Lãnh đạo địa phương phải tham gia tiếp xúc cử tri để tiếp nhận, trả lời kiến nghị

Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định ban hành quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến.

Quyết định nhấn mạnh: Việc tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình công tác của các bộ, cơ quan, địa phương; là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, cơ quan và chính quyền địa phương...

Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản do Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phân loại, báo cáo Thủ tướng phân công các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời cử tri...

Đối với kiến nghị đã được trả lời nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị thì phải rà soát, trong vòng 15 ngày phải thông báo bằng văn bản và gửi kèm kết quả giải quyết, trả lời trước đó đến Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND), Mặt trận Tổ quốc tỉnh nơi có cử tri kiến nghị để biết và trả lời cử tri.

Trong thời gian các đoàn ĐBQH tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương, Thường trực HĐND, UBND cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và lãnh đạo cấp huyện, xã nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri phải tham gia để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc tiếp nhận để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết, trả lời cử tri.

V.H.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/lanh-dao-dia-phuong-phai-tham-gia-tiep-xuc-cu-tri-de-tiep-nhan-tra-loi-kien-nghi-452636/