“Lãnh đạo dù là cấp nào nếu tham nhũng đều bị xử rất nặng”

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhấn mạnh, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn vừa qua, người đứng đầu đều bị xử lý và xử lý nặng chứ không có chuyện từ hình sự mà xử lý hành chính…

Ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ). Ảnh: TN

“Còn Đảng, còn nhân dân thì còn chúng tôi”

+ Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nhận định, “có tham nhũng ngay trong chính cơ quan phòng, chống tham nhũng”. Là người trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) ông nghĩ gì về điều này?

Đó là một thực tế tất yếu. Có rất nhiều cơ quan liên quan đến công tác PCTN chứ không riêng cơ quan thanh tra. PCTN là sự nghiệp của toàn dân, các cơ quan tổ chức đều tham gia vào. Trong những lực lượng nòng cốt thì có thể có những cá nhân vi phạm này khác, vì lợi ích cá nhân mà bao che hoặc trực tiếp có vi phạm.

Nhưng cái chung lớn nhất là những cái đã làm được. Còn một vài cán bộ có vi phạm, thậm chí có tham nhũng đều xử lý rất nghiêm túc. Chứ không phải cán bộ làm công tác PCTN mà tham nhũng thì xử lý nhẹ, thậm chí bây giờ xử còn mạnh hơn trước kia.

+ Nhưng trong báo cáo công tác PCTN do Tổng Thanh tra trình bày trước Quốc hội có nêu: Việc xử lý tham nhũng trong nhiều trường hợp còn chưa nghiêm, chưa kịp thời, trong khi đã phát hiện nhiều vụ án tham nhũng lớn người đứng đầu là chủ mưu, đồng phạm, lợi ích nhóm…?

Thực tế bây giờ có những vụ tham nhũng, người đứng đầu đồng thời cũng là người chủ mưu. Cái này xử lý cũng rất nghiêm. Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn vừa qua, người đứng đầu đều bị xử lý và xử lý nặng chứ không có chuyện từ hình sự mà xử lý hành chính, tình trạng án treo cũng giảm rất nhiều. Người lãnh đạo dù là cấp nào nhưng nếu tham nhũng đều bị xử rất nặng.

Chỉ có phát hiện còn hạn chế vì tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn, lại liên quan đến người có chức vụ, quyền hạn, kể cả những người quyết định, cả những người làm nhiệm vụ PCTN. Cho nên không phải dễ đâu.

Nhưng khi đã phát hiện rồi thì xử lý nghiêm minh bất cứ là người nào. Chúng tôi là những người thực hiện thì không sợ bất kỳ thế lực nào. Bởi chúng tôi biết, còn Đảng, còn nhân dân thì còn chúng tôi.

Xác định trách nhiệm người đứng đầu trong bổ nhiệm cán bộ

+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng "việc lạm dụng quyền lực để đưa người thân vào trong bộ máy lãnh đạo để tạo thành mối quan hệ gia đình đan xen vào mối quan hệ công việc là biến tướng của tham nhũng”. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Nói là một thủ đoạn, hay một hình thức mới của tham nhũng thì tôi chưa khẳng định điều đó. Nhưng tất cả những cái đó theo báo cáo thì người ta nói đúng quy trình.

Thực ra quy trình đó có thực hiện đúng hay không? Người đó có đủ tiêu chuẩn không… chỉ người đứng đầu mới biết được. Kể cả đúng quy trình đấy, nhưng quy trình đó cũng chưa phản ánh hết được thực chất của con người.

Ví dụ lấy phiếu tín nhiệm, người làm việc nhiều, va chạm nhiều có khi phiếu lại thấp. Còn người không làm gì, không va chạm gì, nói kiểu gì cũng gật đầu, có khi phiếu lại cao. Cũng đúng quy trình đấy, uy tín có đấy nhưng đi vào công việc cụ thể, có làm việc được hay không thì lại là cả một vấn đề.

Hay, một bí thư đề bạt, bổ nhiệm mấy chục cán bộ là con em mình chẳng hạn, ở đây quy trình đúng hết, không có gì sai cả, do tập thể đi từ dưới lên trên, ông bí thư chỉ định đâu và ông ấy cũng chỉ có một phiếu. Nhưng phải đặt ra vấn đề, nếu ông ấy không phải là bí thư, thì ban thường vụ, hay ban cán sự đó có đề bạt người khác có trình độ tương đương không? Đó là vấn đề cần phải xem xét.

Cho nên, trong quá trình sửa Luật PCTN tới đây cần phải tính tới việc xác định trách nhiệm người đứng đầu ngay từ việc nhận thức về công tác cán bộ như thế nào, cho tới thực hiện các quy trình để không liên quan gì đến lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân. Những việc này cần phải tránh.

Quyết tâm chính trị đã có, giờ là hành động

+ Một vấn đề khác, có ý kiến cho rằng, cần phải kiểm soát, công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, tránh việc kê khai hình thức như hiện nay?

Tôi thấy, số lượng kê khai nhiều hay ít cái đó chưa quan trọng. Quan trọng là đối tượng kê khai có đúng không, có chính xác không, kê khai rồi có quản lý được không, có cơ chế giám sát được không, có biết tài sản, thu nhập tăng giảm thế nào không. Còn kê khai mà không quản lý được, kê khai mà không công khai thì kê làm cái gì.

Cho nên, bây giờ kê khai tài sản, thu nhập thì kèm theo đó phải công khai như thế nào? Chứ hiện nay, người ta kê khai thế nào cũng chỉ biết thế thôi. Cơ chế quản lý, xác minh thế nào chưa rõ, nên không phát hiện ra được có vi phạm không, người dân cũng không nắm được.

Tôi còn đề nghị, kê khai tài sản, thu nhập cả những người thân trong gia đình. Vì quan chức có anh nào kê khai đó là nhà cửa, tài sản của họ đâu, toàn kê khai là tài sản của người khác thôi. Vấn đề này, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu, chú ý khi sửa Luật PCTN.

+ Theo đánh giá của Ủy ban Tư pháp, hành vi tham nhũng được phát hiện và xử lý chủ yếu là các vụ án tham nhũng nhỏ, ở cấp xã, còn nhìn chung ở cấp huyện, tỉnh, bộ, ngành thì rất ít. Theo ông làm thế nào để, phát hiện, xử lý tham nhũng đạt hiệu quả hơn?

Tôi nghĩ phải huy động người dân cùng vào cuộc để phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Điều này cũng đúng theo cương lĩnh của Đảng là dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra.

Muốn vậy thì cần phải công khai, minh bạch, trừ những vấn đề thuộc phạm vi bí mật quốc gia. Huy động sức mạnh giám sát của người dân lại không để cho dân biết, không minh bạch cụ thể thì làm sao người dân phát hiện ra được cái sai, tiêu cực, tham nhũng. Tất nhiên công khai, minh bạch đến mức độ nào cũng cần phải tính.

Ở mọi quốc gia, mọi thứ đều phải cụ thể minh bạch. Càng minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu để người ta có tư duy, có sự giám sát, phát hiện và thông tin được.

Thực ra, quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước về PCTN là có rồi, bây giờ là hành động như thế nào. Tôi nghĩ, chúng ta phải chấp nhận sự hi sinh nào đó. Hi sinh ở đây chính là hi sinh một quyền lợi nào đó, một lợi ích nhỏ nào đó, một người nào đó vì quyền lợi ích chung của cả quốc gia, vì sự tồn vong của Đảng này.

+ Xin cảm ơn ông!

Thảo Nguyên (Ghi)

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/lanh-dao-du-la-cap-nao-neu-tham-nhung-deu-bi-xu-rat-nang_t114c67n111359