Làng ca sĩ dưới chân núi Lang Biang

Những bếp lửa bập bùng dưới chân núi Lang Biang, buôn làng vang vọng tiếng chiêng cồng. Những đôi chân trần của chàng trai, cô gái miền sơn cước hòa nhịp cùng lữ khách, đê mê trong hương rượu cần mênh mang, chếnh choáng. Giọng ca bắt đầu ngân lên nồng nàn giữa đại ngàn Tây Nguyên. Đó là buôn làng của người Cơ Ho Cil, Lạch (Lạc Dương, Lâm Đồng). Nhiều người gọi nơi ấy là 'Làng ca sĩ'.

Những ca sĩ chân trần dưới chân núi Lang Biang (Lâm Đồng).

Những ca sĩ chân trần dưới chân núi Lang Biang (Lâm Đồng).

Mặt trời đã ngả bên kia đỉnh núi. Bên bếp lửa bập bùng trong nhà sàn truyền thống của người Cơ Ho, nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên, chủ nhân của nhạc phẩm "K'Bing ơi!", đoạt Bài hát yêu thích tháng 9-2013, già làng Krajan Plin mở đầu câu chuyện: Thuở xưa, chàng Lang (bộ tộc Lạch) và nàng Biang (bộ tộc Cil), là đôi uyên ương tài sắc nhất vùng. Mỗi khi họ thổi khèn, đánh chiêng, hát đối đáp cùng nhau thì hoẵng đứng ngẩn ngơ, hươu nai sững sờ và ma quỷ quên làm hại người. "Trong máu của những người sinh ra ở buôn này đều thấm chất nhạc, sau này khi được bồi đắp thêm kỹ thuật sáng tác, chỉ cần thổi hồn vào là ra nhạc thôi", Krajan Plin thổ lộ.

Nhiều du khách khi ghé thăm buôn làng dưới chân núi Lang Biang đượm màu huyền sử đều ngỡ ngàng, không đâu trên đất Tây Nguyên có nhiều nghệ sĩ, ca sĩ quanh năm, suốt tháng hát ca như ở buôn làng này. Buôn Đăng Ya chỉ vài trăm nóc nhà nhưng có đến hàng chục nghệ sĩ, ca sĩ. Trong đó, không ít người đã thành danh và nổi tiếng cả nước, thậm chí họ còn mang chất Tây Nguyên sang trình diễn tận bên kia bán cầu cùng với 12 đội cồng chiêng đang được cấp phép hoạt động phục vụ du lịch. Nhạc sĩ, ca sĩ, già làng Krajan Plin tự hào: "Giọng ca của buôn làng mình đa số được hình thành tự nhiên, có lẽ do được uống con nước của suối Dà P'Lah, được hưởng sinh khí của núi rừng, mỗi ngày được nghe tiếng chim chrao lảnh lót qua khe suối, hay tiếng thét gọi nhau khi vào rừng hái lá". Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, vào mỗi mùa hội "ăn rừng", mừng lúa mới... bà con thường ngồi quanh ché rượu cần hát trên "nền văn vần", ngôn ngữ thơ; trường độ, cao độ tùy theo mức độ ngẫu hứng, có lẽ nhờ vậy mà những người con sinh ra, lớn lên giữa đại ngàn núi mẹ Lang Biang có chất giọng đặc trưng, dễ nhận biết. Không qua trường lớp thanh nhạc, họ hát hồn nhiên như hơi thở của cao nguyên đại ngàn.

Những bếp lửa hừng hực trong mỗi nếp nhà, tiếng nhạc, tiếng chiêng quyện hòa cùng câu yal yau ngẫu hứng ngân dài đến cuối buôn. Rong ruổi vào các nhà trong buôn, chúng tôi được nghe bà Krajan Dí kể một huyền tích thú vị. Tục người Lạch truyền rằng, con trai, con gái của buôn muốn có giọng hát hay, phải bắt được bảy con ve sầu đất đưa về cho thầy mo nguyện thần chú, rồi lần lượt lấy từng con ve "sâm" cổ cọ, xoa, vuốt vào thanh quản đứa bé, sau đó nướng lên cho nó ăn. Đồng bào tin rằng, khi được làm nghi lễ đặc biệt này, đứa trẻ lớn lên sẽ có giọng hát bay bổng, vang xa như con ve sầu vậy.

Lớn lên cùng huyền tích, được uống dòng nước suối Dà P'Lah mát lạnh. Những người con của buôn làng dưới chân núi Lang Biang đều yêu những câu chuyện dân gian lãng mạn, nhưng chẳng có cơ sở để phân tích, truy nguyên. Krajan Dick (cháu già làng Plin, hiện là Phó đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng) cho hay, không kể những ngày hội lớn, vào những dịp lễ, Tết, buôn làng mình đều tổ chức cho con em múa hát để giữ mạch nguồn văn hóa bất tận của cha ông. Nhạc sĩ, ca sĩ của ca khúc "Nồng nàn cao nguyên" thổ lộ: "Người Lạch, người Cil dưới chân núi Lang Biang yêu âm nhạc từ khi máu ở trong mình biết chảy. Trước hết là do trời phú, không gian phát triển bản năng. Sau nữa là nhờ theo chân con hươu, con nai rừng nên sức khỏe dẻo dai và ý thức phát triển có chọn lọc".

Khó để kể hết những nghệ nhân dân gian, những "viên ngọc thô" của buôn làng dưới chân núi ấy, từ thời Krajan Plin, Păng Ting Mút, Krajan Dí đến thế hệ sau, có hàng chục người được công chúng biết đến, như: Krajan Út, Cil Pơi, vào vòng chung kết Sao Mai 2003, Krajan Sik đoạt Huy chương vàng cuộc thi dân ca toàn quốc năm 2005, nhóm nhạc "Hoa đất" đã từng nổi tiếng một thời trong làng âm nhạc Việt Nam... Giọng ca từ cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt Nam K'Druynhs có giọng hát khỏe như con trâu rừng, lảnh lót như tiếng hót chim chrao và giữ đượm chất luyến láy, trầm ấm như hơi thở, giọng nói của mình.

Có lẽ, chẳng cần giải thích rõ ràng về phát tích của làng ca sĩ dưới chân núi ấy. Theo mạch nguồn văn hóa bất tận, cùng với bản tính lãng mạn của họ, ai sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ đều có được giọng hát với âm vực rộng, âm điệu vang... Mỗi khi cất lên nóng hổi, khát khao như trút cạn hơi trong lồng ngực và tự nhiên thành danh bằng tài năng thiên bẩm.

Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/dan-toc-mien-nui/item/27073902-lang-ca-si-duoi-chan-nui-lang-biang.html