“Làng điểm chỉ” Cao Bình - nơi văn minh chưa ló mặt

Nằm nép mình bên dòng sông Cốc Giang (thường được gọi là sông Gốc), một nhánh nhỏ ở ngay nơi sông Hồng chảy về biển, thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến, Kiến Xương, Thái Bình) đã trở thành địa danh nổi tiếng từ lâu với những “thành tích chẳng giống ai” như: “Làng điểm chỉ”, “làng trúng cá sủ vàng nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo”.

Cuộc sống của người dân chài Cao Bình vẫn quay quắt trong cảnh nghèo triền miên.

Sau gần chục năm trở lại, những tưởng mọi sự sẽ đổi khác, nhưng không, cuộc sống nơi đây vẫn như một guồng quay chậm, buồn tẻ, tù túng với cái nghèo bám riết và cái đói chực chờ.

Luẩn quẩn với sự nghèo

Hơn 170 hộ gia đình với hơn 800 nhân khẩu, trong đó 60% gia đình không có đất làm nhà, dân chài vẫn sống trong cảnh sông nước làm nhà, người lớn vẫn điểm chỉ khi làm thủ tục pháp lý, trẻ nhỏ thì thất học, tái mù chữ... đó là những gì đã và đang diễn ra tại ngôi làng “nổi tiếng” Cao Bình, trong dịp chúng tôi trở lại đây vào cuối tháng 7 vừa qua.

Những ngày bão nổi, ngôi làng trên sông vẫn dập dềnh theo sóng nước, dù rằng với người dân làng “điểm chỉ” năm nào giờ họ có thêm sự lựa chọn khi chính quyền đang tạo điều kiện để họ được lên bờ. “Có người đã có nhà trên bờ, nhưng ai cũng quen chài lưới sông nước, giờ rời đi thì không thể sống được”, cô Oanh - một người dân trong làng tâm sự. Sông nước dường như đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người làng chài, dù rằng, cuộc sống mà nó mang lại cho người dân chỉ đủ giành giật với bữa ăn hằng ngày.

Không ra được khơi xa nên sản lượng đánh bắt chẳng đáng là bao. Không biết chữ, không có tài sản thế chấp, bà con phải vay nặng lãi để lấy vốn làm ăn. Mỗi chuyến đi biển, dù có thu được tiền triệu, trừ tiền xăng dầu, khấu hao máy móc, sửa chữa thuyền bè, trả lãi, trả nợ là hết. “Đời ngư phủ là vậy, cứ ngừng chèo là đói. Cái chữ cũng nghèo, cái ăn thì thiếu nên bao lâu nay, làng chài này như buộc sẵn vào định mệnh cái nghèo đeo đẳng”, ông Nguyễn Văn Ba, người đã có trên 70 năm gắn bó với mái chèo trên sông Gốc nghẹn ngào.

Có lẽ không quá khi nói rằng, chiếc thuyền với những tấm lưới là tài sản vật chất có giá trị nhất đối với mỗi gia đình nơi đây. Mặc dù đã có chủ trương đầu tư của Nhà nước giúp người dân rời lên đất liền, tăng cường dạy chữ, hỗ trợ xây dựng nhà cửa... , nhưng trong dịp trở lại đây vừa qua, mọi thứ hiện lên vẫn không mấy đổi khác: Cao Bình gần như biệt lập với xã hội bên ngoài. Họ không có thời gian và cũng không có nhu cầu giao lưu với những người trên bờ, nên ngoài chuyện biển, chuyện giá tôm cá, nhịp sống hiện đại dường như chưa đến với họ. Điện thoại di động, chiếc tivi đen trắng là món đồ duy nhất chứng tỏ sự hiện diện của văn minh ở khu vực này.

Bà Nguyễn Thị Nhẫn là một người dân làng chài Cao Bình đã gắn bó với cảnh sông nước hơn nửa thế kỷ. Dù đã bước sang tuổi 65, nhưng chưa bao giờ bà dám nghĩ mình sẽ lên bờ. “Dẫu cuộc sống có bấp bênh, nhưng ở đây chúng tôi còn có con cua, con cá mà ăn, chứ nên bờ thì chỉ chết đói, vì biết tính toán, làm gì đâu”, bà tâm sự.

Chiếc thuyền cũ kĩ, ọp ẹp giống thân hình gầy xọp của bà, nhưng đây vừa là phương tiện đánh cá, lại vừa là nơi cả gia đình trú nắng mưa. Từ khi chồng bà mất trong một chuyến đi chài, một mình bà gắng sức nuôi 3 người con. Hai người con trai lớn lập gia đình lại nối nghiệp “bất đắc dĩ” của cha ông.

Thiếu chữ, tiền cũng không biết tiêu

Có lẽ không ngoa khi nói rằng, người dân làng chài Cao Bình từng một thời không biết tiêu tiền. Nói vậy, bởi cách đây chừng 5 - 7 năm, khi cuộc sống của dân chài còn lệ thuộc hoàn toàn vào sông nước, các nhu cầu tiêu dùng trong vùng dường như không có, ngôi làng trên sông nằm biệt lập với các khu dân cư của xã Hồng Tiến và càng xa lạ với khu thị trấn huyện. Cuộc sống nay có phần đổi khác, nhưng ý thức sử dụng đồng tiền của người dân nơi đây vẫn thế. Lênh đênh sóng nước, lộc từ sông nước cũng nhiều, nên có năm, nhiều người dân trong làng bắt được cá sủ vàng, trúng mùa sứa, thu nhập được hàng chục, hàng trăm triệu đồng/năm, song ngặt nỗi, cái đầu “đói” chữ nên cầm tiền mà nghĩ không ra cách sinh tiền. Có những hộ dân dù đã “lên bờ”, xây được nhà cửa khang trang, nhưng chỉ vì thiếu chữ, không biết làm ăn, nên thua lỗ. Nhà phải bán trả nợ, sau lại trở về với con thuyền.

Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến, Đỗ Đức Cảnh, làng Cao Bình có đến 80% người trên 30 tuổi không biết chữ nào, còn lại cũng chỉ biết i tờ, viết được tên mình là giỏi. Ai “nhiều chữ” cũng chỉ đến lớp 5, lớp 6 là nghỉ học đi chài lưới. Cũng bởi không biết chữ, nên suốt hàng chục năm liền, hầu hết người làng, đặc biệt là chị em phụ nữ, đều chọn cách… điểm chỉ vào các giấy tờ hành chính. Từ giấy đăng ký kết hôn cho đến sổ vay nợ ngân hàng của dân làng ít khi có chữ ký, hiếm lắm thì có nét chữ nguệch ngoạc ghi tên ở dưới, còn lại toàn là dấu điểm chỉ. Bởi thế, cái tên “làng điểm chỉ” có một không hai trong cả nước cũng từ đây mà sinh ra.

Thiệt thòi nhất có lẽ vẫn là những đứa trẻ. Với khoảng 150 em nhỏ trong độ tuổi đến trường mầm non, tiểu học, làng chài Cao Bình đang dần trở nên quá tải và đáng báo động trước tương lai của đám trẻ. Dù được may mắn lên bờ và theo học con chữ từ nhỏ, nhưng cái nếp sống trôi dạt, bấp bênh trên sông nước truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác tại Cao Bình đã sớm in hằn trong suy nghĩ của những mầm non nơi đây.

Có đứa trẻ được đến trường, nhưng đang quen cuộc sống tự do, nên đi học bị gò bó, thành thử được mấy bữa thì bỏ học. Lại có chuyện, có em đang đi học, bị bố mẹ gọi về trông em, lâu dần sinh tâm lý ngại học... Bởi thế, mãi đến năm 2012, cả làng mới có một học sinh tốt nghiệp THPT, mới đây thì có một học sinh đỗ đại học. Đây lập tức trở thành sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận xã hội. Nhiều em không được đến trường, số học hết phổ thông chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay. Các em phải lênh đênh theo cha mẹ trên những con thuyền chật chội để quăng chài, thả lưới… Quyền trẻ em đang bị cuộc sống mưu sinh nơi đây đánh cắp, để lại những thiệt thòi và mờ mịt cho tương lai.

Cái tên “làng điểm chỉ” vẫn chưa thể lùi vào dĩ vãng.

Bệnh tật bủa vây và bi hài chuyện tình yêu trên bến, dưới thuyền

Cao Bình vẫn còn gia đình “tam đại đồng thuyền” - ba thế hệ sống chung trên một con thuyền. Cuộc sống sông nước tạo nên lối sống tạm bợ, tùy tiện, không quen tích lũy. Đáng nói, số gia đình sinh con thứ ba trở lên ở Cao Bình chiếm tỷ lệ lớn, mỗi gia đình ít nhất có 5 con, thậm chí có gia đình sinh tới 13 con. Do ít hiểu biết, nên nhiều sinh hoạt của người dân Cao Bình vẫn diễn ra một cách tự nhiên và có phần hoang dã. Nhiều phụ nữ phải sinh con khi thuyền đang ở biển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản và an toàn cho thai nhi… Cán bộ địa phương muốn phổ biến quy định, chính sách cho dân thuyền chài cũng rất khó khăn, thường là phải đợi khi họ quay về neo đậu tại bến bãi thì mới gặp trực tiếp được...

Điều đáng nói, do tập quán sống không đảm bảo vệ sinh, nên theo kết quả khám của trung tâm y tế, 100% phụ nữ bị rối loạn tuần hoàn não. Đó là căn bệnh phổ biến nhất với phụ nữ ở đây, đấy là còn chưa kể tới những bệnh như xương khớp, tim… Những người phụ nữ làng chài Cao Bình gần như không quan tâm đến việc chăm sóc y tế, phải ốm lắm họ mới chịu đi khám. Bữa ăn của dân làng chài thường xuyên là mắm, là tép riu, hiếm khi có rau tươi. Ngay đến chuyện tình yêu, chuyện hôn nhân của dân chài Cao Bình cũng quẩn quanh trong những bạn chài.

Điều lạ là con trai cao Bình vốn khỏe mạnh, cơ thể săn chắc, mạnh mẽ cộng với nước da rám nắng; con gái làng chài cũng không kém phần quyến rũ, nhưng rất hiếm trường hợp thanh niên trong làng kết duyên với người ở các vùng lân cận trên bờ. Tách biệt lâu ngày, thanh niên trong làng dường như mang tâm lý “ngại” lên bờ và càng không thể có suy nghĩ tìm người yêu trên bờ. Dĩ nhiên, người trên bờ cũng không mấy khi ngó ngàng, quan tâm đến xóm nước biệt lập này. “Nghĩ cũng buồn lắm, có lần trai làng lên bờ, thấy có vẻ khỏe khoắn, đáng yêu, có cô nảy sinh tình cảm, nhưng khi biết là trai Cao Bình, họ khước từ luôn”, ông Nguyễn Văn Sang - một cao niên tại làng cho biết.

Theo lãnh đạo xã Hồng Tiến, chính quyền đã cố gắng nhiều nhưng mới cấp đất được cho 80 hộ lên được bờ định cư. Trong số 80 gia đình được cấp đất, không phải ai cũng có tiền làm nhà, có gia đình xây xong nhà thì hết tiền, ruộng không có, không biết làm gì lại xuống thuyền làm nghề sông nước. Rất nhiều người sống trên thuyền đang muốn lên bờ định cư nhưng lên thì ở đâu, làm gì để sống?... Câu hỏi ấy sẽ còn xoáy sâu và chưa thể có lời đáp chừng nào chính quyền các cấp và bản thân mỗi người dân chài Cao Bình không thay đổi nhận thức, tập quán về cuộc sống chung với cái nghèo như hiện nay.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/lang-diem-chi-cao-binh-noi-van-minh-chua-lo-mat-236208.bld