Lãng phí nhiều công trình tiền tỷ

Năm 2012, TP Cần Thơ đăng cai tổ chức Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc lần thứ VIII. Để phục vụ sự kiện này, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp nhiều công trình có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng sau khi kết thúc sự kiện, phần lớn công trình đều bị bỏ hoang hoặc sử dụng không hết công năng.

Nơi bỏ hoang, nơi hoạt động cầm chừng

Để phục vụ HKPĐ toàn quốc năm 2012, TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng mới 16 nhà thi đấu đa năng (NTĐĐN) trong khuôn viên các trường tiểu học, THCS và THPT. Mỗi nhà thi đấu được đầu tư trung bình hơn 10 tỷ đồng và nằm rải rác ở các quận, huyện. Theo ước tính sơ bộ, tổng kinh phí đầu tư chung để xây dựng các công trình khoảng hơn 200 tỷ đồng. Tuy vậy, sau khi sự kiện này diễn ra, nhiều NTĐĐN ở các quận, huyện của TP Cần Thơ lại rơi vào cảnh xây mới rồi để ngắm.

Nhà thi đấu đa năng tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều cửa đóng then cài nhiều năm nay

Mang danh phục vụ HKPĐ, Trường THPT Thốt Nốt ở quận Thốt Nốt được đầu tư NTĐĐN rộng 3.400m2, trị giá 11 tỷ đồng. Do xa trung tâm thành phố, khó bảo đảm cho các đoàn đến thi đấu, ăn, ở nên nhà thi đấu này không được sử dụng. Đến nay, hệ thống đèn cao áp 18 bóng lâu ngày không sử dụng được, riêng thảm trải sàn trị giá hơn 1 tỷ đồng cũng đã hỏng, phải lột bỏ. Trong nhà thi đấu, chơ vơ lưới bóng chuyền và cầu lông, còn bên ngoài cửa đóng then cài, hành lang chất ngổn ngang bàn ghế. Ở Trường THCS Định Môn tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, NTĐĐN rộng hơn 1.000m2, trị giá hơn 8 tỷ đồng, cũng không sử dụng. Bên trong nhà thi đấu rộng lớn này chỉ có một cái bàn bóng bàn, thảm trải sàn bị bóc lên và bỏ tại góc nhà.

Kết thúc HKPĐ, theo chủ trương, các nhà thi đấu này được giao cho ngành giáo dục quản lý, sử dụng theo phân cấp, phục vụ nhu cầu giáo dục thể chất cho học sinh. Những nhà thi đấu nằm trong trường THPT thì Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quản lý và đầu tư kinh phí sửa chữa. Nếu nằm trong trường tiểu học hoặc THCS thì cấp huyện phải lo kinh phí tu bổ và duy trì các hoạt động. Tuy nhiên, do kinh phí một số địa phương hạn chế nên việc sửa sang, tu bổ không được quan tâm đúng mức, vì thế một số nhà thi đấu có nền bị lún, nứt, thiết bị chất đống, sàn thi đấu thì bong tróc...

Nằm gần trung tâm thành phố, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa ở quận Bình Thủy được đầu tư NTĐĐN rộng 1.300m2, trị giá gần 12 tỷ đồng. Diện tích sàn theo tiêu chuẩn thiết kế nhà thi đấu thể thao loại 2, kích thước 18x3m, chiều cao thông tầng 11m. Bên trong có 6 sân phục vụ các môn: Đá cầu, cầu lông, bóng bàn, võ thuật… với khán đài 250 chỗ ngồi. Thế nhưng hiện tại cũng chỉ dùng cho các em học thể dục và tránh mưa gió. Thầy Bùi Duy Minh Trí, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, thông tin: “Do không phải là trường chuyên về thể dục thể thao (TDTT) nên nhà trường cũng chỉ đào tạo một số bộ môn kèm theo thời khóa biểu của các em. Vì thế, số lượng học sinh luyện tập rất ít so với quy mô của nhà thi đấu”.

“Cung” vượt “cầu”

Bởi cung vượt quá cầu nên sau khi HKPĐ kết thúc, trong số nhà thi đấu được đầu tư hoành tráng, chỉ có NTĐĐN nằm trong Trường THCS Mỹ Khánh, huyện Phong Điền là phát huy được hiệu quả khi đội Vovinam cấp thành phố thường xuyên tập luyện vì nơi này có sẵn thảm đấu. Số còn lại, để tránh tình trạng lãng phí, đồng thời có nguồn thu, phục vụ việc bảo dưỡng và hạn chế thiết bị hư hỏng, một số trường đã “chữa cháy” bằng cách cho người ngoài thuê mướn tập luyện TDTT. Số khác dùng để địa phương mượn tổ chức hội thi TDTT quy mô cấp phường, xã, quận, huyện nhưng cũng rất hiếm hoi, mỗi năm chỉ 1 hoặc 2 lần, hoặc để phục vụ các hoạt động ngoại khóa của học sinh. Tuy nhiên, hầu hết cách làm này chỉ mang tính thời vụ. Ví như NTĐĐN trong khuôn viên Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều. Do số lượng học sinh luyện tập ít, mặt sân tập cũng đã xuống cấp nên trường cho người ngoài thuê mỗi tháng thu về hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, cách làm này cũng không thu được nhiều kinh phí, ngược lại, dẫn đến sự mất an ninh trật tự do người đến tập luyện có mặt thường xuyên trong khuôn viên nhà trường.

Thực tế, hầu hết các nhà trường đều không có khả năng khai thác hiệu quả trang thiết bị của NTĐĐN. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do kinh phí hoạt động còn hạn hẹp; không có người đứng ra thành lập CLB sinh hoạt TDTT, kèm theo đó là công tác quản lý gặp khó khăn... “Các NTĐĐN đều được lắp bóng đèn cao áp, nhưng đường dây lại không chịu tải được cùng lúc tất cả bóng đèn bật sáng. Muốn bật sáng cùng lúc các đèn thì phải lắp bình hạ thế khác, do nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên trường không có tiền và cũng không có nhu cầu. Vì thế đành phải chờ xin chủ trương xem xét để tìm ra biện pháp tránh lãng phí”, bà Lâm Thanh Liễu, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ninh Kiều nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Luận, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Hai ngành thể thao và giáo dục đã họp đi đến thống nhất hỗ trợ nhau trong việc khai thác hiệu quả các nhà thi đấu trên, tránh để lãng phí nguồn vốn đầu tư, không chỉ sử dụng vào việc giáo dục thể chất trong trường học mà còn phải phát hiện tài năng cho thể thao ở địa phương”. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả chủ trương trên cũng không phải là chuyện đơn giản.

THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/lang-phi-nhieu-cong-trinh-tien-ty-514895