Làng đúc lư đồng cổ nhất Sài Gòn

Về làng đúc đồng cổ xưa nhất Sài Gòn những ngày giáp Tết Nguyên đán 2011, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những cửa hiệu bày bán lư hương các loại. Vào dịp này, thương lái các nơi đổ về đây lấy hàng đưa về các chợ đầu mối rất nhộn nhịp. Dù ngày nay, việc sản xuất lư hương đồng đã được nhiều nơi sản xuất đại trà bằng máy móc nhưng làng nghề đúc đồng truyền thống ở An Hội (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh) vẫn “sống được” nhờ những “bí quyết” được truyền lại từ hơn 200 năm nay.

Làm nghề đúc đồng phải có cái tâm trong sáng và sự tỉ mỉ. Ảnh: HỒNG PHÚC Trăm năm làng nghề Khác với các làng nghề truyền thống ở đồng bằng Bắc Bộ, tại Sài Gòn, nghề đúc đồng xuất hiện sớm nhất mới chỉ khoảng 200 năm nay. Theo các bô lão cao tuổi trong làng kể lại, nghề đúc lư đồng xuất hiện ở Sài Gòn từ thế kỉ thứ 18. Khi đó, có hai nghệ nhân, sau khi học nghề ở phủ Thừa Thiên đã đem nghề đúc đồng về phát triển ở Phú Lâm, rồi chuyển về làng An Hội cho tới nay. Nghệ nhân Trần Văn Thắng (64 tuổi, chủ lò đúc đồng Hai Thắng, làng nghề An Hội) cho biết, nghề đúc đồng phát triển thịnh vượng ở Sài Gòn từ thời trước giải phóng. Khi đó cả khu vực An Hội có trên 30 hộ theo nghề này. Đa số họ di cư từ các tỉnh khu vực miền Trung, vốn nổi tiếng với nghề đúc đồng truyền thống đến định cư. Đi cùng với việc hình thành làng nghề thì ở khu vực Chợ Lớn – Gia Định đã hình thành các khu bán hàng thủ công, các sản phẩm đúc từ đồng, từ nồi, niêu, xoong, chảo đến đồ thờ cúng, lư hương, chân đèn,... “Vào giai đoạn thịnh vượng, lư đồng làng An Hội từng đưa đi bán ở khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, sang tận Cao Miên, Lào, Miến Điện,...”. Tại lò đúc đồng Quốc Kiểng, chủ lò đúc là ông Trần Quốc Kiển cho biết, gia đình ông với hơn chục nhân khẩu theo nghề đúc đồng đã truyền được đến đời thứ 4. Trong đó, cụ cố nội ông Kiển là một trong 2 người đầu tiên đem nghề đúc đồng về làng. Vì thế những kinh nghiệm của nghề đúc đồng ông thuộc nằm lòng. Vào dịp lễ Tết, lò đúc đồng Quốc Kiểng luôn nhộn nhịp với trên 20 nhân công thời vụ và hàng chục nghệ nhân chính, tất bật chuẩn bị cho những bộ lư mới ra lò, sau đó những thành phẩm sẽ được đổ ra các đại lý ở Chợ Lớn để đi khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bà Châu Thị Kía, lò đúc đồng Hai Thắng đang tỉ mỉ làm khâu làm ruột “Sinh nghề, tử nghiệp” Nghệ nhân đúc đồng Trần Văn Thắng kể, sản phẩm lư đồng của làng An Hội, với các thương hiệu nổi tiếng trước đây như Hai Thắng, Ba Cồ, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Quốc Kiểng, Anh Thoại,... nhưng cho đến nay, nghề này đang mai một dần, hiện chỉ còn khoảng 5 hộ còn trụ được với nghề. “Giá đồng tăng chóng mặt, trong khi giá thành phẩm lư đồng tăng theo không kịp khiến nghề làm lư đồng có lãi rất thấp. Đa số các hộ đã chuyển đổi nghề, hoặc bán đất đi nơi khác ở vì thiếu vốn để tái sản xuất. Đối với những hộ như gia đình tôi còn giữ được nghề này cho đến nay là do yêu nghề và không muốn nghề truyền thống của cha ông bị lụi tàn”, nghệ nhân Trần Văn Thắng ngậm ngùi. Còn theo chủ lò đúc đồng Ba Cồ, bà Phạm Thị Liên, sở dĩ vẫn còn một số hộ duy trì được nghề đúc đồng cho đến hiện nay và phải nói vẫn “sống được” với nghề là do những “bí quyết” gia truyền. Nhiều khách hàng truyền thống, có am hiểu về nghề đúc đồng biết rất rõ các lư đồng, chân đèn, đồ thờ cúng có nguồn gốc từ làng An Hội thường rất bền. Theo nghệ nhân lò đúc đồng Hai Thắng, để hoàn thành một thành phẩm lư đồng phải trải qua rất nhiều khâu và phải vận dụng nhiều kỹ thuật khá tinh xảo. Do đó, người nghệ nhân gần như phải đảm nhiệm hầu hết các công đoạn, từ gia công trên đồ đồng, đến pha chế nguyên liệu, làm khuôn, đúc, cho đến kỹ thuật chạm chìm, chạm nổi, chạm lộng hoặc cẩn tam khí. “Về cơ bản là như vậy, nhưng để cho ra lò một bộ lư có độ bền, màu đồng bóng, chín đủ độ thì người làm nghề đúc đồng phải có bí quyết riêng. Thường mỗi lò đúc có những kinh nghiệm khác nhau nhưng đều phải qua 4 công đoạn là làm ruột đất, đổ khuôn, đúc và làm nguội. Tất cả đều làm thủ công và qua bàn tay nhào lặn của người thợ. Do đó, hầu hết các sản phẩm lư đồng của làng An Hội không cần sự hỗ trợ của máy móc mà sản phẩm làm ra vẫn tinh xảo và chất lượng”. Cũng theo nghệ nhân Hai Thắng, cách để phân biệt giữa lư đồng làng An Hội và lư đồng sản xuất đại trà công nghiệp cũng không khó lắm. Lư sản xuất công nghiệp thường có màu vàng lét, sau vài năm thì xỉn màu. Còn lư làng An Hội sản xuất có màu ửng vàng sậm, càng lau chùi thì càng bóng và nhìn có hồn. Hiện thành phẩm lư đồng ở An Hội xuất ra thị trường có nhiều kích cỡ khác nhau (từ 2 – 7 tấc), tuy nhiên loại 5 – 6 tấc được ưa chuộng và có sức tiêu thụ nhiều nhất, do đây là loại không kén nhà, có thể sử dụng được cho cả nhà 3 gian (nhà nhỏ) và nhà lớn. Vào dịp tết, sản xuất lư đồng tăng 30% so với ngày thường, kéo dài tới mùa mưa thì lại giảm. Theo ông Hai Thắng, mùa mưa, thường kéo theo thiên tai, dịch bệnh nên lư đồng khó tiêu thụ vì mặt hàng này thuộc nhóm xa xỉ phẩm. Ông Nguyễn Mạnh Hải, Chủ tịch UBND phường 12, quận Gò Vấp cho biết: Nghề đúc lư hương đồng đã có truyền thống tại phường từ hàng trăm năm nay. Tuy nhiên, hiện chủ yếu vẫn là đúc thủ công, do đó tiềm ẩn các yếu tố gây ô nhiễm môi trường vì quá trình nấu đồng, khói đồng khá nặng mùi, bay tầm thấp, ảnh hướng tới khu dân cư. Địa phương đang tính toán 2 phương án: Một là di dời làng nghề đúc lư đồng sang một địa điểm mới, xa khu dân cư hơn; hai là vẫn duy trì làng nghề theo nguyên trạng nhưng hướng dẫn người dân làng nghề thực hiện các biện pháp lọc khói, tránh tác động ô nhiễm môi trường ra khu dân cư. Ông Hải chia sẻ: “Hiện địa phương đang rất mong muốn Nhà nước hỗ trợ kinh phí để làm sao vừa giữ được nghề truyền thống, vừa đảm bảo các tiêu chí về môi trường”. Nghệ nhân Quốc Kiển cho biết, gia đình sẵn sàng chuyển đổi mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn về môi trường. Ông tâm sự “Ở làng này, mấy chục hộ đã phải bỏ nghề vì không sống được với nghề nhưng với riêng tôi, tôi nhất quyết không bỏ nghề truyền thống của cha ông. Hai đứa con lớn của tôi giờ cũng đã thạo nghề, tôi hi vọng chúng sẽ tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ mai sau nữa”.. Rời làng An Hội, chia tay những người nghệ nhân tâm huyết với nghề, chúng tôi mang theo nhiều tâm trạng về một làng nghề truyền thống đang dần mai một trong thời buổi kinh tế thị trường. Nhưng có lẽ, chính nhờ những trăn trở và tình yêu nghề mãnh liệt như nghệ nhân Quốc Kiển, Hai Thắng, Ba Cồ mà làng nghề đúc đồng An Hội vẫn còn tồn tại, vẫn sẽ là một góc rất xưa, giữa Sài Gòn hoa lệ, hiện đại. Thành Luân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=22935&menu=1437&style=1