Lập bảo tàng nước mắm: Sợ nước ngoài bắt chước...

Đề xuất lập bảo tàng nước mắm là tốt, sáng tạo nhưng vấn đề làm thế nào cho hấp dẫn, sao cho thu hút du khách, tránh việc lãng phí.

Làm sao cho tới

Mới đây, Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc có đề xuất, nhà nước nên hỗ trợ xây dựng làng nghề cùng với bảo tàng nước mắm Phú Quốc để con cháu sau này có điều kiện duy trì và phát triển cái nghề truyền thống đã có hàng trăm năm ở địa phương. Bên cạnh đó, hỗ trợ phát triển du lịch cho địa phương trong thời gian tới.

Trước đề xuất trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 17/11, ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt cho biết: "Đây là một sáng kiến rất hay và khôn ngoan, bởi vì nước mắm không chỉ có ở Phú Quốc, nhưng nếu họ làm được thì sẽ dễ dàng trở thành trung tâm nước mắm của Việt Nam.

Có một điều rất khác, khách đến Phú Quốc đều có chương trình tham quan nhà thùng, nhưng khách đi Bình Thuận và một số tỉnh khác lại không có chương trình này. Bởi vì, ở Phú Quốc các làng nghề có một nét đặc trưng rất riêng, nước mắm nhưng lại rất sạch sẽ, thậm chí có mùi thơm, rất có thiện cảm.

Khi đến các làng nghề du khách được tham quan, kết hợp với việc mua sắm luôn các sản phẩm chính hiệu, không lo hàng giả, hàng trà trộn không đúng chất lượng.

Du khách tham quan khu làng làm mắm ở Phú Quốc

Nhân thời cơ này, Phú Quốc nên đẩy mạnh việc này lên, xác định nó như là điểm hấp dẫn của du lịch. Theo tôi biết Thái Lan cũng có du lịch kiểu làng chài, nhưng chưa có hình thức bảo tàng truyền thống".

Tuy nhiên, theo ông Mỹ, vấn đề ở đây là làm sao cho bài bản, đàng hoàng, có hiệu quả chứ không phải làm cho có, đề xuất dự án để lấy tiền. Cuối cùng xây dựng lên tốn kém nhưng không có người đến thì lúc đó là sự lãng phí ghê gớm.

Để có hiệu quả với mô hình trên, ông Mỹ phân tích: "Bảo tàng không thể là phòng trưng bày, bảo tàng hiện nay phải có mô hình, hình ảnh 3D, làm theo hình thức bảo tàng kiểu mới. Ở đó trưng bày tất cả các sản phẩm của Phú Quốc, đặc biệt là nước mắm.

Giới thiệu lịch sử của ngành nước mắm, quy trình và công thức sản xuất các dạng nước mắm. Phải làm sao để bảo tàng không đơn điệu, hấp dẫn được du khách bởi ý tưởng lạ.

Thế nhưng, từ ý tưởng đến hiện thực là một khoảng cách rất lớn, ý tưởng rất hay nhưng vấn đề thể hiện thế nào mới là quan trọng. Cứ nói tại sao các nước không có, chẳng qua là họ chưa nghĩ đến, biết đâu ta làm được họ lại bắt chước thì sao.

Bản thân các du khách hiện nay đến Phú Quốc rất tò mò về làng nghề truyền thống, làm được là tốt, chỉ sợ chúng ta làm không tới".

Theo Giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, hiện đã có Bảo tàng Cội Nguồn – Phú Quốc là một bảo tàng tư nhân hoạt động theo Luật Di sản Văn hóa, quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân do Bộ VHTT-DL ban hành.

Cấu trúc bảo tàng này bao gồm nhà trưng bày chính về cổ vật; nhà trưng bày mỹ nghệ gỗ lụa; nhà trưng bày tranh nghệ thuật, mỹ thuật về các loại ốc biển, tranh dân gian; ảnh thời sự về đất nước con người, kinh tế, văn hóa, xã hội huyện Phú Quốc qua các thời kỳ; khu quà lưu niệm, trưng bày sản phẩm ngọc trai.

Cho nên bảo tàng nước mắm phải có nét mới, phải có cách làm hấp dẫn hơn, để thu hút du khách.

Có nên lập bảo tàng nước mắm VN?

Cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Phạm Trung Lương - Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: "Việc làm một bảo tàng nước mắm nếu tốt sẽ hấp dẫn hơn một cơ sở sản xuất nước mắm hiện nay du khách đến tham quan ở Phú Quốc.

Bảo tàng sẽ cho du khách nhìn thấy được lịch sử phát triển nước mắm ở Phú Quốc, các công đoạn sản xuất ra sao. Nhưng vấn đề ở đây phải xem xét, nó đã đến mức cần phải thành lập một bảo tàng riêng hay chưa, tầm vóc của mắm Phú Quốc đã đủ làm bảo tàng hay chưa?.

Tôi nghi ngại vì tầm vóc nước mắm chỉ là một sản phẩm truyền thống của VN, nhưng không riêng Phú Quốc có, mà rất nhiều nơi có. Như vậy, tại sao chúng ta không làm bảo tàng các nước mắm của VN, trong đó nước mắm Phú Quốc chỉ là một phần trong đó, địa điểm đặt tại Phú Quốc".

Mặt khác, theo ông Lương, với nước mắm thì không chỉ có VN sử dụng, mà Thái Lan, Đông Nam Á, Trung Quốc đều có.

Nước mắm là nghề truyền thống của cả đất nước VN, nên nếu chỉ làm bảo tàng nước mắm Phú Quốc thì hơi cường điệu quá, nếu làm thì có thể là nước mắm VN đặt tại Phú Quốc.

Bởi vì, mỗi địa phương sẽ có phương thức sản xuất riêng, lịch sử riêng, nguyên liệu riêng. Như Phú Quốc nguyên liệu chính là cá cơm, còn nơi khác lại dùng cá mờm... Bảo tàng thì phải có hiện vật còn không có nghèo nàn thì không ai muốn đến.

"Hiện nay trên thế giới chưa nước nào làm bảo tàng về một món ăn truyền thống, Hàn Quốc có kim chi, Nhật Bản có Sushi, nhưng không nước nào làm, bởi vì, bảo tàng thì thường làm về góc độ rộng hơn, như bảo tàng lúc nước...Thực sự tôi rất nghi ngại, nếu chỉ riêng có mỗi nước mắm Phú Quốc thì sẽ vô cùng nghèo nàn", ông Lương phân tích.

Châu An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/lap-bao-tang-nuoc-mam-sang-tao-nhung-3323232/