Làng cầu Việt trong 'cơn bão' đấu tố

Như cơn bão siêu cấp, tuyên bố đánh thẳng vào cả danh dự lẫn uy tín của các quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam từ cựu HLV trưởng đội tuyển U22 quốc gia Nguyễn Hữu Thắng ngay khi xuất hiện trên mặt báo đã khiến dư luận dậy sóng.

Bóng đá cũng đang cần sự thay đổi từ thượng tầng đến nền tảng, nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền vững hơn.

1. Như cơn bão siêu cấp, tuyên bố đánh thẳng vào cả danh dự lẫn uy tín của các quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam từ cựu HLV trưởng đội tuyển U22 quốc gia Nguyễn Hữu Thắng ngay khi xuất hiện trên mặt báo đã khiến dư luận dậy sóng.

Thực ra thì chuyện ông thầy xứ Nghệ nói chẳng mới! Sau khi bị VFF "quy kết" là chịu trách nhiệm hoàn toàn tại SEA Games 29, Hữu Thắng "phản pháo" cho rằng mình không hề nhận được sự hỗ trợ nào về chuyên môn khi dẫn dắt đội tuyển, tệ hơn, thất bại này còn bị lợi dụng thành trò đấu đá nội bộ mà anh bị lợi dụng để cuốn vào.

Không chỉ dừng ở vấn đề chung, "trên mặt báo" Hữu Thắng còn đánh thẳng vào cá nhân 3 quan chức cấp cao của Liên đoàn gồm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn, Tổng thư ký Nguyễn Hoài Anh và Chủ tịch Hội đồng HLV quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển với những cụm từ gây sốc nặng như: "Cái loa truyền lệnh"; "Bảo đi là đi, bảo nói là nói"...

Dĩ nhiên, trước những lời tố trực diện ấy, VFF cũng chẳng im - thông báo ngay lập tức được đưa ra khẳng định VFF và các quan chức liên quan đều làm tròn trách nhiệm chuyên môn của mình. Thông báo còn nhắm tới cả báo chí khi "nhắn gửi" mong muốn - truyền tải thông tin chính xác, tránh gây dư luận những hiểu lầm không đáng có về mối quan hệ công việc giữa HLV trưởng đội tuyển, VFF và Hội đồng HLV quốc gia!

2. Ai đúng, ai sai? Chắc chắn chỉ có người trong cuộc mới biết. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là làng bóng đá Việt Nam đang phân hóa một cách trầm trọng. Nghiêm trọng hơn là không chỉ phân hóa trong nội bộ những nhà quản lý bóng đá mà cả với giới truyền thông trong cơn bão "tăng view" hiện tại.

Chuyện mất đoàn kết ở VFF thì cũng chẳng phải giờ này, bởi có câu ví von từ xưa rất hay với tổ chức chuyên môn quyền lực nhất của bóng đá Việt Nam - có đoàn kết bao giờ đâu mà mất!? Tuy nhiên, lần mất đoàn kết này hình như có một mục tiêu khác nếu nhìn vào thực trạng của Liên đoàn. Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mắc trọng bệnh lâu nay hầu như chẳng còn tham gia công tác điều hành. Phó Chủ tịch phụ trách tài chính Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) đã tuyên bố rút lui sau thất bại tại SEA Games 29. Theo giới trong nghề, VFF lúc này do một mình Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn điều hành theo kiểu 'tự trị" và như thế, cần sớm được cải tổ.

Cải tổ là điều cần thiết, kể cả là cải tổ sớm hơn so với lịch trình khi phải tới quý III năm sau VFF khóa VII này mới kết thúc. Nhưng dường như chuyện "đánh nhau nội bộ" lúc này giống như việc phe phái lợi dụng chuyện "đập đi" hay "giữ lại" để tranh giành những chiếc ghế quyền lực của làng cầu nội. Và báo chí trong nước cũng không hiểu là vô tình hay cố ý đang bị cuốn vào cuộc chiến này. Có thể là đơn giản là chuyện giật gân để câu view, nhưng có bài báo, cây viết bộc lộ khá rõ ý đồ "tiếp tay" bằng cái gọi là - chấn hưng bóng đá Việt!

3. Những bước tiến và cả những thất bại của bóng đá Việt Nam là không thể phủ nhận. Cũng giống như nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác, bóng đá cũng đang cần sự thay đổi từ thượng tầng đến nền tảng, nhằm hướng tới sự phát triển mang tính bền vững hơn. Chính vì vậy, sự bình tĩnh để nhìn nhận, đánh giá công tâm là cần thiết để đi ra hướng đi hiệu quả.

Đơn giản, xây thì khó, chứ đập đổ dễ hơn nhiều.

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/lang-cau-viet-trong-con-bao-dau-to.aspx