Lãnh đạo Chính phủ đội mưa xuống tỉnh chống bão cùng người dân

Theo phân công của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 3 Phó Thủ tướng cùng các lãnh đạo một số bộ liên quan đến các địa phương dự báo bão sẽ đổ bộ để trực tiếp đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.

Theo đó, từ chiều qua, 18/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tới Hải Phòng-Quảng Ninh để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Khi thị sát tuyến đê biển số 1 Đồ Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu Hải Phòng không được chủ quan, bởi đây là cơn bão rất mạnh và càng vào gần đất liền cường độ càng mạnh, kéo theo lượng mưa lớn tới 200-300mm, thậm chí có nơi tới 400mm. Hải Phòng cần đặc biệt quan tâm tới công tác thoát nước đô thị.

Phó Thủ tướng đồng thời nhấn mạnh, phải thực hiện nghiêm việc cấm biển; vận động bà con ngư dân, nuôi trồng thủy sản vào nơi an toàn tránh bão. Các cấp ủy, chính quyền của TP. Hải Phòng hủy, hoãn tất cả các cuộc họp khác để tập trung thực hiện nhiệm vụ chống bão. Nhiệm vụ số 1 là bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng con người, đồng thời giảm thiểu thiệt hại đến mức thấp nhất về tài sản; có phương án bảo đảm lưu trú cho khách du lịch bị kẹt bởi bão; nhanh chóng khôi phục, ổn định cuộc sống, sinh hoạt của người dân sau bão.

Cùng thời gian, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 tại Nam Định, Thái Bình.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã kiểm tra tình hình neo đậu tàu, thuyền tại cảng cá Ninh Cơ, đi kiểm tra tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định. Sau đó, Phó Thủ tướng đi kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền, sơ tán người dân khỏi những khu vực nguy hiểm tại cảng Cửa Lân, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải.

Đánh giá cao sự chuẩn bị quyết liệt, tích cực của các địa phương, Phó Thủ tướng nhắc nhở, bão số 1, 2 vừa đổ bộ vào Nam Định, Thái Bình gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước, người dân. Bão số 3 có diễn biến phức tạp, trên diện rộng, cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để ứng phó để khắc phục hậu quả đáng tiếc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ số một là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Tất cả tàu, bè ngoài biển phải đưa vào bờ. Tập trung cùng các địa phương sơ tán người dân khỏi các công trình cũ, có khả năng sập đổ cao.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt lưu ý địa phương tính toán phương án có thể cho các em học sinh ở tất cả các cấp học nghỉ học tránh bão. Tuyệt đối cấm các hoạt động du lịch và tập trung bảo vệ các công trình xây dựng. Đặc biệt, tập trung bảo vệ đê biển bằng phương tiện, vật tư tại chỗ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tỉnh Ninh Bình cần quan tâm đến ứng phó, tiêu thoát lũ, úng do mưa lũ hoàn lưu sau bão. Ảnh: VGP/Đình Nam

Kiểm tra tình hình phòng chống bão số 3 tại Ninh Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đánh giá cao công tác chuẩn bị chủ động của tỉnh này khi các nhiệm vụ được nêu trong Công điện của Thủ tướng đã được hoàn thành từ 20h ngày 18/8, trước 12 tiếng so với thời hạn đưa ra.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vẫn yêu cầu lãnh đạo và các cấp ngành liên quan Ninh Bình: “Cần công bố kịp thời diễn biến của cơn bão cho người dân biết rõ và tuân thủ nghiêm túc phương án phòng chống bão của địa phương, tránh chủ quan”.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Ninh Bình cần quan tâm đến ứng phó, tiêu thoát lũ, úng do mưa lũ hoàn lưu sau bão.

Làm việc với Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương về công tác dự báo bão cũng như chỉ đạo việc phòng chống bão số 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp các ngành dừng mọi cuộc họp không cần thiết để dành thời gian chỉ đạo ứng phó với bão số 3.

Thủ tướng lưu ý, ngoài các tỉnh ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, thì các tỉnh, thành phố phía trong như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương đều phải cảnh giác. Bên cạnh đó, đường đi của bão cũng có thể thay đổi. Đặc biệt là dự báo cho thấy, đây là tháng triều cường, nước có thể dâng đến trên 4 m, nguy cơ các đê rất dễ vỡ và gây tác hại lớn. Do đó, cần có biện pháp ứng cứu đối với một số đoạn đê xung yếu.

Thủ tướng đặc biệt lo lắng về mưa lớn có thể xảy ra, sau khi bão số 1 và số 2 đã gây ngập nhiều diện tích lúa với thiệt hại không nhỏ. Nếu mưa lớn gây ngập sâu nữa thì thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, cần chỉ đạo cấp điện thường xuyên, bảo đảm các trung tâm, trạm bơm tiêu úng hoạt động tốt.

"Ngành điện cần có sự chủ động, ứng trực, xử lý kịp thời. Đừng để bão đã qua một ngày rưỡi rồi mà chưa có điện”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương đề phòng tình trạng mưa lũ có thể gây sạt lở đất lớn, có thể cả quả đồi, cả một ngôi làng, đe dọa tính mạng người dân.

P. Luật (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/thoi-su/lanh-dao-chinh-phu-doi-mua-xuong-tinh-chong-bao-cung-nguoi-dan-289971.html