Lào Cai: Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá, bình quân trên 6%/năm. Góp phần vào mức tăng trưởng này là nhờ sự ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa địa lan tại Sa Pa đang cho thu nhập cao. Ảnh: TQ

Cty TNHH Anh Nguyên là một trong những doanh nghiệp (DN) tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Bắc Hà. Giám đốc Vũ Kim Hải cho hay, Cty đã đầu tư hơn 35 tỷ đồng để xây dựng trang trại nuôi lợn sạch, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như chuồng trại được lắp tấm nhựa thông minh (mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông), máng điều phối thức ăn tự động, công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi làm phân bón hữu cơ để trồng rau, cây tinh bột, sau đó quay trở lại làm thức ăn chăn nuôi. Bên cạnh đó, Cty còn đầu tư trồng rau trong nhà kính trên diện tích 2.500m2, có hệ thống tưới nước thủy canh tự động và chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Việc ứng dụng công nghệ cao vào trồng rau và chăn nuôi đã thu được kết quả khả quan, giúp Cty không ngừng tăng trưởng vì sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó.

Mô hình trồng hoa ly của gia đình ông Nguyễn Nhân Thuận ở thị trấn Sa Pa đã đem lại hiệu quả khích lệ. Toàn bộ diện tích trồng hoa của ông Thuận được che bằng nhà vòm. Tổng chi phí ban đầu để đầu tư hạ tầng và mua giống nhập ngoại lên tới 11 tỷ đồng. Ngay từ vụ hoa đầu tiên, ông Thuận đã thu về 15 tỷ đồng, trừ hết chi phí, còn lãi 4 tỷ đồng.

Anh Lê Văn Vi - thị trấn Sa Pa, một trong những tỷ phú trẻ đi lên từ nghề trồng địa lan cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào trồng hoa địa lan, nên trong những năm gần đây, kinh tế của nhà anh tăng đáng kể. Theo anh Vi, mỗi năm trừ các chi phí và vốn đầu tư cho vụ sau, gia đình anh có thu nhập trên dưới 2 tỷ đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều dự án, mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Điển hình như việc phối hợp với tỉnh Lâm Đồng xây dựng một số mô hình điểm sử dụng các loại giống rau, hoa có năng suất, chất lượng cao tại hai huyện Sa Pa và Bắc Hà. Phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh thử nghiệm mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel… Các dự án, mô hình này đã đạt hiệu quả cao và đang được nhân rộng.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai, tính đến tháng 9/2016, toàn tỉnh có gần 529ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 1.158ha sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nâng cao trình độ sản xuất của nông dân, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nâng cao giá trị sản xuất. Giá trị sản xuất/ha bình quân đạt trên 100 triệu đồng/năm.

Một số diện tích cho giá trị cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất truyền thống như: Hoa ly đạt trên 3 tỷ đồng/ha/năm, hoa hồng đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm; rau ôn đới trái vụ đạt 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; cây dược liệu đạt 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; cây ăn quả ôn đới đạt 300 - 400 triệu đồng/ha/năm…

Vụ Xuân năm 2016, tỉnh thực hiện sản xuất lúa cánh đồng một giống với diện tích trên 1.300 ha cho năng suất bình quân đạt 73,2 tạ/ha (cao hơn so với bình quân của tỉnh là 16,3 tạ/ha), giá trị tăng thêm đạt trên 13 triệu đồng/ha. Ngô trồng mật độ dày với diện tích 560 ha, năng suất đạt 70 tạ/ha (cao hơn so với năng suất bình quân chung toàn tỉnh 33,7 tạ/ha), giá trị tăng 15 - 16 triệu đồng/ha, cá biệt có diện tích tăng trên 20 triệu đồng/ha.

Chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tăng chất lượng, hình thành các vùng tập trung, theo mô hình trang trại, chăn nuôi công nghiệp, sử dụng giống tốt, đảm bảo an toàn dịch bệnh... Trong lĩnh vực thủy sản, đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là trong khâu sản xuất giống. Nhiều địa phương đã rất tích cực, chủ động phối hợp với ngành Nông nghiệp tổ chức triển khai, liên kết với các doanh nghiệp tổ chức sản xuất; bước đầu đã có kết quả tốt, dự kiến sẽ nhân rộng mô hình trong năm 2017.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát huy những kết quả đã đạt được, trong giai đoạn 2016 - 2020, Lào Cai xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một nhiệm vụ quan trọng trong Đề án Tái cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020. Lào Cai đã dành nguồn vốn gần 192 tỷ đồng để thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu đưa giá trị bình quân sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 150 triệu đồng/ha đất canh tác/năm. Theo đó, tỉnh Lào Cai sẽ có 6 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được quy hoạch ở các huyện Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên, Bảo Thắng, Mường Khương, Sa Pa, Văn Bàn và thành phố Lào Cai.

Trần Quý

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/kinh-te/lao-dong-viec-lam/lao-cai-hieu-qua-tu-ung-dung-cong-nghe-cao-vao-san-xuat-nong-nghiep_t114c7n109907