Lão Khoa vào chùa

Nói “Lão Khoa vào chùa”, bạn đọc khả kính lại tưởng lão đã “xuống tóc”, theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nghiên cứu Kinh sách, ăn chay niệm Phật.

Nói “Lão Khoa vào chùa”, bạn đọc khả kính lại tưởng lão đã “xuống tóc”, theo Phật Hoàng Trần Nhân Tông, nghiên cứu Kinh sách, ăn chay niệm Phật. Nhưng không. Người lão hôi hám lắm, mặt mũi lại u ám, đầy tà khí của cõi ta bà. Người như thế phải tu luyện đến mấy kiếp may ra mới theo chân Phật được. Lão vào chùa, cũng như nhiều bà con người Việt, đi lễ chùa rồi vãn cảnh chùa. Đơn giản thế thôi.

Chả là cách đây ít lâu, lão nhận được một cuộc gọi từ chùa An Đức, xã Quang Phiệt, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương. Sư thầy Thích Quảng Khiết bảo: “Nhà chùa đang tổ chức một khóa tu mùa hè cho các cháu học sinh, sinh viên, muốn mời nhà thơ nói chuyện với các cháu về lý tưởng sống!”. Dù rất bận việc, nhưng tôi vẫn nhận lời ngay. Tôi thấy đây là một việc làm hay và rất hữu ích.

Ở xã hội ta hiện nay, có ba căn nhà rất quan trọng, mà không thể thiếu. Đó là nhà trường, nhà chùa và nhà thương. Có người bảo tôi: “Thế còn nhà thờ nữa chứ. Nhà thờ mà không quan trọng ư?”. Vâng! Rất quan trọng. Ở Việt Nam, Nhà nước luôn tạo điều kiện cho mọi tôn giáo cùng bình đẳng phát triển, miễn các con chiên thành tâm kính Chúa, yêu nước. Nhà nước còn có cả một cơ quan đặc biệt, chăm lo cho công tác này. Đó là Ban Tôn giáo Chính phủ. Nhiều nhà chùa, nhà thờ được xây dựng rất kỳ vĩ. Đó thực sự là những công trình văn hóa tráng lệ của đất nước. Nhưng ở đây, tôi chỉ xin được nói đến nhà chùa. Thi sĩ Nguyễn Bính từng tự hào: “Quê tôi có gió bốn mùa - Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm”. Ta còn có thể dẫn ra hàng trăm, thậm chí hàng ngàn câu thơ, câu ca dao, ngạn ngữ về chùa. Trong đó có không ít những câu rất đặc sắc. Điều đó chứng tỏ, ngôi chùa đã đi vào tiềm thức, thành giá trị tinh thần của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Bởi thế, tôi mới bảo, ở Việt Nam, có ba ngôi nhà rất quan trọng là nhà trường, nhà chùa và nhà thương. Nhà trường cung cấp cho con người những kiến thức cơ bản. Nhà chùa hướng con người tới cõi thiện. Còn nhà thương chữa bệnh cho con người. Không phải ngẫu nhiên, các cụ gọi bệnh viện là nhà thương. Chữa bệnh bằng tình thương thì cũng sẽ khác. Bác Hồ dặn Lương y như từ mẫu. Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là người mẹ hiền. Vì thế, chúng ta mong ba căn nhà đó lúc nào cũng phải tốt nhất và trong sạch nhất.

Chùa tổ chức khóa tu cho các em, thực chất là tổ chức một kỳ học hè nhằm hướng các em tới cõi thiện, làm việc thiện... (ảnh minh họa).

Chùa An Đức tổ chức khóa tu mùa hè cho học sinh, sinh viên. Sư thầy Thích Quảng Khiết bảo chúng tôi báo địa điểm để nhà chùa thuê xe lên đón. Nhưng chúng tôi tự tìm xe về, xe của nhà báo Hoàng Anh Sướng, để nhà chùa không phải mất kinh phí. Và chúng tôi cũng sẽ công đức, giảng miễn phí cho các em.

Chùa tổ chức khóa tu cho các em, thực chất là tổ chức một kỳ học hè, nhìn qua con mắt của người theo Đạo Phật. Tu không phải là xui các em xuống tóc, mà chỉ hướng các em tới cõi thiện, làm việc thiện, để tránh những cảnh bạo hành, đánh nhau rồi quay video tung lên mạng rất đau lòng như ở bao nhiêu nơi đã diễn ra vừa qua. Càng ngày, những cảnh bạo hành như thế diễn ra càng tàn bạo. Đánh lộn nhau, tàn sát nhau đến mất hết cả tính người, không phải chỉ diễn ra trong các em trai, mà còn xảy ra giữa các em gái với nhau. Theo dõi nhiều vụ việc mà đau lòng. Toàn đòn hội chợ. Nhiều em đánh một em. Vừa đánh vừa chửi tục. Rất tàn nhẫn và ghê rợn. Đã thế lại còn quay video tung lên mạng cho cả thế giới chiêm ngưỡng, mà quay rất tinh vi. Tất cả những kẻ thủ ác đều được giấu mặt, chỉ quay từ cổ trở xuống, nên công an có vào cuộc cũng không dễ phát hiện. Chưa bao giờ đạo đức học đường xuống cấp như hiện nay. Tất nhiên, những vấn đề nổi cộm trong đời sống học sinh, sinh viên không phải chỉ có chuyện bạo hành. Làm sao có thể giúp các em đứng vững trước bao nhiêu cám dỗ, sóng gió? Nếu các em tốt nghiệp phổ thông, đỗ ngay được đại học thì tốt quá, nhưng nếu không đỗ đại học thì sao? Do áp lực của gia đình, dòng họ, và cũng do cả tính sĩ diện rất vớ vẩn nữa, có em đã từng tự tử. Đấy là điều vô cùng dại dột. Đại học cũng chỉ là một cánh cửa thôi. Nếu các em sơ sẩy, chậm chân, cánh cửa ấy có thể sẽ tạm khép lại trước mặt các em. Nhưng một cánh cửa khép, sẽ có muôn vàn cánh cửa khác mở ra. Có điều, các em có đủ bản lĩnh, tỉnh táo để nhận ra các cánh cửa đó không? Đâu phải cứ qua đại học mới có sự nghiệp lớn. Ông Bill Gates có qua đại học đâu mà vẫn thành người giàu nhất thế giới, tài vào bậc nhất thế giới. Ở ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành vị tướng lừng danh mà có qua trường đào tạo quân sự nào đâu. Kém cỏi đến như tôi mà tôi cũng làm được rất nhiều việc, khi vẫn còn là một cậu học trò nhà quê chân đất mắt toét. Tôi còn làm được thì không ai không làm được cả. Vấn đề là tự học, tự đào tạo. Ngay cả đến các giáo sư tiến sĩ nếu không tự học, tự cập nhật tri thức, thì sự hiểu biết cũng chỉ loanh quanh như một vũng ao tù và rồi cũng sẽ chẳng làm được một việc gì hết. Ngoài việc truyền cho các em niềm tin vào cuộc sống, và đặc biệt là tin vào chính mình, tôi tin các nhà chùa chân chính cũng không bao giờ hướng con người vào cõi mê tín, ngu muội, mà hướng đến Phật, mà điều quan trọng là tự biến mình thành Phật để giải thoát cho mình khi có những bế tắc. Thiền sư Thích Nhất Hạnh là thế. Các chân sư khác cũng thế.

Đón chúng tôi là sư thầy Thích Quảng Khiết và các cán bộ địa phương: Trưởng thôn Nguyễn Đức Bắc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Nguyễn Đức Cường. Cán bộ ở đây đều là lính. Có người nhập ngũ cùng tôi khi còn đang học dở phổ thông. Có người từng vào sinh ra tử. Tôi tỏ ra ngạc nhiên khi một ngôi chùa rất nhỏ mà tổ chức được một lớp học rất bài bản, quy củ. Bí thư Đảng ủy cười: “Chúng tôi tổ chức khóa này là khóa thứ tư rồi. Năm nay các cháu tham gia đông nhất”. “Đây là ý Đảng, lòng dân, nhà chùa tổ chức thực hiện - Sư thầy Thích Quảng Khiết tiếp lời. Năm thứ nhất, có 150 cháu tham gia. Năm sau 250 cháu. Năm nay hơn 500 cháu đăng ký dự khóa tu. Nhà chùa chỉ phục vụ được 250 cháu. Trước yêu cầu, nguyện vọng của các bậc phụ huynh, đặc biệt là các cháu ở rất xa, như Thái Bình, Tuyên Quang, Hải Phòng, Bắc Kạn..., nhà chùa cố gắng lắm cũng chỉ nới ra đến 350 cháu. Các cháu học, ăn nghỉ hoàn toàn miễn phí. Còn các gia đình hay ai đó công đức thì tùy tâm. Để phục vụ tốt cho các cháu học tập, đặc biệt là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các cháu, nhà chùa mời thêm các sư cô ở các chùa Nam Định, Thái Bình đến trợ giúp cùng các cháu sinh viên tình nguyện...”.

Xem lịch trình khóa học của các cháu, tôi thấy rất phong phú và sinh động. Ngoài việc tập thiền, tập thở, hướng tới cõi thiện, các cháu còn được tiếp xúc, giao lưu với nhiều học giả, nhiều nhà văn hóa nổi tiếng, như các nhà sư phạm, các tiến sĩ tâm lý học, rồi những nhà hoạt động xã hội, như tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, thần đồng Đỗ Nhật Nam. Các cháu sẽ được tư vấn về học tập, về đời sống. Đỗ Nhật Nam dạy các cháu tiếng Anh, rồi kỹ năng giao tiếp, kỹ năng khai thác thông tin.

Tôi đã từng có rất nhiều buổi nói chuyện với các em học sinh phổ thông ở khắp mọi nơi trong nước và cả cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhưng chưa có cuộc tiếp xúc nào để lại cho tôi ấn tượng như thế. 350 em ở nhiều lứa tuổi khác nhau, từ lớp một, lớp hai cho đến lớp mười một, mười hai, nhưng đều giống nhau ở sự ham học và hướng thiện. Nhiều câu hỏi các em đưa ra rất thú vị, cho thấy các em quan tâm đến nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có cả những vấn đề lớn.

Đây là một mô hình hay. Một việc làm hay. Nếu ngôi chùa nào, địa phương nào cũng làm được như vậy, tôi tin cuộc sống của các em sẽ rất trong lành. Và rồi bằng những việc làm tốt đẹp đó, chúng ta hy vọng sẽ đẩy lùi được cái ác...

Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/lao-khoa-vao-chua-n130422.html