họp đoàn thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Tổng Thanh tra Chính phủ, được lập thành biên bản và được lưu trong hồ sơ thanh tra.

Kết thúc việc tổng kết hoạt động của đoàn, trưởng đoàn phải báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định thanh tra và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì cuộc thanh tra.

B.B.Đ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/hoan-thien-the-che/lap-bien-ban-khi-phat-hien-co-sai-pham_t114c1160n112591