Lào xây thủy điện Pak Beng: Có quá nóng vội?

Thêm một con đập thủy điện được Lào triển khai xây dựng trên dòng chính sông Mekong, nguồn nước về tới Việt Nam ngày càng khó lường.

Ủy hội Sông Mekong (MRC) hôm 12/1 đã tổ chức cuộc họp tại Vientiane và thông báo bắt đầu quy trình tiền tham vấn 6 tháng đối với dự án đập thủy điện Pak Beng, vốn được Lào chính thức trình lên Ban Thư ký MRC vào 2 tháng trước.

Trong cuộc họp này, Ủy hội sông Mekong đã lấy ngày 20/12/2016 làm ngày chính thức bắt đầu quy trình tiền tham vấn trong khi các báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án vẫn... chưa thấy đâu.

Bến tàu Pak Beng trên sông Mekong, đoạn ngang Lào hôm 16/10/2009.

Thông cáo của Tổ chức Sông ngòi quốc tế (International Rivers) bày tỏ sự thất vọng sau cuộc họp mới nhất của MRC và cho rằng quyết định bắt đầu quy trình tiền tham vấn đối với dự án Pak Beng là quá nóng vội, thậm chí “vô trách nhiệm”.

“Tài liệu liên quan đến dự án còn chưa được công bố trong khi quy trình đã bắt đầu nhiều tuần lễ. Thông tin liên quan đến dự án cần phải minh bạch hơn”, thông cáo có đoạn.

Tổ chức Sông ngòi quốc tế cho rằng những thiếu sót trong quá trình đưa ra quyết định và xây dựng hai con đập khác là Xayaburi và Don Sahong vẫn chưa được giải quyết. Theo tổ chức này, những lo ngại liên quan đến hai con đập này phải được đề cập trước khi tiến hành xem xét dự án thứ ba ở hạ nguồn sông Mekong.

Trước đó, ngày 24/12/2016, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Lào, ông Sommad Pholsena đã sang thăm Việt Nam và trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, mọi hoạt động xây dựng thủy điện trên dòng chính của sông Mekong sẽ tuân thủ quy định của Ủy hội sông Mekong quốc tế và pháp luật quốc tế, sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các quốc gia khác trong việc sử dụng có hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.

Theo dự án, đập Pak Beng được thiết kế nằm trên dòng chính sông Mê Kông thuộc vùng rừng núi phía bắc Lào và có tổng công suất 912MW, với khả năng xả nước gần 6 triệu m3/giây.

Theo chuyên san The Diplomat, người dân khu vực này sống chủ yếu nhờ vào canh tác ven sông, đánh bắt cá và nuôi gia cầm. International Rivers ước tính khoảng 6,700 người sẽ phải di dời và 25 làng ở Lào và hai làng ở Thái Lan dự báo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi con đập, chưa kể tác động đến hàng chục triệu người ở hạ lưu. Những báo cáo khoa học trước đó, bao gồm cả báo cáo về tác động môi trường do MRC tài trợ cho thấy việc xây dựng các con đập trên dòng sông Mekong sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn cá, lượng phù sa và dòng chảy của sông.

Nhiều chuyên gia môi trường đánh giá, việc xây dựng thêm đập Pak Beng sẽ có ảnh hưởng lớn đến vùng hạ lưu ở Lào, Thái Lan và Campuchia nhưng khu vực ĐBSCL của Việt Nam sẽ chịu tác động nặng nhất: Tình trạng ngăn cản sự di cư của các loài thủy sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến ĐBSCL như thay đổi dòng chảy và chu kỳ lũ cũng như giảm lượng phù sa và năng suất nông nghiệp.

Nhà máy thủy điện Pak Beng nằm cách thị trấn Bak Beng miền bắc Lào khoảng 7 km về phía thượng nguồn. Nhà máy có công suất dự tính là 912 kw. International Rivers ước tính khoảng 6,700 người sẽ phải di dời và 25 làng ở Lào và hai làng ở Thái Lan dự báo sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi con đập.

Trong một thông tin liên quan, dự án đập thủy điện Pak Beng không nhằm cung cấp điện cho Lào mà phần lớn sản lượng sẽ được Tập đoàn Electricity Generating Holding Public của Thái Lan liên doanh với đối tác Trung Quốc mua.

Công trường xây dựng đập Xayaburi.

Dự án thủy điện Xayaburi trước đó đã từng vấp phải nhiều ý kiến phản đối từ các tổ chức quốc tế, từ các chuyên gia quốc tế như giáo sư Newton Osborne ở tổ chức Sông ngòi Quốc tế.

Ở Việt Nam, Mekong River Network (Mạng lưới sông Mê Kông) cũng lên tiếng rằng đập thủy điện này có ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, cũng như sinh kế của hàng triệu người dân ở đồng bằng Sông Cửu Long.

Quá trình tham vấn ở cấp cao nhất là Hội đồng MRC nhưng vẫn không đạt được nhất trí chung. Tuy nhiên, quá trình tham vấn cũng đã buộc chủ đầu tư phải đầu tư thêm 400 triệu USD để thiết kế lại bậc thang di chuyển cho cá và điều tiết phù sa.

Lào vẫn cho biết dự án này được đặt mục tiêu hoàn tất xây dựng trong năm 2023 và chính thức phát điện thương mại vào năm 2024.

Quế Chi

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lao-xay-thuy-dien-pak-beng-co-qua-nong-voi-3327441/