Lãnh đạo tỉnh Bình Định đề nghị truy tố công ty đóng tàu vỏ thép 'dỏm'

Chiều 26.6, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì buổi họp để nghe báo cáo kết quả thẩm định tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67/2014 NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn.

Tàu vỏ thép do Công ty Đại Nguyên Dương đóng bị rỉ sét nghiêm trọng sau 1 năm bàn giao - Ảnh: Hoàng Trọng

Tại cuộc họp này, tuy được mời nhưng trong 2 công ty đóng tàu vỏ thép chỉ có lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) có mặt, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) vẫn tiếp tục vắng mặt không rõ lý do.

Đề nghị ký cam kết sửa chữa tàu

Khởi đầu cuộc họp, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, Tổ trưởng Tổ thẩm định tàu cá vỏ thép, đã báo cáo kết quả làm việc của Tổ thẩm định. Ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu và đại diện các sở, ngành, các ngư dân… đều thống nhất với kết quả thẩm định.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, đề nghị lãnh đạo tỉnh Bình Định và các đơn vị ngân hàng xem xét hỗ trợ về lãi suất, giãn nợ vốn vay cho các chủ tàu có tàu vỏ thép bị hư hỏng, không ra khơi đánh bắt được và đề nghị công ty đóng tàu hỗ trợ kinh phí trong thời gian tàu nằm bờ.

Rất đông đại diện các sở, ngành, lãnh đạo chính quyền và ngư dân tham gia cuộc họp - Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Trần Văn Hương, Phó chủ tịch UBND huyện Phù Cát đề nghị cơ sở đóng tàu nhanh chóng sửa chữa, thay máy mới để ngư dân ra khơi vì ngư dân đang rất khó khăn và yêu cầu 2 công ty đóng tàu nhận tiền thiết kế phí thì phải trả lại cho chủ tàu vì theo Nghị định 67 các chi phí mẫu thiết kế tàu đều do Bộ NN-PTNT hỗ trợ. Trong khi đó, lãnh đạo TP.Quy Nhơn yêu cầu trả lại 2 sổ đỏ cho ngư dân Trần Văn Hạo và Trương Hoài Khánh (cùng ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn), đang bị Vietcombank Quy Nhơn giữ.

Ông Nguyễn Hữu Hào, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Định, đề nghị phải làm bản cam kết cụ thể về việc sửa chữa tàu vỏ thép giữa các đơn vị đóng tàu và chủ tàu.

Ông Hào phát biểu tại buổi họp - Ảnh: Hoàng Trọng

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, sáng 26.6, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã có văn bản gửi đơn vị này về việc chuẩn bị 11 máy mới Mitsubishi để thay thế cho ngư dân và đề nghị Sở NN-PTNT làm cầu nối trung gian giữa các bên. “Đề nghị UBND tỉnh Bình Định cho phép Sở NN-PTNT thành lập Tổ giám định độc lập để giám định máy móc mới của Công ty Nam Triệu trước khi lắp vào tàu vỏ thép của ngư dân. Ngoài ra, trong quá trình các đơn vị sửa chữa lại tàu vỏ thép cho ngư dân cũng cần phải thành lập Tổ tư vấn giám sát độc lập để giúp chủ tàu giám sát việc sửa chữa, bàn giao tàu”, ông Hổ nói.

Ông Hổ cũng đề nghị UBND các huyện, thành phố thống kê lại các thiệt hại của chủ tàu do tàu vỏ thép nằm bờ, không ra khơi đánh bắt được để yêu cầu đơn vị đóng tàu bồi thường.

Phải thực hiện đúng hợp đồng

Ông Trần Châu đồng ý với các kiến nghị nói trên. Ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Định có phương án đề xuất UBND tỉnh, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét hỗ trợ giãn nợ cho các ngư dân vì lỗi không chậm trả nợ vốn vay không phải do ngư dân gây ra. Ngoài ra, ông Châu cũng yêu cầu Vietcombank Quy Nhơn trả lại sổ đỏ cho 2 ngư dân nói trên, yêu cầu các công ty đóng tàu trả lại tiền phí thiết kế mẫu tàu đã thu của ngư dân trái quy định…

“Tôi đề nghị 2 đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương sớm sữa chữa lại tàu vỏ thép cho ngư dân ra khơi đánh bắt. Phải hoàn thành xong việc sửa chữa tàu ngay trong tháng 7 này. Tôi đề nghị sau cuộc họp này, 2 công ty đóng tàu phải ngồi lại với các ngư dân để thảo luận, thống kê chi tiết từng phần của con tàu bị hư hỏng, cần sửa chữa. Việc này phải tiến hành ngay trong ngày mai 27.6”, ông Châu nói.

Ông Trần Châu phát biểu chỉ đạo - Ảnh: Hoàng Trọng

Chủ tàu BĐ 99004 TS Nguyễn Văn Lý cho biết sẵn sàng kiện Công ty Đại Nguyên Dương - Ảnh: Hoàng Trọng

Ông Châu yêu cầu việc sửa chữa tàu phải theo đúng hợp đồng mà các đơn vị đóng tàu đã ký với ngư dân, phải sửa chữa để tàu mới 100%, không thể sửa chữa sơ bộ để ngư dân hoạt động. Nếu thân, vỏ tàu sơn không đúng, bị rỉ sét phải tháo ra đánh rỉ, sơn lại đúng quy trình. Nếu đoạn nào thép không đúng chất lượng, không đúng hợp đồng thì phải dứt khoát tháo ra thay lại. Đối với máy chính, máy phụ, ngư lưới cụ… lắp không đúng chủng loại thì phải tháo ra thay thế đúng chủng loại hợp đồng, phải mới nguyên đai nguyên kiện.

Theo ông Trần Châu, trong thời gian qua, Công ty TNHH MTV Nam Triệu có phần tích cực trong việc khắc phục sửa chữa đối với các tàu vỏ thép bị hư hỏng, còn Công ty TNHH Đại Nguyên Dương hầu như không thực hiện việc sửa chữa tàu cho ngư dân, không hợp tác với Sở NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Định trong việc khắc phục sự cố tàu vỏ thép. Ông Châu yêu cầu Công an tỉnh Bình Định nắm bắt thông tin Công ty TNHH Đại Nguyên Dương báo cáo cho UBND tỉnh.

“Tôi chính thức yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện vận động ngư dân đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương khởi kiện công ty trong ngày mai vì vỏ thép không đúng hợp đồng, các thiết bị máy móc đã hư hỏng. Công an tỉnh lập ngay hồ sơ báo cáo Bộ Công an để truy tố Công ty TNHH Đại Nguyên Dương”, ông Châu khẳng định.

Hoàng Trọng

Hoàng Trọng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/lanh-dao-tinh-binh-dinh-de-nghi-truy-to-cong-ty-dong-tau-vo-thep-dom-849353.html