Lào tham vấn việc xây dựng nhà máy thủy điện thứ 3

Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa nhận được văn bản của Chính phủ Lào chính thức tham vấn việc sẽ xây dựng nhà máy thủy điện Pak Beng.

Đó là thông tin từ Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC), ngày 8/11. Dự án thủy điện Pak Beng dự định xây trên dòng chính sông Mekong tại tỉnh Oudomxay, phía bắc nước Lào, dự án có công suất lắp đặt 912 MW với lưu lượng dòng xả theo thiết kế hơn 5.700m3/giây.

Đây là dự án thủy điện thứ ba trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào, sau thủy điện Xayaburi và Don Sahong.

Thông cáo cho biết Ủy ban sông Mekong Lào đã nộp cho Ban thư ký MRC một báo cáo mô tả chi tiết về quy hoạch thủy điện của Lào, trong đó có dự án thủy điện Pak Beng. Báo cáo này được Ban thư ký xem xét trong vòng một tháng và sẽ trình lên Ủy ban liên hợp MRC.

Lào sẽ nhận sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật của Ban Thư ký MRC, bản thân các nước thành viên sẽ xem xét các khía cạnh kỹ thuật của dự án, đánh giá tác động của dự án đối với môi trường và sinh kế tới cộng đồng ven sông và đề xuất các biện pháp để giải quyết.

Việc tham vấn trước là thủ tục bắt buộc đối với các quốc gia trong lưu vực khi thực hiện các dự án trên dòng chính sông Mekong. Quá trình tham vấn có thể kéo dài đến 6 tháng hoặc hơn, trước khi tiến hành thỏa thuận các điều kiện bắt buộc đối với từng dự án.

Đập thủy điện Xayaburi của Lào. Ảnh TTO

Trước đó, 2 dự án thủy điện Xayaburi và Don Sahong của Lào, nằm trên dòng chính sông Mekong cũng đã được trình lên Hội đồng MRC, nhưng vấp phải phản đối kịch liệt của các nước và quá trình tham vấn vẫn không đạt được nhất trí chung.

Riêng với đập Xayaburi, quá trình tham vấn cũng đã buộc chủ đầu tư phải đầu tư thêm 400 triệu USD để thiết kế lại bậc thang di chuyển cho cá và điều tiết phù sa.

Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) cho biết: "Chúng tôi đã có được bài học từ hai trường hợp trước đó, hiện nay Ban thư ký đã sẵn sàng để hỗ trợ các nước thành viên xem xét dự án, đánh giá các khía cạnh kỹ thuật và đi đến kết luận một cách toàn diện và có ý nghĩa nhất".

MRC cùng với Ủy ban sông Mê Kông quốc gia sẽ tạo điều kiện cho quá trình tham vấn quốc gia và khu vực để lấy ý kiến của công chúng về dự án này.

Về mối nguy hại của những dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong, trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, "trong tương lai dòng Mekong sẽ chết", bởi điều nguy hiểm nhất khi các nước xây dựng thủy điện, đó là vào mùa kiệt, các nước có thủy điện sẽ tích nước lại để vận hành thủy điện trong khi quốc gia ở dưới hạ lưu sông Mekong như Việt Nam lại cần xả.

Hiện nay, lưu lượng dòng chảy ở ĐBSCL khoảng 6.000m3/s, đó là dòng chảy sinh thái, rửa trôi tất cả những chất độc, đẩy mặn ra biển. Thế nhưng, sau này, khi Lào làm xong thủy điện, đến mùa kiệt sẽ chỉ còn vài trăm m3/s, coi như sông Mekong thành dòng sông chết, trong khi lưu lượng tối thiểu chúng ta cần ở là 2.000m3/s.

Trong khi, TS Dương Văn Ni, khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ) nhấn mạnh: "Ủy hội sông Mekong chỉ là ủy hội nhằm hỗ trợ các nước trong lưu vực hiểu nhau, giúp đỡ nhau trong việc cùng sử dụng dòng Mekong. Nói cách khác, Ủy hội giống như bên trung gian giúp cho các nước sử dụng dòng Mekong một cách bền vững chứ không có cơ sở ràng buộc pháp lý nào.

Nếu 11 thủy điện được xây dựng trên dòng chính Mekong cộng với biến đổi khí hậu thì dòng sông Mekong nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ "gặp đại nạn".

Nói rõ hơn, GS Vũ Trọng Hồng cũng nhấn mạnh: "Ủy hội sông Mekong không có thẩm quyền về mặt pháp lý để chống lại việc xây dựng thủy điện của một nước thành viên. Thay vào đó, Ủy hội chỉ có tính chất là một tổ chức quốc tế, nơi các nước tự cam kết ngồi với nhau để cùng chia sẻ, sử dụng dòng Mekong, hỗ trợ nhau về thông tin, kinh nghiệm sử dụng dòng sông".

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/lao-tham-van-viec-xay-dung-nha-may-thuy-dien-thu-3-3322594/