Làng Hoa không nên có thép

UBND tỉnh Quảng Nam gần như đã quyết định di dời Nhà máy thép Việt -Pháp từ Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn lên làng Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi Nam Giang, đồng thời xem xét nâng vốn đầu tư từ 300 tỉ lên gần 1.000 tỉ đồng. Nhà máy này buộc phải di dời vì sự phản đối quyết liệt của người dân Điện Bàn, đã từng bị huyện Đại Lộc từ chối tiếp nhận, nên dù có sự cam kết của chính quyền, người dân làng Hoa, huyện Nam Giang vẫn không tin nhà máy sẽ đem lại sự thịnh vượng cho quê hương. Mặt khác, những quan ngại về nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đe dọa an toàn nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu dân vùng hạ du còn đang phải chờ, khi Quảng Nam chưa có kết quả đánh giá tác động môi trường cho nơi tọa lạc mới của dự án...

Khe Hoa ở làng Hoa đẹp như một bức tranh, hấp dẫn du khách, có thể xây dựng thành làng du lịch ven đường HCM ảnh: Thanh Hải

Dân phản đối vì ô nhiễm, chính quyền nói không

Cty thép Việt - Pháp chỉ mới hoạt động tại Cụm công nghiệp Thương Tín, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam từ 2012, song đã phải nhiều lần tạm đóng cửa vì người dân địa phương liên tục phong tỏa, phản đối việc gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, các kết quả quan trắc môi trường của Sở TNMT Quảng Nam đều cho kết quả “đạt yêu cầu”. Mâu thuẫn này không giải quyết được, trong khi việc đóng góp vào ngân sách từ nguồn thuế của nhà máy thép này chỉ vài triệu đồng mỗi năm, không bù được dẫu chỉ cho công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Vì thế, chính quyền thị xã Điện Bàn kiến nghị tỉnh di dời.

Kế hoạch di dời ban đầu được chọn là huyện Đại Lộc, tuy nhiên bất thành vì địa phương này không chấp nhận nhà máy đang tai tiếng vì gây ô nhiễm môi trường, vì vậy UBND tỉnh Quảng Nam tính đến phương án dời lên huyện miền núi Nam Giang. Khoảng 17,3ha đất tại làng Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ đã được đo đạc, chuẩn bị công tác đền bù, di dời dân. Song vụ việc tiếp tục bị phản ứng bởi lo ngại ô nhiễm không chỉ riêng cho làng Hoa mà bao trùm cả triệu người vùng hạ du sông Vu Gia - nơi cung cấp nguồn nước ngọt sinh hoạt chủ yếu cho TP. Đà Nẵng.

Không chỉ GĐ Cty cấp nước Đà Nẵng lên tiếng phản đối, mà Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã có công văn đề nghị Quảng Nam chia sẻ thông tin về việc đặt nhà máy thép trên thượng nguồn sông Vu Gia. Chính quyền TP. Đà Nẵng cũng nêu rõ quan ngại về nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của hàng triệu người dân hạ du.

Thấy bất lợi cho chủ trương di dời nhà máy từ đồng bằng lên miền núi, UBND tỉnh Quảng Nam đã liên tiếp ra các văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông, UBND TP. Đà Nẵng để khẳng định quyết tâm di dời nhà máy lên làng Hoa của mình. Thậm chí, trong công văn gửi Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn còn đề nghị Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo, chấn chỉnh các đơn vị, cá nhân đã cung cấp thông tin cho báo chí, và tỏ rõ quan ngại về nguy cơ gây ô nhiễm của Nhà máy thép Việt - Pháp.

Tái khẳng định không ô nhiễm khi chưa có kết luận khoa học

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, dự án Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp dự kiến triển khai tại thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ chủ yếu sản xuất các loại phôi thép sử dụng nguyên liệu là sắt thép phế liệu để nấu (không sử dụng quặng và than cốc). Với quy trình nấu thép phế liệu và công nghệ sử dụng lò điện cảm ứng biến đổi điện năng thành nhiệt năng để nấu chảy nguyên liệu sản xuất ra phôi thép nên chủ yếu phát sinh ra bụi, khí thải. Nước thải nhà máy chủ yếu sẽ là nước thải vệ sinh và nước thải nhà ăn với khối lượng khoảng 19,5m3/ngày, được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Nước thải sản xuất chỉ là nước làm mát thiết bị được đưa vào bể tách dầu mỡ, bể lắng lọc chất thải rắn và được giảm nhiệt bằng tháp giải nhiệt, sau đó tuần hoàn sử dụng, không thải ra môi trường... Vì thế, theo ông Toàn, những lo ngại về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là đe dọa đến nguồn nước sinh hoạt của TP. Đà Nẵng khi đặt nhà máy thép tại làng Hoa là thái quá, là hiểu nhầm về mức độ ô nhiễm của Nhà máy luyện cán thép Việt - Pháp.

Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TNMT Quảng Nam, cho biết, quá trình hoạt động nhà máy tại Điện Bàn phát sinh là tiếng ồn, bụi, mùi, dù mức độ ô nhiễm theo quan trắc là không vượt ngưỡng, nhưng do nhà máy quá gần khu dân cư, nên bị phản đối quyết liệt. Hiện ngành TNMT đang cùng các chuyên gia thẩm định đánh giá tác động môi trường để chuẩn bị cho việc di dời lên làng Hoa, Nam Giang và chưa có kết luận.

Người dân làng Hoa phản đối việc di dời nhà máy thép Việt Pháp đến đây

Một chuyên gia ngành luyện thép tại Đà Nẵng phân tích, việc nấu, cán thép phế liệu, phôi thép như cách sản xuất của Nhà máy Việt - Pháp thực chất rất ít ảnh hưởng đến môi trường so với luyện kim từ quặng mỏ, than cốc, qua quá trình dùng hóa chất phân kim. Thực tế, tại nhiều nước ở Châu Âu, nhà máy nấu - cán thép dạng này hiện đang đặt ngay trong TP, nơi đông dân cư vẫn ổn. Tại Đà Nẵng, hiện có nhiều nhà máy thép vẫn đặt trong KCN, trong TP và gần khu dân cư. Tuy nhiên, tồn tại được gần khu dân cư, với điều kiện các nhà máy thép này phải đầu tư hệ thống xử lý bụi, mùi hiện đại, đạt chuẩn. Ví dụ, Nhà máy thép Dana Ý trước đây đã dùng công nghệ lọc bụi giống Nhà máy thép Việt - Pháp (suất đầu tư vài tỉ đồng) đã gánh hậu quả nặng nề từ phản ứng của dân. Ngay sau đó, Dana Ý đã đầu tư một hệ thống lọc bụi bằng túi vải với mức đầu tư trên 60 tỉ đồng đã xử lý hút bụi triệt để. Việc đầu tư xử lý môi trường tốn nhiều tiền cho mua sắm công nghệ lẫn chi phí vận hành, nhưng có như vậy mới đảm bảo không gây ô nhiễm. Còn Nhà máy thép Việt - Pháp, nếu đầu tư hệ thống xử lý môi trường như Dana Ý thì chẳng cần di dời đi đâu cả. Mặc không, vẫn giữ nguyên công nghệ xử lý khói bụi như hiện nay, dù di dời lên làng Hoa thì vẫn gây ô nhiễm môi trường.

Làng Hoa không nên có thép

Thôn Hoa, thị trấn Thạnh Mỹ vốn có tên là Cà Tung, với vài chục hộ dân, nhưng trong vòng 50 năm gần đây, làng có tên mỹ miều là Hoa. Theo ông Zơ Râm Nhiên - Bí thư huyện Nam Giang, tên làng Hoa được hình thành có lẽ là "chết danh" theo khe Hoa - con suối mát bắt nguồn từ đầu làng Hoa, chảy về hướng Đại Lộc, xuôi ra sông Vu Gia với dày đặc loài hoa rù rì, nở vàng rực cả một góc trời vào cuối mùa xuân đến đầu hạ. Hoa phát tán theo dòng nước, mọc ken kín 2 bên bờ suối, tạo nên phong cảnh tuyệt đẹp, thu hút rất nhiều du khách dừng chân khi đi qua cung đường này để đến với rừng núi Trường Sơn.

Khi chưa xây dựng đường HCM, QL14B, làng Hoa xưa là xa tít tắp, cách biệt với TP. Đà Nẵng, nhưng giờ thì chưa đầy 1 giờ đồng hồ. Những năm thập niên 80, cán bộ miền xuôi đi công tác miền núi, phải mất 1 ngày đường mới đến. Người miền núi về xuôi cũng ngót nghét 1 ngày đường mới đến đây. Bấy giờ, làng Hoa là trạm dừng chân đêm đầu tiên của cung đường nối 2 miền xuôi - ngược. Cán bộ, giáo viên công tác miền ngược, không đủ thời gian để hẹn hò, về xuôi thăm nhau, họ đã hẹn ở trạm dừng chân này mỗi dịp cuối tuần. Những câu chuyện tình, hò hẹn đầy lãng mạn giữa rừng hoa, làng Hoa đã được dệt nên rất thi vị từ đó.

Khe Hoa ở làng Hoa đẹp như một bức tranh, hấp dẫn du khách, có thể xây dựng thành làng du lịch ven đường HCM ảnh: Thanh Hải

Làng Hoa cũng đã từng hứa hẹn khi Quảng Nam có chủ trương xây dựng một vùng nguyên liệu dứa để cung ứng cho nhà máy nước dứa ép. Hàng trăm hécta rừng đã thay bằng những đồi dứa ngọt lịm đến bây giờ. Tuy nhà máy nước ép hoa quả không thành hiện thực, nhưng nguồn nguyên liệu dứa nơi đây đang cung ứng cho cả miền Trung và nổi tiếng vì thơm, ngọt. Vì vậy, theo ông Zơ Râm Nhiên, nếu xây dựng làng Hoa thành điểm đến tham quan sẽ êm đềm, sạch đẹp hơn là quy hoạch cụm công nghiệp nặng. Tuy nhiên huyện phải chấp hành chỉ đạo của cấp tỉnh thôi.

Với người dân làng Hoa, thông tin chuẩn bị giải tỏa để nhường đất cho nhà máy thép khiến họ đứng ngồi không yên. Bnước Sơn - Trưởng thôn Hoa, nói thôn có 118 hộ, nhưng nếu di dời đền bù thiệt hại thì chưa đầy 20 hộ. Số ở lại sẽ gánh hậu quả nếu nhà máy tiếp tục gây ô nhiễm như ở Điện Bàn. Ông Sơn cho biết, hiện Nhà máy ximăng Xuân Thành tại đây đã gây ô nhiễm nghiêm trọng, không khí luôn vẩn đục, mịt mù bụi cả ngày đêm. Nếu thêm nhà máy cán thép thì sẽ không thể chịu nỗi.

Ông Mã Tiến Định, hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án, cho biết việc di dời Nhà máy thép Việt - Pháp lên làng Hoa là vấn đề thời gian thôi, bởi chính quyền gần như đã quyết định rồi. Cách đây khoảng 1 tháng gia đình ông được chính quyền mời họp để công bố chủ trương, quy hoạch. Nhiều hộ dân ở đây không đồng tình, nhưng chính quyền đã đo đạc đất đai, và gần như đã hoàn tất phương án đền bù, giải tỏa?

Thông tin về việc di dời Nhà máy thép Việt - Pháp lên Nam Giang khiến nhân dân làng Hoa hoang mang. Khi báo chí phản ánh thì UBND tỉnh Quảng Nam thông báo chỉ mới là chủ trương, cho phép nghiên cứu, khảo sát để chuẩn bị cho phương án di dời chứ chưa quyết định. Tuy nhiên, nhieu người dân dia phuong cho rang thực chất đã là quyết định rồi. Xin nhắc lại, sự cố vỡ hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 mới xảy ra 13.9, chính PCT UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn ký văn bản "đồng ý về mặt chủ trương cho thủy điện tích nước", nhưng nhà máy này đã thực hiện việc tích nước, ngăn dòng và gây sự cố nghiêm trọng. Bây giờ ông Toàn ký văn bản đồng ý về chủ trương cho di dời Nhà máy thép Việt - Pháp, người dân đồ rằng nó không còn là ý định nữa.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/lang-hoa-khong-nen-co-thep-600802.bld