Lãnh đạo APEC kêu gọi hướng tới tự do thương mại

Lãnh đạo của 21 nước ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương ngày 20/11 đã kết thúc hội nghị cấp cao thường niên với kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh ngày càng có nhiều hoài nghi về tự do thương mại.

Lãnh đạo APEC tại cuộc họp.

“Chúng tôi tái khẳng định cam kết giữ thị trường mở và chống lại tất cả các hình thức bảo hộ”, AP dẫn tuyên bố chung sau hội nghị của các nhà lãnh đạo APEC nêu rõ.

Trong tuyên bố chung, APEC cũng ghi nhận sự hoài nghi về thương mại đang ngày càng gia tăng trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế ở các nước kể từ sau khủng hoảng tài chính không đồng đều.

Các nhà lãnh đạo APEC cũng cho rằng cần phải thông tin hiệu quả hơn tới công chúng về các lợi ích của thương mại và các thị trường mở, đặc biệt nhấn mạnh vài vai trò thúc đẩy sáng tạo, việc làm và mức sống của thương mại.

Đây là hội nghị quốc tế cuối cùng mà Tổng thống sắp mãn nhiệm của Mỹ Barack Obama tham dự và ông cũng đã tranh thủ thúc đẩy việc phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Phát biểu với các phóng viên, ông Obama nói rằng cách thức để giải quyết vấn đề bất bình đẳng về thu nhập và tạo việc làm chính là thông qua các chính sách thương mại và các thảo thuận như TPP để tăng cường xuất khẩu tới các nước ở khu vực Vành đai Thái Bình Dương.

Lãnh đạo của các nước khác tại hội nghị APEC nói rằng họ có thể tìm cách sửa đổi các điều khoản trong TPP để khiến thỏa thuận này hấp dẫn hơn đối với tổng thống vừa đắc cử của Mỹ Donald Trump hoặc sẽ tìm cách để phê chuẩn thỏa thuận này mà không có sự tham gia của Mỹ.

Tuy nhiên, theo AP, các nhà lãnh đạo thuộc tổ chức Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cũng cam kết sẽ hợp tác để hướng tới một thỏa thuận tự do thương mại mới bao gồm tất cả 21 thành viên của khối do Trung Quốc dẫn đầu nhằm đảm bảo con đường phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện bất chấp môi trường chính trị của các nước trong khối đang có những thay đổi.

Tuyên bố của APEC cũng khẳng định các nước thành viên trong tổ chức sẽ tuân thủ mục tiêu giảm thiểu carbon được nêu trong Hiệp định Paris hồi năm ngoái để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu được xác định là một đe dọa đối với hoạt động sản xuất lương thực và an ninh lương thực toàn cầu.

Hoàng Nam

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/lanh-dao-apec-keu-goi-huong-toi-tu-do-thuong-mai-306217.html