Làng nghề làm đèn kéo quân bên sông Đáy

Miền đất cổ này là nơi sinh thành ra làng nghề làm đèn Kéo quân và đèn ông sao dành cho ngày Tết Trung thu hàng năm. Trẻ con đất Cao Viên cũng như nhiều vùng quê khác đều thuộc bài hát Đèn Cù (Đèn Kéo quân)...

Miền đất phình ra uốn theo triền sông Đáy, thuộc rìa phía Tây huyện Thanh Oai, chính là xã Cao Viên. Người xưa nói Cao Viên là một khúc đổi dòng của sông Đáy nằm bên bờ Đông.

Trục đường chính của xã cắt ngang con đê (phía cầu Mai Lĩnh, Hà Đông trở vào), rồi chạy một mạch dài gần chục cây số, đâm vào đường Quốc lộ 21B. Đường của xã mang dáng dấp của một con phố, với nhiều cửa hàng, công ty, xí nghiệp và chợ rải rác kéo dài...

Hình thù của xã Cao Viên còn được trám thêm dãy hồ, đầm hình móng ngựa khá dài và rộng. Thậm chí con đầm còn khuỳnh khoàng ăn lõm cả sang đất Chương Mỹ. Nhìn như một bức tranh ngộ ngĩnh. Không biết có phải miệt gió đông của khuỷu sông Đáy, cùng con đường và dãy hồ đầm độc đáo của Cao Viên đã đi vào tâm thức và tạo tính cách hết sức linh hoạt của người dân nơi đây.

Chính vì thế, miền đất cổ này là nơi sinh thành ra làng nghề làm đèn Kéo quân và đèn ông sao dành cho ngày Tết Trung thu hàng năm. Trẻ con đất Cao Viên cũng như nhiều vùng quê khác đều thuộc bài hát Đèn Cù (Đèn Kéo quân). Vào đêm trăng rằm, chúng chạy quanh đèn mà ca vang những lời của người xưa đã viết rằng:

“Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù

Ngựa giấy í a voi giấy, tít mù nó mới lại vòng quanh

ớ ơ bao giờ ta mới bắt cho kịp nhau

Ngựa giấy ới a voi giấy vòng quanh ới a tít mù, tít mù là

Khen ai khéo vẽ í a cái đèn cù

Đèn cù là đèn cù ớ hỡi đèn, đèn ơi...” (dân ca)

Người làng Đàn Viên làm đàn kéo quân từ bao đời nay. Trước kia họ làm cả đèn ông sao, rồi gánh lên nội thành bán cho trẻ con phố phường. Không cứ vào dịp Tết Trung thu mà kể cả các ngày lễ tết, hội hè, đình đám, nhiều nơi vẫn về làng đặt hàng làm đèn kéo quân.

Không biết ai là ông tổ nghề, nhưng hiện nay có ông Nguyễn Văn Quyền, đã 76 tuổi rồi vẫn cùng con cháu làm đèn. Gặp ông Quyền, tôi mới hay, mới đây ông đã được các trường học và Viện Bảo tàng Dân tộc Việt Nam, cùng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội mời đi hướng dẫn cách làm đèn kéo quân.

Ông thường nói ý nghĩa của chiếc đèn kéo quân cho các học trò nghe rằng, trục đèn là một thân trúc ở giữa biểu hiện cho trục khôn; đèn quay sáu mặt là biểu tượng cho sáu cá tính của con người: thương, ghét, giận, hờn, buồn, vui. Tất cả đều phô bày, quay theo nhờ ánh sáng kể chuyện, hãy lấy ý nghĩa của chúng làm bài học, tu thân tích đức đem lại điều lành cho mọi người.

Vậy nên các hình được vẽ là những câu chuyện về lịch sử hay giáo dục cổ xưa với các bức tranh dân gian. Kể cả những câu chuyện dũng cảm của những người lính xung trận đánh đuổi quân thù... Chính vì thế, đèn kéo quân còn được gọi là đèn kể chuyện bằng ánh sáng cổ tích được trẻ em hết sức yêu thích và là một trò chơi dân gian độc đáo vào bậc nhất của người dân Cao Viên.

Cùng với ông Quyền còn có gia đình ông Vũ Văn Sinh (55 tuổi) cũng là một tổ hợp gia đình sản xuất đèn kéo quân. Ông Sinh kể, mình biết làm đèn từ bé, hơn bốn chục năm qua, ông Sinh đã sản xuất hàng trăm chiếc đèn đủ kích cỡ kiểu dáng theo đơn đặt hàng.

Riêng năm 2006, ông đã lập nên một kỷ lục còn giữ vững cho đến nay, khi trưng ra chiếc đèn kéo quân cao tới 6,7m, gần bằng hai tầng nhà, với đường kính 2,7m. Cùng các nghệ nhân lành nghề khác, ông Sinh đã chỉ đạo và cùng hoàn thành đem lại vinh quang cho làng nghề Đàn Viên với chiếc đèn kéo quân độc nhất vô nhị và được ghi vào Sách Kỷ lục Việt Nam.

Vợ ông Sinh là bà Nguyễn Thị Hạnh bộc bạch với tôi một cách thực lòng rằng, cho dù tiền bán đèn không được lãi bao nhiêu, nhưng chủ yếu do lòng say mê và giữ lấy cái nghề tổ mà làm. Đủ sống là được, miễn sao đem lại niềm vui cho con trẻ trong những đêm Tết Trung thu và những đêm hội làng quê.

Bà chợt nhớ lại, hồi tuổi thơ mỗi lần nghe trẻ con làng Đàn Viên hát những câu như: “Đêm nay rằm Tháng Tám. Mẹ thắp đèn kéo quân. Khi đèn vừa cháy sáng. Bao bóng người chạy theo. A các chú bộ đội. Đuổi theo một lũ Tây...”, là bà cũng chạy theo mà hát vang lời đồng dao của làng.

Cho dù hiện nay nghề làm đèn Kéo quân chỉ sôi động vào thời vụ tháng 8, với đồng tiền ít ỏi, nhưng người làng Đàn Viên luôn đau đáu với việc gìn giữ lấy nghề mà ông cha đã để lại. Vẫn còn đó là những ngôi sao năm cánh cùng với hình ảnh đoàn quân vượt núi băng rừng, đạp bằng gian khó để gìn giữ biên cương Tổ quốc.

Tất cả vẫn là những bài học về đạo đức làm người và trách nhiệm công dân đối với quê hương đất nước. Ý nghĩa ấy luôn luôn được tôn vinh, trong mỗi câu chuyện kể qua ánh đèn sáng tỏ, với từng vòng quay của chiếc đèn kéo quân của làng Đàn Viên, xã Cao Viên.

Nói đến ông Lê Đức Giáp (sinh năm 1954) ở thôn Bãi, xã Cao Viên là ai cũng phục tài biến hóa của ông khi gây dựng một vựa cam, bưởi rộng 7.000m2.

Tài của ông trước hết là cải tạo đất thịt để trồng được cam canh ngọt lừ như ở Văn Giang đất bãi pha cát. Suốt 5 năm qua ông là người thu hoạch cam hơn tất cả những người làm vườn ở quanh vùng. Có năm gia đình ông thu hoạch vài trăm triệu đồng một sào cam canh. Ông nổi tiếng với những cách làm không giống ai mà vẫn nâng cao năng suất.

Nhưng đồng thời người ta còn gọi ông là “dị nhân” khi trồng được những cây 5 thứ quả khác nhau với màu sắc rực rỡ, bắt mắt. Chưa hết ông còn làm được cây có 7 quả và thậm chí 9 loại quả khác nhau trên một thân cây bưởi.

Sự nghiệp theo đuổi cam canh của ông chỉ mới độ mươi năm nhưng đã có nhiều thành quả đáng vinh danh, cùng với những hoạt động xã hội trong việc phổ biến và giúp đỡ nông dân nhiều địa phương cải tạo đất trồng cam canh. Chính vì thế mà ông được chọn là Công dân Thủ đô Ưu tú năm 2012. Ông có biệt danh là Cao thủ “võ cam” là vì thế.

Tôi may mắn gặp ông ngay tại vườn ươm cấy ghép cây ngũ quả chuẩn bị cho đợt xuất hàng mới cho một lễ hội mùa xuân. Ông coi tôi như một nông dân vậy nên thao thao kể hết những điều bí mật trong nhà nghề. Đúng như người ta nói, xởi lởi trời cởi cho, ông Giáp đúng thế. Ông không giấu những điều mà đã mất công hàng năm trời mới mày mò ra được.

Ông kể có vài câu mà tôi là dân ngoại đạo cũng hiểu ngay. Chẳng hạn kỹ thuật ghép cành để cây có 5 loại quả khác nhau, chín đều đúng vào ngày Tết. Ông nói, nếu lấy gốc bưởi là cây mẹ thì vào tháng 3 hoặc tháng 5 ghép cam canh; cuối tháng 5 hay đầu tháng 6, đến lượt ghép cam đường và chanh; còn đầu tháng 7 thì ghép cam Malaysia; cuối cùng đến tháng 10 hoặc 11 mới ghép phật thủ.

Theo thời gian kỹ thuật ấy toàn bộ 5 loại quả cùng chín vào dịp Tết rất tươi sắc và tạo nên những chùm quả nhìn rất sướng mắt. Đúng là để được hưởng cái sướng mắt và sảng khoái tinh thần, ông Giáp đã mất hai năm trời nghiên cứu và thử nghiệm làm được những điều không tưởng ấy. Từ xưa đến nay, chả ai nghĩ đến chuyện này và làm được như ông.

Thấy tôi tò mò và cho việc ghép tới 9 loại quả là không tưởng, ông bèn giải thích ngay, tất nhiên 9 loại quả này đều phải là giống có múi. Bưởi, quýt, cam, quất, chanh đào, bưởi đỏ, cam vinh, bưởi thơm và phật thủ.

Vấn đề là phải nắm được đặc tính của từng loại và căn được thời gian ghép cho đúng thời điểm. Và, đó cũng là thành quả của ông trong Tết năm trước. Còn năm nay ông chỉ vào một cây bưởi to trước mặt khoe, đó cũng là cây ghép 9 loại quả, đợi tất cả đều chín đúng dịp Tết. Thì ra cái tài của ông là thế.

Điều tiết chế độ chăm sóc cây và muốn cho các quả chín vào thời điểm nào, tùy theo ý mình mới là điều thần diệu của nhà nông. Người ta gọi các cây cảnh ngũ quả của ông Giáp là “kiệt tác” quả không sai. Những chùm quả trĩu trịt, với 5 màu đỏ cam sáng như thắm lại, cùng với đó là vàng tươi của bưởi và phật thủ; hòa sắc với những màu đỏ nhẹ nhàng của chanh đào và cam vinh. Tất cả những “kiệt tác” ấy làm nên bức tranh Tết xôn xao khắp chốn. Tôi ngỡ như lạc vào vườn của những cô tiên đầy hoa thơm quả ngọt vậy.

Bén mùi nem thính Cao Viên

Nằm trên trục đường 21B có mấy món ngon và cũng hết sức nổi tiếng lâu đời. Đó là chả giò Ước Lễ, vịt nướng Vân Đình và nem thính Cao Viên. Nếu ai lạc vào cung đường dọc xã Cao Viên ăn phải nhỏ nước miếng khi nhìn thấy những gói nem thính được bán đây đó.

Vậy ra con nước sông Đáy nơi đây là làm nên vị nem thính, hay còn gọi là nem trộn thính gạo rang với thịt sống và bì trần ủ trong lá ổi, thơm và ngọt đặc biệt. Dù chưa được công nhận là làng nghề nhưng nem thính nức tiếng Cao Viên được dân khắp vùng tìm đến mua về làm món nhắm rượu vào mỗi bữa ăn. Nhất là vào dịp lễ lạt, xã Cao Viên náo nức bội phần vì các quán chợ ríu rít với khách xếp hàng chờ mua nem.

Vậy là một lần về Cao Viên tôi không ngờ vùng đất dọc sông Đáy này lại có nhiều điều kỳ thú và trở thành kỷ niệm khó quên. Chợt có một cô bé cầm chiếc đèn kéo quân nhỏ xíu đi vào đình mà tôi bỗng thấy mình trở về tuổi thơ ngày nào. Ở quê tôi cũng như nơi đây, dọc đường làng đoàn rước đèn ông sao đi vòng quanh chiếc đèn kéo quân, trong ngày rằm Trung thu.

Ngày ấy chúng tôi cũng hát những lời đồng dao của làng Cao Viên, với những lời ca muôn thuở mê say: “Voi giấy ơi à ngựa giấy ơ... Tít mù nó lại vòng quanh. Bao giờ em bén cái duyên anh. Khen ai khéo kết ới a cái đèn cù... Đèn cù mà đèn ơi...”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/lang-nghe-lam-dan-keo-quan-ben-song-day-post170699.html