Lãnh đạo thành phố lắng nghe tâm tư, nguyện vọng công nhân

Sáng nay, ngày 19/5/2017, đúng kỷ niệm 127 năm ngày sinh nhật Bác, tại hội trường Công ty TNHH YAMAHA Việt Nam (KCN Nội Bài, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), UBND và LĐLĐ Thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức Hội nghị đối thoại với CNLĐ các khu công nghiệp và chế xuất (KCN&CX) Hà Nội năm 2017, để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của công nhân.

Đồng chủ trì buổi tiếp xúc có ông Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đáng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội; Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Hà Nội; Ông Phạm Khắc Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội.

Lãnh đạo UBND TP, Tổng LĐLĐ VN, LĐLĐ TP, Ban quản lý KCNCX HN chủ trì hội nghị.

Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí đại diện các ban Tổng LĐLĐ Việt Nam, Thành ủy Hà Nội, UBND, HĐND thành phố, lãnh đạo Ban quản lý các KCN&CX Hà Nội, lãnh đạo các sở, ban, ngành chức năng của thành phố, lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn, lãnh đạo LĐLĐ các quận, huyện, ngành, CĐ cấp trên cơ sở; lãnh đạo một số doanh nghiệp trong KCN Nội Bài.

Đặc biệt, dự buổi đối thoại có hơn 1000 CNLĐ đại diện cho hơn 1,5 vạn CNLĐ trên toàn Thành phố.

Mở đầu hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các KCN&CX Hà Nội đã báo cáo tình tình thực hiện kết luận của UBND Thành phố tại Hội nghị tiếp xúc CNLĐ năm 2016.

Ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các KCN&CX Hà Nội báo cáo kết quả thực hiện ý kiến của công nhân năm 2016.

Theo đó, tại hội nghị tiếp xúc CNLĐ năm 2016, CNLĐ đã kiến nghị 31 nội dung thuộc chức năng giải quyết của 13 Sở, Ban, ngành thành phố, chủ yếu là các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống CNLĐ như việc cung cấp điện, nước sạch, tăng cường tự quản khu vực nhà trọ khu công nhân cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bếp ăn; những tồn tại liên quan đến quản lý khu nhà ở công nhân Kim Chung tại KCN Bắc Thăng Long; việc đầu tư xây dựng một số hạng mục hạ tầng cơ sở (đường gom, nhà trẻ...), hạ tầng kỹ thuật tại các KCN hoặc việc tăng cường đưa hàng thóa thiết yếu phục vụ tận tai CNLĐ trong KCN v.v...

Theo ông Phạm Khắc Tuấn, tất cả các vấn đề mà CNLĐ kiến nghị đã được UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ban ngành chức năng liên quan tích cực giải quyết hiệu quả, song bên cạnh đó, vẫn còn những vấn đề đến nay chưa được các sở, ban ngành Thành phố triển khai thực hiện. Cụ thể trong tổng số 31 nội dung kiến nghị các ban ngành của Thành phố đã giải quyết được 22 nội dung. Có những nội dung được giải quyết kịp thời ngay sau buổi đối thoại.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn thị Tuyến đồng chủ trì hội nghị đối thoại.

Trước khi CNLĐ trực tiếp đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo thành phố, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đã báo cáo trước hội nghị một số ý kiến, đề xuất được LĐLĐ Thành phố tổng hợp qua khảo sát từ các CNLĐ. Theo đó, LĐLĐ thành phố đã tập hợp được 64 ý kiến của CNLĐ tập trung vào các vấn đề như: CNLĐ đề nghị, đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho CNLĐ, giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại;

Đề nghị thành phố xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi cho CNLĐ và con em của CNLĐ - CNLĐ trong KCN không có nơi để vui chơi, giải trí hết giờ làm về nhà không có nơi để nâng cao đời sống tinh thần, CNLĐ mong muốn có Nhà văn hóa, có khuôn viên cho con em CNLĐ vui chơi; Nhiều CNLĐ có gia đình phải thuê nhà trọ tại khu dân cư hiện phải trả giá điện sinh hoạt rất cao. Diện tích nhà thuê chật chội, mái lợp proxi măng rất nóng nên nhu cầu sử dụng điện nhiều nhưng không dám dùng vì giá điện quá cao, CN mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện để các chủ hộ cho thuê nhà bán điện giá nhà nước cho CNLĐ

Rất đông công nhân đến tham dự buổi đối thoại.

CNLĐ đề nghị mở thêm các điểm bán hàng bình ổn giá trong các khu công nghiệp, hàng hóa tại các siêu thị cần được phong phú đa dạng và giá thành các mặt hàng cũng cần thấp hơn so với giá bán ngoài thị trường để hỗ trợ CNLĐ cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm của người lao động; Chợ ở làng Bầu là chợ thứ phát nên không có quy hoạch, kiểm soát. Có thông tin về chợ thực phẩm bẩn ở làng Bầu chuyên nhận hàng ế từ các chợ khác bán lại cho CNV, sinh viên hoặc bán cho các hàng cơm…gây hoang mang, lo lắng cho CNV, đề nghị có phương án quy hoạch chợ, tiến hành kiểm tra ATVS thực phẩm tại khu vực này.

Qua tổng hợp của LĐLĐ Thành phố, CNLĐ còn kiến nghị với thành phố các vấn đề liên quan đến ô nhiễm môi trường, tình hình khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, an ninh trật tự trong các khu nhà trọ công nhân, thanh tra pháp luật an toàn vệ sinh lao động v.v…

* Ông Phan Thanh Hải - Ủy viên ban thường vụ CĐ các KCN&CX Hà Nội, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam: Trước tiên tôi thay mặt CNLĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam có lời cảm ơn sâu sắc tới các đồng chí lãnh đạo Thành phố Hà Nội, nhất là cá nhân Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung. Các đề xuất kiến nghị của chúng tôi tại buổi tiếp xúc năm ngoái đã được đồng chí Chủ tịch chỉ đạo sát sao, giải quyết kịp thời, có những vấn đề chỉ trong 3 ngày đã được giải quyết.

Ông Phan Thanh Hải - Ủy viên ban thường vụ CĐ các KCN&CX Hà Nội, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Meiko Việt Nam.

Tuy nhiên trong số các đề xuất của chúng tôi năm ngoái vẫn còn một vấn đề còn tồn tại. Đó là con đường vào KCN Quốc Oai mỗi lần mưa lớn là bị ngập lụt. Năm 2016, công ty Meiko đã làm đường lên tạm cho nhân viên công ty còn nhưng công nhân các công ty khác trong KCN vẫn bị ảnh hưởng. Vỉa hè trong khu công nghiệp cũng đã bị hỏng, ít được quét dọn. Đề nghị Thành phố quan tâm giải quyết để mang lại bộ mặt sạch đẹp khang trang cho KCN.

CNLĐ công ty chúng tôi cũng có những kiến nghị liên quan đến vấn đề nhà ở và lớp học cho các cháu nhỏ như ý kiến các doanh nghiệp khác đã nêu. Tôi xin có thêm một số kiến nghị liên quan thủ tục hành chính. Hiện tại, việc giải quyết các thủ tục hành chính trùng với giờ làm việc của CNLĐ. Mỗi lần có thủ tục hành chính phải giải quyết, CNLĐ lại phải xin nghỉ phép gây ảnh hưởng đến tiền lương của công nhân và sản xuất của doanh nghiệp. Đề nghị Thành phố quan tâm bố trí một ngày thứ 7 trong tháng giải quyết các thủ tục hành chính cho CNLĐ ví dụ cấp căn cước, giấy phép lái xe, hộ khẩu…để không ảnh hưởng thời gian làm việc của CNLĐ. Việc đăng ký tạm trú và làm hộ khẩu hiện tải người lao động ở tỉnh xa đến muốn đăng ký tạm trú phường xã gặp rất nhiều khó khăn, phải đi lại 3 4 lần vì không gặp được cảnh sát khu vực ảnh hưởng người lao động

Ngoài ra, hiện tại ở khu công nghiệp thạch thất Quốc Oai có một khu vực nhà ở xã hội Bambo Tre Xanh đang hoàn thiện nhưng người ở ít, vì giá quá cao, thủ tục vay ngân hàng lãi suât cao người lao động không tiếp cận được rất lãng phí. Đề nghị TP hỗ trợ để người lao động có thể tiếp cận được với dự án này và các dự án nhà ở xã hội khác.

* Đại diện Công ty Yamaha: Về vấn đề BHXH, hiện nay TP Hà Nội đã sử dụng phom mẫu mới giải quyết chế độ ốm cho LĐ, nhưng không phải NLĐ nào cũng cư trú ở Hà Nội nên khi có LĐ của Công ty bị ốm ở Bắc Giang, khi đem tờ khai theo mẫu của Bắc Giang đến BHXH ở Hà Nội bị từ chối thanh toán vì không đúng mẫu, việc này rất khó khăn cho NLĐ.

Về vấn đề y tế: Hiện trạm y tế huyện Sóc Sơn không có người thường xuyên trực giờ hành chính, trong khi CNLĐ không có nhiều thời gian, đến không gặp nên phải về. Vì vậy, tôi kiến nghị nên chăng cần có Trạm y tế cấp huyện tại KCN-CX để NLĐ tiện liên hệ khám chữa bệnh.

Hiện nay, LĐ nữ có thai ngoài dạ con- được chỉ định phẫu thuật nhưng chỉ được hưởng chế độ ốm 75% lương, nếu được đề nghị xem xét điều chỉnh để được chế độ tốt hơn.

Về vấn đề nhà ở, hầu hết CNLĐ KCN-CX đều là LĐ ngoại tỉnh, nhà ở là vấn đề quan tâm lớn, vì vậy, đề nghị có khu nhà trọ cho thuê ưu đãi, hoặc cho mua với giá rẻ, khoảng 100 triệu đồng/căn.

Riêng với nhà trẻ, hiện nhà trẻ ở các xã chỉ trông trẻ trong thời gian hành chính, trong khi LĐ KCN đi ca kíp là chính nên việc này không hợp lý. Đề nghị có nhà trẻ tại KCN trông ca cho LĐ

Bãi rác thải Nam Sơn- NLĐ mong muốn xem xét kiểm tra tác động môi trường từ khu này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Đời sống văn hóa tinh thần cho NLĐ- có được khu trung tâm văn hóa thể thao được rèn luyện sức khỏe

Từ góc độ đại diện cho doanh nghiệp: Tại Khoản 1, điều 60 của Luật Doanh nghiệp quy định về việc thành lập và chấm dứt hoạt động chi nhánh, trong đó đối với Công ty nước ngoài muốn chấm dứt phải tổ chức họp Hội đồng thành viên. Tuy nhiên, để tổ chức được cuộc họp thống nhất là rất khó. Vì vậy đề nghị nên để người đại diện cho doanh nghiệp có quyền ra quyết định, tốt hơn là phải họp Hội đồng thành viên

Liên quan đến việc mở - đóng chi nhánh này, hiện còn quá nhiều loại giấy tờ, thủ tục (11 loại giấy tờ với nhiều cơ quan khác nhau như: Thuế, BHXH, Sở LĐTBXH..). Vì vậy đề nghị giảm giấy tờ để giảm phiền phức cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp muốn mở rộng ngành nghề còn nhiều giấy tờ quá, khi đăng ký kinh doanh có rất nhiều hạng mục giấy tờ. Đề nghị thành phố xem xét giảm thủ tục giấy tờ công tác hành chính còn quá nhiêu khê, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

===>>> Lao động Thủ đô đang trực tuyến buổi đối thoại trên website: http://laodongthudo.vn (Nhấn F5 để cập nhật thông tin mới nhất)

Nhóm PV

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/lanh-dao-thanh-pho-lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-cong-nhan-53402.html