Lần duy nhất nói về hiện tượng Lệ Rơi

Việc những bài hát, do giọng ca có “nghệ danh” Lệ Rơi, nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả khiến nhiều người hồ nghi về những chuẩn mực nghệ thuật, và cả sự hài hước.

Hiện tượng Lệ Rơi đang bị lợi dụng để mua vui cho đám đông

"Bị lợi dụng mua vui"

Lệ Rơi tên thật là Nguyễn Đức Hậu. Hậu là nông dân, và sau những giờ lao động mệt nhọc, Hậu thả hồn mình vào những bài hát rồi tung lên mạng. Những ca khúc được giới trẻ yêu thích như: “Em của ngày hôm qua”, “Forever and one”... đều được Lệ Rơi hát lại.

Qua giọng ca Lệ Rơi, những ca khúc này biến thành những “dị bản” khó lường, nhạc đi đằng nhạc, giai điệu đi đằng giai điệu, lối phát âm ngọng nghịu… Tất cả những điều đó đã khiến nhiều khán giả cười nghiêng ngả. Ngay lập tức, Lệ Rơi được các trang web hài hước đăng lại và “lăng xê”. Cứ thế, hiện tượng Lệ Rơi bắt đầu…

Lệ Rơi được mời giao lưu trực tuyến trên truyền thông. Lệ Rơi được nhiều người đến nhà thăm hỏi, và gần đây nhất có quán bar ở Hà Nội còn kêu gọi làm liveshow cho Lệ Rơi. Phóng viên Báo NNVN liên lạc với một số nhạc sĩ nổi tiếng để hỏi ý kiến về hiện tượng lạ lùng này, các nhạc sĩ đều im bặt và họ cho rằng, chẳng có gì để nói ngoài việc: “Lệ Rơi đang bị lợi dụng để mua vui”.

Khi nghe các bài hát do Lệ Rơi trình bày, tất cả chỉ dừng lại ở 2 chữ: hài hước. Sẽ là ngụy biện nếu cho rằng, Lệ Rơi hát cảm xúc và chân thật. Đây là lối ngụy biện, bóp méo sự thật, quan điểm để làm luận cứ tấn công người khác.

NÊN DỪNG LẠI

Lệ Rơi sinh năm 1987. Bắt đầu xuất hiện từ giữa tháng 6, những ca khúc dở tệ của Lệ Rơi được nhiều người dùng facebook chia sẻ, hầu hết đều cho rằng, đây là giọng ca khiến họ buồn cười nhất hay đây là giọng ca dở tệ nhất mà họ từng nghe.
Tiếp theo đó, những ca khúc của Lệ Rơi nhanh chóng được các trang mạng, chuyên chia sẻ chuyện hài hước “lăng xê” thành giọng ca gây hài hước. Thời điểm này, các ca khúc của Lệ Rơi ngập tràn các mạng xã hội như Youtube, Facebook…, cùng với sự tiếp tay của một số phương tiện truyền thông, Lệ Rơi trở thành một hiện tượng lạ lùng.
Hiện tại, trang fan page (trang của người hâm mộ lập ra trên facebook) của Lệ Rơi có hơn 300.000 lượt người tham gia, ngoài ra, các trang khác cũng thu hút trên 100.000 lượt người. Các ca khúc của Lệ Rơi trên Youtube đều có lượng người xem lên đến vài trăm nghìn lượt.
Một nhạc sĩ có tên tuổi ở Hà Nội bày tỏ quan điểm: “Nếu tôi nói thêm về hiện tượng Lệ Rơi thì Lệ Rơi lại nổi thêm. Theo tôi, chúng ta nên dừng lại ở đây. Như thế sẽ tốt cho chính bạn ấy, bởi những người nông dân chân chất như Lệ Rơi - chắc sự việc vừa rồi là ngoài tầm kiểm soát của bạn ấy”.

Trong nghệ thuật, không có tiêu chí rõ ràng cụ thể cho cảm xúc hay chân thật nếu những phần trình diễn đó không đáp ứng được những thứ như: có giọng hát, hát đúng giai điệu, đúng ca từ, và hơn hết, là tôn trọng tác giả, tác phẩm. Không hiểu những tác giả của các ca khúc mà Lệ Rơi đem ra trình bày có cảm thấy bức xúc không khi tác phẩm của họ biến thành một thứ nghệ thuật dị hợm, nhạc không ra nhạc mà đọc thơ cũng chẳng phải thơ.

Sẽ chẳng ai trách Lệ Rơi, bởi anh vô tội trong sự việc này. Lệ Rơi có quyền hát những gì anh thích, anh cũng có quyền chia sẻ những tác phẩm này lên mạng. Một anh chàng Lệ Rơi chân chất, thật thà và có phần xa lạ với những “cái bẫy” khó lường của truyền thông, của khán giả, và cứ thế, những “cái bẫy” giăng ra khiến chàng nông dân quê mùa ngày nào hứng chịu nhiều điều tiếng của dư luận.

Nếu xét ca hát là điểm yếu của Lệ Rơi, những ca khúc của Lệ Rơi xứng danh “thảm họa” thì những kẻ đem điểm yếu của người khác ra trêu chọc, và lợi dụng điểm yếu của người khác tư lợi cho mình, là những “mánh mung” làm ăn đáng phải lên án.

Một số độc giả khác còn nhận định rằng: “Qua những gì Lệ Rơi chia sẻ, thì thấy anh chàng này có phần hơi lập dị, và cái lập dị đó đã khiến đám đông buồn cười. Đáng buồn thay, những kẻ lợi dung cái lập dị đó mang ra trêu chọc, và còn thổi phồng lên thành “hiện tượng” để thành một trò vui tiêu khiển qua ngày”.

Một số người so sánh Lệ Rơi với những hiện tượng lạ lùng trên thế giới, đó là những kẻ bất tài như Kim Kardashian hay Paris Hilton, họ cũng chẳng có tài cán gì nhưng vẫn tạo ra những thứ “thảm họa” để thu lợi. Đây có lẽ là quan điểm không đúng, bởi cả những Kim Kardashian hay Paris Hilton đều được thừa nhận ở lĩnh vực thời trang, còn những hoạt động khác ở truyền hình và ca hát chỉ là bổ trợ.

Hơn thế nữa, những ngôi sao này họ đưa ra những hoạt động có chủ đích, và những hoạt động đó nằm trong chiến lược kinh doanh, xây dựng hình ảnh bản thân. Còn bản thân Lệ Rơi, khi thu âm những ca khúc của mình, anh hoàn toàn không có dụng ý sâu xa, chỉ đơn giản đó là những phút giây thư giãn của anh sau những giờ làm việc mệt mỏi.

Sẽ có những Lệ Rơi khác?

Một hiện tượng không có giá trị thực chất, không được nhìn nhận bằng những tiêu chuẩn tương đối thì sớm muộn gì Lệ Rơi cũng sẽ đi vào dĩ vãng. Một xã hội thường đem những “khuyết tật” của người khác ra làm trò đùa, thì không Lệ Rơi này thì… cũng sẽ có Lệ Rơi khác, và chắc chắn, Lệ Rơi chưa phải kiểu hiện tượng này cuối cùng, mà trong tương lai, sẽ có vô vàn Lệ Rơi khác nhằm đáp ứng nhu cầu mua vui cho đám đông.

Sự ngây ngô của Lệ Rơi đã bị nhiều người lợi dụng nó, đâu đó ở trên cộng đồng mạng, nhiều kẻ “thừa tật, thiếu tài” đang xem kiểu như Lệ Rơi mới là một tiêu chuẩn tìm đến sự nổi tiếng. Nói như giới trẻ hay nói, nhìn hiện tượng Lệ Rơi mà thấy “đắng lòng”…

CÔNG KHAI SỰ LỐ BỊCH

Mặc dù đang không khí World Cup sôi sục, công chúng âm nhạc vẫn quan tâm đến một hiện tượng quái dị trong làng ca nhạc có nghệ danh Lệ Rơi. Ngay cái tên đã bất thường, nhưng chẳng hiểu sao nhiều người vẫn muốn nhìn Lệ Rơi ở chiều hướng… phi thường. Vì vậy, đời sống văn hóa thêm một phen bị vẩn đục bởi sự lố bịch được công khai truyền tụng!

Lệ Rơi không được đào tạo gì về thanh nhạc, không có vẻ đẹp theo thị hiếu đương thời và càng không có chất giọng thiên phú. Có lẽ do nông nhàn, Lệ Rơi sắm thiết bị quay clip và tự gào thét để đưa lên mạng. Cũng lạ mắt vui tai, cộng đồng cũng hò reo trước Lệ Rơi như một cách tiêu khiển rãnh rỗi!

Ngây ngất bởi những lời khen, Lệ Rơi không phân biệt được khen thật và khen đểu, nên tiếp tục làm clip và tung clip lên mạng. Các ca khúc như “Con nhà nghèo”, “Nắng ấm xa dần” hay “Kiếp đỏ đen” qua tiếng hát của Lệ Rơi khiến người nghe chỉ có cảm giác tức cười và buồn cười, chứ không hề vớt vát được chút giá trị thẩm mỹ nào. Thậm chí, những ai tinh tế, nghe Lệ Rơi hát chỉ muốn… rơi lệ vì sự háo danh ngây ngô.

Thời đại công nghệ kết nối toàn cầu, quyền chia sẻ trên mạng bình đẳng với tất cả mọi người. Lệ Rơi hay… Lệ Tuôn đều được phép khoe giọng hát bản thân bất kể dở hay ra sao. Và tất nhiên, trò đùa của Lệ Rơi sẽ nhanh chóng trôi qua, nếu như không có sự tiếp sức của truyền thông.

Không chỉ đưa tin đưa bài về một “ca sĩ Lệ Rơi” mang tính phát hiện mới của showbiz, một tờ báo mạng còn mời Lệ Rơi giao lưu trực tuyến. Trò đùa đã được đẩy đi quá xa. Ban đầu là Lệ Rơi đùa với chính mình, sau đó internet đùa với Lệ Rơi và cuối cùng là báo mạng đùa với công chúng! Trò đùa nối tiếp trò đùa mà thành sự lố bịch!

Cần bình tĩnh để phân tích với nhau, một clip hát hò vớ vẩn có được hàng trăm ngàn lượt truy cập cũng giống như một clip về đụng xe hay sập nhà. Người ta xem vì tò mò, chứ hoàn toàn không có tiêu chí nghệ thuật nào ở đó. Khi đẩy Lệ Rơi lên thành cơn sốt và tạo diễn đàn giao lưu trực tuyến, nghĩa là đã trực tiếp cổ súy cho những hành vi không đẹp trong xã hội.

Công bằng mà nói, Lệ Rơi không có lỗi. Lệ Rơi cũng là nạn nhân của công nghệ số. Trường hợp Lệ Rơi ít nhiều chứng minh báo mạng rất đáng… báo động!

LÊ THIẾU NHƠN

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/25/127535/giai-tri/lan-duy-nhat-noi-ve-hien-tuong-le-roi.html