Làng sắt Đa Hội: Phía sau sang giàu

Tới làng sắt Đa Hội- phường Châu Khê- thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là từng đoàn xe, từ công nông đến xe tải hạng nặng, nối đuôi nhau vận chuyển sắt thép. Đường làng bị cày xới, khói bụi mù mịt, những âm thanh phát ra đinh tai nhức óc…

CôngThương - Giàu, nhưng môi trường ô nhiễm nghiêm trọng... Làng sắt Đa Hội có trên 1.000 hộ làm nghề sắt. Nhiều hộ gia đình đã thành lập doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất với quy mô lớn, số hộ có trong tay tiền tỷ không hiếm. Mỗi năm, người dân Đa Hội đưa ra thị trường hàng trăm nghìn tấn sắt thép các loại, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho gần chục nghìn lao động. Ông Ngô Văn Sáu, nguyên Phó Chủ tịch xã Châu Khê, cho biết: Làng Đa Hội giàu lên nhanh từ nghề làm sắt, nhiều nhà đã mua sắm ô tô đắt tiền. Tuy nhiên, sự giàu có ở Đa Hội tỷ lệ thuận với ô nhiễm môi trường và đặc biệt là vấn đề tai nạn lao động. Chị Huệ, người bán nước ngay đầu cổng làng cho biết: Mỗi ngày, có đến hàng nghìn lượt xe ô tô tải ra vào chở hàng khiến cho nơi đây như một đại công trường, khói bụi mù mịt. Đáng sợ nhất là khói than độc hại từ cả trăm xưởng sản xuất tỏa ra càng làm cho không khí ngột ngạt, môi trường sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân trong làng hầu như ai cũng có những triệu chứng về bệnh hô hấp. Ngồi bán nước mà lúc nào chị Huệ cũng phải bịt khẩu trang, liên tục dội nước ra đường để “chữa” bụi. Chị Huệ cũng cho biết thêm, hàng ngày có trên hàng nghìn lao động tự do đến làm việc cho các chủ xưởng. Do không có nhà vệ sinh công cộng, nên người ta thường phóng uế bừa bãi ra những cánh đồng trong làng. Toàn xã có gần 100 hộ có bể mạ, hàng chục máy đột dập và nhiều lò luyện phôi thép, hàng ngày thải ra một lượng lớn các hóa chất như dung môi kiềm, axit, sơn công nghiệp, chất dầu, mỡ. Đây chính là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, đất canh tác nông nghiệp, tàn phá cảnh quan môi trường nông thôn. ... Và tai nạn thường xuyên xảy ra Hàng ngày, Đa Hội thu hút gần chục nghìn lao động làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc các vật nặng, máy đột dập, cán ép… luôn tiềm ẩn nguy hiểm về tai nạn, sức khỏe, bệnh tật... Tuy nhiên vấn đề bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ) lại bị xem nhẹ, vì đa phần các chủ lò giao hết công việc sản xuất cho cai thầu chỉ đạo đội thợ làm thuê tứ xứ. Ông Truyền, 45 tuổi, quê ở Lục Nam, Bắc Giang: “Mỗi tấn sắt, chúng tôi được trả công 30.000 đồng. Ngày nào làm cật lực, thì một người cũng chỉ vác khoảng 3 tấn, thu nhập chưa được 100 ngàn đồng. Làm nghề này, chỉ một chút sơ sẩy là xảy ra tai nạn như chơi, nhẹ thì xước da, chảy máu, nặng thì thương tật vĩnh viễn. Cho dù biết là việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn phải làm, vì không làm thì lấy gì mà sống”. Anh Quảng, quê Thái Nguyên, công nhân của xưởng cơ khí Bình Xuyên cho biết thêm: Mức thu nhập của người lao động (NLĐ) ở đây tùy thuộc vào tay nghề của từng người, nếu người tay nghề cao thì có thể được trả vài trăm nghìn/ngày. Tuy nhiên, do công việc nặng nhọc, lại làm việc trong môi trường độc hại nên dù người có sức khỏe tốt cũng chỉ “trụ” được trong một thời gian ngắn, sau đó họ phải chuyển nghê khác. Có nhiều trường hợp do làm lâu dài nên đã mắc phải những chứng bệnh như lao phổi, gãy cột sống… Ngoài những vụ tai nạn như dập tay, chân thường xuyên xảy ra thì những vụ tai nạn nghiêm trọng dẫn đến chết người cũng không phải hiếm. Tại xưởng của ông Khiết, đã từng xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Do bất cẩn, anh Hợi, công nhân làm thuê bước qua máy cán, bị cuốn vào bánh răng của trục khuỷu dẫn đến tử vong. Hay như tại xưởng của ông Quý, một bánh đà bị vỡ trong khi vận hành máy nghiền sắt văng vào đầu một công nhân, làm anh này chết ngay tại chỗ. Có trường hợp, công nhân kéo thanh sắt chạm phải dây nguồn máy hàn bị điện giật chết… Theo bà Dung, Công ty Bình Xuyên thì tai nạn xảy ra thường vì sự chủ quan của bản thân NLĐ. Nhiều công nhân làm việc trong tình trạng “lâng lâng” do say rượu nên không làm chủ được bản thân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Qua tìm hiểu, hầu hết NLĐ ở đây đều không được ký hợp đồng lao động (HĐLĐ), họ chỉ làm việc dựa trên những cam kết bằng… miệng, nên khi tai nạn xảy ra, những quyền lợi của NLĐ không được đảm bảo. Một cán bộ văn phòng UBND phường Châu Khê cho biết: “Sau khi xảy ra tai nạn, chủ doanh nghiệp và NLĐ thường tự thỏa thuận với nhau về việc bồi thường mà không cần sự can thiệp của các cấp chính quyền. Chính vì vậy, chúng tôi gặp không ít khó khăn khi thống kê các vụ tai nạn xảy ra hàng năm”. Minh Thuyết

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/doi-song/lang-sat-da-hoi-phia-sau-sang-giau/32/0/17114.star