Lao động ngành điện tử đối mặt bệnh tật

Điện tử là 1 trong 10 ngành xuất khẩu lớn nhất hiện nay của Việt Nam, chiếm tới 30% giá trị sản phẩm xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, hiện có khoảng hơn nửa triệu lao động làm việc trong ngành này đang đối mặt với những nguy cơ về việc bị vi phạm quyền lao động, mất an toàn lao động, nguy cơ bị nhiều loại bệnh, nhất là ung thư...

Tăng ca triệt để

Khảo sát bước đầu của Thanh tra Bộ LĐTBXH tại một số doanh nghiệp (DN) ngành điện tử cho thấy, đa phần các DN điện tử đều có những sai phạm trong việc huy động lao động làm thêm giờ. Hiện các lao động ngành này có mức lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng một chút (từ 3,5 – 4,5 triệu đồng/tháng), nhưng do làm thêm giờ nhiều nên tiền lương thực nhận có thể trên 9 triệu đồng/người/tháng.

Lao động lắp ráp thiết bị điện tử tại một công ty ở Khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: V.T

Theo ghi nhận của đoàn thanh tra, ngoài việc sai phạm trong việc huy động làm tăng giờ thì vấn đề vệ sinh môi trường làm việc, sóng điện từ, quạt thông gió, khói hàn, tư thế ngồi nhiều, hóa chất, chất tẩy rửa… cũng làm cho công nhân làm việc trong các DN điện tử dễ mắc bệnh nghề nghiệp, thậm chí là dễ mắc bệnh ung thư hơn”.

Ông Nguyễn Tiến Tùng

Khảo sát tại 17 DN thì có 2 DN huy động lao động làm thêm hơn 100 giờ/tháng, 2 DN huy động lao động làm thêm 60 giờ/tháng và 1 DN huy động làm thêm 50 giờ/tháng ( pháp luật quy định chỉ cho DN huy động tối đa là 200-300 giờ/năm).

Ông Yoshitomi Kurokawa – Giám đốc Công ty TNHH KATOLEC Việt Nam (Khu công nghiệp Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) cho rằng: “DN chúng tôi là DN nước ngoài nhưng luôn tuân thủ pháp luật Việt Nam. Trong quá trình thực hiện có thể vẫn còn thiếu sót, nhưng nếu được các đoàn thanh tra chỉ ra, chúng tôi có thể hoàn thiện để làm tốt hơn”.

Theo thanh tra Bộ LĐTBXH, những vi phạm về thời gian làm thêm giờ khá phổ biến ở DN điện tử. Tuy nhiên, do cách tính lương cao, hoặc duy trì chế độ chuyên cần nên 100% lao động vẫn chấp nhận tăng ca. Chị Nguyễn Thị Tươi - công nhân Công ty TNHH KATOLEC Việt Nam cho biết, công ty vẫn luôn quan tâm tới việc bảo hộ lao động: “Công nhân được phát quần áo, mũ, khẩu trang chống bụi. Ngoài ra lao động còn được hướng dẫn cách làm việc, sử dụng máy móc an toàn. Tuy vậy, cũng còn nhiều vấn đề mà các lao động lo lắng như thời gian làm thêm quá nhiều và liên tục phải làm việc trong môi trường tiếng ồn cao”.

Có nguy cơ công nhân mắc ung thư

Trên cơ sở những khảo sát trước đó, năm nay Thanh tra Lao động quyết định tiến hành thanh tra DN trong ngành điện tử ở cả 3 miền. Chiến dịch thanh tra bắt đầu từ tháng 4 hết tháng 12.2017.

Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH cho biết, nội dung thanh tra tập trung vào ký kết và thực hiện hợp đồng lao động; đối thoại, thương lượng, thỏa ước lao động tập thể; thời giờ làm việc, làm thêm giờ; tiền lương; bảo hiểm xã hội; an toàn vệ sinh lao động. “Theo quan niệm của nhiều người, ngành điện tử lâu nay vẫn được xem là ngành công nghiệp ít nguy cơ, hay còn gọi là ngành “công nghiệp sạch”, do đó cần nhiều thời gian để thay đổi nhận thức của mọi người, giúp người lao động và người sử dụng lao động nhận thức được nguy cơ rủi ro về ngành điện tử” - ông Nguyễn Tiến Tùng nhấn mạnh.

Trong thực tế, qua khảo sát trước đó cho thấy, các DN có sử dụng chất tẩy có cồn, chất tẩy ăn mòn, pha loãng, axit sulfuric... Nhưng chỉ có một số DN thông tin về các trường hợp ốm đau, thương tật do tiếp xúc với hóa chất. Nhiều DN mặc dù có thuê các bệnh viện khám bệnh định kỳ cho lao động, nhưng hoạt động này còn qua loa, chưa hiệu quả.

"Các vấn đề về an toàn lao động trong ngành điện tử có thể dẫn tới ung thư và các bệnh về tim do tiếp xúc với hóa chất, các yếu tố phóng xạ, sóng điện từ... Nhưng đây mới là suy luận, chưa có số liệu chứng minh, dù nhiễm độc chì và bệnh nghề nghiệp là có" - ông Tùng nói.

Phủ nhận những lo ngại về việc DN sẽ tìm cách lẩn trốn, hoặc che giấu việc dùng những hóa chất độc hại trong sản suất, ông Tùng cũng khẳng định, đoàn thanh tra hoàn toàn có nghiệp vụ để phát hiện.

Ông Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho rằng, lĩnh vực sản xuất, lắp ráp điện tử mới phát triển mạnh 5-7 năm gần đây, nên các lao động dù mắc bệnh vẫn chưa có nhiều biểu hiện. “Nguy cơ ung thư đối với lao động làm trong ngành điện tử là có, nên nếu không đưa ra khuyến cáo có thể sẽ mất kiểm soát trong tương lai. Theo tôi, sau đợt thanh tra cần có những xử lý nghiêm với trường hợp vi phạm, đồng thời hỗ trợ để DN có biện pháp bảo hộ, đảm bảo an toàn cho người lao động” – ông Chính nói.

Minh Nguyệt

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/lao-dong-nganh-dien-tu-doi-mat-benh-tat-763838.html