Lắng nghe, chia sẻ và hành động

Trong những lần lãnh đạo nhà nước và TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp (DN) và doanh nhân tại nhiều hội thảo, hội nghị thời gian qua, các ý kiến, kiến nghị và bức xúc của DN, doanh nhân đều được ghi nhận, chia sẻ. Tuy nhiên, điều DN, doanh nhân mong mỏi là cần sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ, giúp DN vượt khó, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Những trăn trở

Trong buổi gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo TPHCM mới đây, ông Đỗ Phước Tống, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, đã bày tỏ những nỗi niềm của DN cơ khí Việt Nam, trong đó trăn trở nhất là chính sách thuế. Cụ thể, trong ngành cơ khí chế tạo máy, khi nhập máy móc thuế xuất, thuế nhập khẩu bằng 0, nhưng khi DN trong nước nhập nguyên vật liệu để chế tạo máy phải chịu thuế.

Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ DN, từ đơn giản hóa thủ tục hành chính, rà soát giảm chi phí, cho đến tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho DN. Tuy nhiên, trước một loạt khó khăn của DN tư nhân, DNNVV hiện nay, hơn lúc nào hết cần biến những chủ trương thành hành động cụ thể một cách nhanh nhất để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN.

TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI

Điều này tạo ra sự không công bằng khi sản phẩm nhập đồng bộ thuế bằng 0, nhưng các sản phẩm sản xuất trong nước phải chịu thuế. Đây là nguyên nhân khiến ngành cơ khí chế tạo máy không thể phát triển. “Điển hình trong triển lãm thiết bị cho ngành nhựa cách đây ít ngày, trong 700 gian hàng triển lãm hầu hết máy móc là của Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, còn Việt Nam chỉ có 1 gian hàng duy nhất” - ông Tống cho biết.

Đó là chưa kể đến việc khi nhà chế tạo nhập lô hàng thép cho một đơn hàng, từ việc xin phép nhập khẩu ở Bộ Công Thương, tới kiểm tra thông quan mất quá nhiều thời gian. Lý do chính sách không phân biệt rõ đâu là thép chế tạo, đâu là thép xây dựng nên có chính sách chung cứ nhập thép phải thông qua kiểm định. Những nỗi niềm của ông Tống và cả ngành cơ khí vẫn chưa dừng ở đó, có những chính sách đang khiến DN rất mệt mỏi. Như khi DN nhập dây chuyền thiết bị, khi đang sử dụng mô tơ bị hỏng, cần nhập bổ sung phải đi kiểm định năng lượng ở Hà Nội mất cả tháng trời, ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất của DN.

Là người thường đi dự các buổi gặp giữa lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo TP với DN TPHCM, ông Đỗ Phước Tống đã trở thành một gương mặt thân quen và những bức xúc mà ông Tống nói đến trong buổi gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng là những điều “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Trước đó trong buổi gặp nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hồi đầu tháng 3, ông Tống cũng đề cập đến những vấn đề này và trong những dịp lãnh đạo TPHCM gặp DN cũng không có nội dung gì khác. Ngoài ông Tống còn một số doanh nhân cũng rất quen thuộc trong những lần gặp mặt này như ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn. Những doanh nhân này luôn có rất nhiều trăn trở cho DN mình, cho ngành mình muốn gửi đến các vị lãnh đạo.

Đồng hành cùng DN

Thông thường sau khi nghe những tâm tư của DN các lãnh đạo luôn chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc và hứa sẽ gửi những tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị của DN đến các bộ, ngành liên quan. Thực tế, thời gian qua cũng có nhiều chính sách hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn. Ngoài nhiều thông tư, nghị định triển khai những cam kết của Chính phủ và các ban ngành, địa phương với DN, việc ngày 5-10, Cổng thông thông tin Chính phủ với DN tại địa chỉ http://doanhnghiep.chinhphu.vn/ đã chính thức mở cửa nhận kiến nghị từ cộng đồng DN, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, chưa bao giờ con đường đi từ lời nói đến thực hiện lại có điều kiện để rút ngắn như vậy. Rõ ràng, với động thái trên, Chính phủ đang rất muốn lắng nghe các ý kiến, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ đang rốt ráo tìm các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh doanh thuận lợi, để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đang trong giai đoạn tái cơ cấu.

Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM
tại buổi gặp gỡ với các DN trên địa bàn. Ảnh: HẢI QUỲNH

Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, cho rằng những động thái vừa qua của lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ đã làm thỏa lòng DN và doanh nhân. “Nhưng DN vẫn chưa thực sự an tâm khi cơ quan quản lý nhà nước chưa đồng hành cùng DN và việc triển khai các chủ trương này vào cuộc sống rất chậm” – ông Minh nói và cho biết theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới có hiệu lực từ ngày 1-9-2016, thuế nhập khẩu giảm dần từ thành phẩm đến nguyên liệu thô, nhưng đến nay mọi thứ thay đổi rất chậm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ sẽ làm hết sức mình để DN Việt Nam có thể lớn mạnh trên sân nhà, vươn ra thế giới và thành công. Chính phủ mong các doanh nhân, DN cũng có những khát khao như vậy, nỗ lực làm giàu văn minh, phát huy tinh thần doanh nhân, tinh thần sáng tạo, trách nhiệm xã hội để xây dựng Việt Nam ta giàu có, thịnh vượng. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đồng hành và hỗ trợ DN trong đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; hoàn thiện thể chế, pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, giảm chi phí cho người dân, DN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của DN; thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của DN. Bên cạnh đó, hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động; tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh bình đẳng, tiếp cận nguồn lực và cơ hội; xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với DN; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Thanh Lâm

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161012/lang-nghe-chia-se-va-hanh-dong.aspx