Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc VN: 'Cần xây dựng sản phẩm đa dạng, mang tính điểm nhấn…'

Mở cửa đón khách từ tháng 9.2010, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có khá nhiều ưu thế của một khu du lịch - văn hóa, tuy nhiên, theo đánh giá, để thu hút thêm nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, cần đẩy mạnh đầu tư, công tác tuyên truyền cũng như hoàn thiện các sản phẩm du lịch đa dạng.

Cách trung tâm Hà Nội 40km về phía Tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có tổng diện tích 1.544ha, gồm 7 phân khu chức năng như Khu dịch vụ du lịch tổng hợp, khu vui chơi giải trí, khu Công viên mặt nước, bến thuyền, khu Di sản văn hóa thế giới (đang kêu gọi đầu tư), trong đó Khu các làng dân tộc được coi là linh hồn, là trái tim của dự án. Đây là nơi tái hiện không gian văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.

Những hoạt động văn hóa nổi bật tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ảnh: Nguồn Internet.

Theo Quyết định số 201/QĐ - TTg ngày 22.1.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030, khu du lịch Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong danh mục địa điểm có tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia. Nằm trên hành trình du lịch nghỉ dưỡng của một chuỗi các khu du lịch nổi tiếng như Thác Đa, suối Ngọc Vua Bà, rừng Quốc gia Ba Vì, Khoang Xanh, Ao Vua, Đá Chông…, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam có vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch.

Ông Lâm Văn Khang - Quyền trưởng Ban quản lý Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thống kê, tính riêng năm 2016, Làng đã đón trên 500 nghìn lượt khách du lịch, tăng 200% so với năm 2015. Cũng theo đại diện Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết thêm, hiện Làng đang tập trung chủ yếu khai thác thị trường khách từ Hà Nội và các vùng phụ cận, nhóm khách gia đình, học sinh và sinh viên. Ngoài tổ chức các hoạt động lớn của Bộ VHTT&DL, Làng tổ chức đều đặn một số hoạt động theo tuần, theo tháng nhằm thu hút du khách như triển lãm, trưng bày, biểu diễn nghệ thuật... Tuy nhiên, để thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn và ngày càng thu hút đông đảo du khách, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch VN) nhìn nhận rằng, “Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cần xây dựng nhiều hoạt động và sản phẩm mang tính điểm nhấn, tăng cường công tác quảng bá thông tin đến doanh nghiệp.

“Ngôi nhà chung” được xem là nơi bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Hiện Làng có các cộng đồng dân tộc đang tham gia hoạt động hàng ngày để tái hiện đời sống, sinh hoạt, văn hóa, tín ngưỡng như Tày, Dao, Mường, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Cor, Cơ Tu, Ê Đê, Khmer… Du khách có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán, lễ hội, tín ngưỡng cũng như thưởng thức nhiều loại hình dân ca, dân vũ, trò chơi dân tộc (ném còn, nhảy sạp, tó má lẹ, đi cầu kiều…); trải nghiệm văn hóa ẩm thực (làm bánh, nấu xôi màu, rang giã cà phê…). Một số ý kiến khác cho rằng, sản phẩm du lịch của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn chưa đáp ứng tốt so với yêu cầu của thị trường; công tác quảng bá xúc tiến chưa sâu rộng; nhân lực phục vụ hoạt động chưa đủ cung - cầu nhất là trong các dịp nghỉ lễ, tết dài ngày...

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nói: “Cần kết hợp cả hai yếu tố giữa văn hóa truyền thống đặc sắc và sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu hiện nay của du khách, ví dụ nhu cầu thưởng ngoạn môi trường sinh thái hay dùng các thực phẩm sạch, an toàn...”. Ông cũng nhận định thêm. cần có một cơ chế nhất định phân cấp quản lý một cách rõ ràng về các hoạt động quản lý hành chính nhà nước, các hoạt động sự nghiệp để đẩy mạnh, phát triển du lịch bền vững.

THANH HƯƠNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/lang-van-hoa-du-lich-cac-dan-toc-vn-can-xay-dung-san-pham-da-dang-mang-tinh-diem-nhan-658970.bld