Lần đầu tiên, Việt Nam đăng cai hội nghị cấp cao LHQ

Hội nghị Cấp cao LHQ khu vực Á-Âu về tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững chính thức khai mạc sáng nay tại Hà Nội.

Hội nghị do Bộ Ngoại giao VN và Cơ quan Đại diện cấp cao của LHQ về nhóm các nước kém phát triển, các nước đang phát triển không có biển và các nước đảo nhỏ đang phát triển (UN-OHRLLS) phối hợp tổ chức.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP

Sự kiện được tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm VN gia nhập LHQ, đồng thời cũng là lần đầu tiên VN đăng cai một hội nghị cấp cao của LHQ, qua đó nhằm nâng cao vai trò của VN tại LHQ và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp VN thúc đẩy hợp tác với các quốc gia.

Tham dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh , 3 Phó tổng Thư ký LHQ, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, Phó chủ tịch cao cấp Ngân hàng Thế giới, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á…

Thuận lợi hóa thương mại - tương lai của thịnh vượng

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, VN rất vui mừng cùng với LHQ đồng tổ chức hội nghị cấp cao quan trọng này nhằm tăng cường kết nối khu vực cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững

Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, hợp tác quốc tế và sự tham gia nhiều bên liên quan sẽ giúp tất cả các nước, kể cả các nước trung chuyển, các nước không có biển (LLDC), vượt qua những thách thức của mình và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

“Chúng tôi cũng tin tưởng vững chắc rằng đối tác và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi giữa các nước LLDC và các nước trung chuyển vẫn là con đường dẫn tới tương lai của sự thịnh vượng chung”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết, trong khi có bờ biển dài 3.000 km, VN cũng có những vùng núi và vùng sâu vùng xa khó khăn về cơ sở hạ tầng và liên kết kinh tế. Do đó, ở một mức độ nhất định, VN hiểu những thách thức mà LLDC phải đối mặt vì những bất lợi về địa lý.

VN đã có những bước đi cụ thể để tăng cường liên kết kinh tế và kết nối cơ sở hạ tầng với các nước láng giềng, đặc biệt là Lào, cả về mặt song phương cũng như khu vực.

VN đang làm việc chặt chẽ với các nước ở tiểu vùng Mekong để phát triển các hành lang kinh tế kết nối vùng sâu vùng xa với các cảng biển quốc tế. Hành lang Kinh tế Đông Tây nhằm kết nối các tỉnh nội địa Myanmar, Bắc Thái Lan, Lào và miền Trung VN với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương…

Về mặt song phương, Lào và VN đã áp dụng mô hình kiểm tra một cửa tại điểm kiểm soát biên giới Lao Bảo - Dansavanh và sẽ áp dụng mô hình này ở tất cả các điểm kiểm soát biên giới giữa hai nước. Hai nước cũng đang hợp tác tạo điều kiện để Lào tiếp cận cảng biển Vũng Áng như một cửa ngõ vào ASEAN và thị trường quốc tế.

Lào và VN đã nhất trí xây dựng đường cao tốc Viêng Chăn - Hà Nội để tạo thuận lợi cho dòng chảy thương mại khu vực.

Phó Thủ tướng nhân dịp này cảm ơn Nhật Bản và ADB đã hỗ trợ và kêu gọi các đối tác phát triển khác tham gia vào nỗ lực chung trong phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển.

Diễn ra từ hôm nay tới 9/3, hội nghị sẽ tập trung thảo luận các nội dung về: Tăng cường hợp tác thuận lợi hóa trung chuyển, thương mại và thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng trung chuyển và hành lang trung chuyển; tăng cường hợp tác thúc đẩy thương mại quốc tế và thuận lợi hóa thương mại; thúc đẩy hợp tác về khuôn khổ pháp lý cho trung chuyển các cấp song phương, khu vực và toàn cầu; chia sẻ chiến lược và kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác hải quan; kinh nghiệm quốc gia về hợp tác hải quan hiệu quả.

Thái An

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/lan-dau-tien-viet-nam-dang-cai-hoi-nghi-cap-cao-lien-hop-quoc-360057.html